Con số về bệnh nhân Covid-19 tử vong trên toàn thế giới, do các chuyên gia Đại học Johns Hopkins (JHU) tính toán, gần như bằng với dân số ở các thành phố Kyiv (Ukraine) hay Lisbon (Bồ Đào Nha), hoặc cao hơn Chicago (Mỹ, 2,7 triệu dân), theo AP.
Tốc độ gia tăng mạnh về số người chết vì Covid-10 trên toàn cầu gây lo ngại, vì cột mốc 2 triệu bệnh nhân qua đời được ghi nhận vào giữa tháng 1.
"Đây là tình huống không ai muốn thấy, vì đại dịch đã bước sang tháng thứ 16 và hiệu quả của các biện pháp kiểm soát đã được chứng minh", Maria Van Kerkhove, một quan chức của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), cho biết.
Theo JHU, số người tử vong hàng ngày do Covid-19 trên thế giới đang tăng trở lại, với trung bình 12.000 ca mỗi ngày.
Số ca bệnh nhân mắc mới cũng tăng đột biến, vượt qua mốc 700.000 ca mỗi ngày.
Brazil, nơi tình hình dịch bệnh đang tồi tệ nhất, có khoảng 3.000 người tử vong do Covid-19.
Cuộc khủng hoảng tại Brazil được một quan chức của WHO ví như một "địa ngục dữ dội", trong bối cảnh một biến thể siêu lây nhiễm của virus SARS-CoV-2 lây lan khắp quốc gia này.
Thi thể của một bệnh nhân chết do Covid-19 được mang đi hỏa táng ở Mumbai, Ấn Độ. Ảnh: AP. |
Với số ca nhiễm tăng nhanh, các bệnh viện đang dần trở nên quá tải và hết thuốc men cần thiết. Điều đó khiến một số bác sĩ phải pha loãng thuốc, hoặc trói bệnh nhân vào ghế lúc đặt ống thở do các loại thuốc an thần đã hết.
Tình hình dịch tại Ấn Độ cũng nghiêm trọng không kém, khi số ca bệnh tăng đột biến vào tháng 2 sau nhiều tuần trên đà giảm.
Trong đợt bùng dịch hiện tại, Ấn Độ ghi nhân hơn 180.000 mới chỉ trong vòng 24 giờ, nâng tổng số ca nhiễm của nước này lên hơn 14 triệu ca.
Dịch bệnh bùng phát tại Ấn Độ còn ảnh hưởng đến nỗ lực ngăn chặn dịch Covid-19 toàn cầu, khi nước này phải ngừng việc sản xuất vaccine cho chương trình COVAX cho đến khi tình hình được kiểm soát.
COVAX là cơ chế phân phối vaccine đến các nước có thu nhập thấp do Liên Hợp Quốc tài trợ.