Ấn Độ vừa trải qua tuần tồi tệ nhất kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát sau khi nước này bước vào làn sóng thứ 2 của đại dịch, theo Guardian.
Trong tuần qua, mỗi ngày nước này đều thiết lập một kỷ lục về số ca lây mắc Covid-19 mới. Trong ngày 13/4, Ấn Độ đã ghi nhận hơn 160.000 ca nhiễm.
Sau tuần qua, Ấn Độ với tổng cộng 13,68 triệu ca nhiễm đã vượt qua Brazil để trở thành quốc gia có số ca mắc Covid -19 lớn thứ 2 trên thế giới. Trong khi đó, số người thiệt mạng do đại dịch ở đây cũng đã vượt mốc 171.000 người.
Số người thiệt mạng do Covid-19 tại Ấn Độ đã làm quá tải hệ thống an táng tạI đây. Ảnh: Anadolu Agency. |
Tại bang Tamil Nadu, chỉ 15 ngày sau khi làn sóng thứ 2 của đại dịch được công bố, số ca mắc Covid-19 trong ngày tại bang đã đạt mức tương đương với đỉnh điểm đợt bùng phát trước đó.
Cơn sóng thần thảm họa
Số lượng ca nhiễm và tử vong vì Covid-19 đang tăng mạnh làm quá tải các cơ sở y tế và nhà tang lễ trên cả nước. Chính quyền nhiều nơi ở Ấn Độ đã phải áp dụng các biện pháp giới nghiêm để kiềm chế làn sóng thứ 2 của đại dịch.
Bác sĩ Shashank Joshi, thành viên đội đặc nhiệm chống Covid-19 tại thành phố Mumbai, so sánh đợt bùng phát mới này của đại dịch như là một "cơn sóng thần", tàn phá hệ thống y tế trong khu vực.
Số lượng ca nhiễm tăng cao không phải điều duy nhất khiến các nhà chức trách Ấn Độ phải đau đầu. Trong làn sóng mới, độ tuổi trung bình của những người phải nhập viện do Covid-19 ngày càng giảm xuống. Bác sĩ Joshi cho biết số lượng người mắc Covid-19 ở độ tuổi từ 20 đến 40 tuổi có triệu chứng nghiêm trọng đang có chiều hướng gia tăng.
Đối diện với tình trạng nguy hiểm này, hệ thống y tế của Ấn Độ đang có nguy cơ sụp đổ. Kshitij Thakur, một quan chức chính quyền tại tại bang Maharashtra, đang phải dùng tới cả mạng xã hội Twitter để kêu gọi sự trợ giúp của chính quyền trung ương đối với các bệnh viện trong khu vực.
Nhiều bệnh viện tại Ấn Độ đang đứng trước tình trạng cạn kiệt nguồn cung cấp oxy. Ảnh Getty Image. |
Theo ông Thakur, các bệnh viện tại thành phố Vasai-Virar, bang Maharashtra đang đứng trước tình trạng cạn kiệt nguồn oxy cho những bệnh nhân Covid-19. Vị quan chức này cho biết địa phương của ông có hơn 7.000 ca mắc Covid-19, trong đó có 3.000 trường hợp cần phải hỗ trợ thở oxy liên tục. "Nguồn dự trữ của chúng tôi chỉ đủ cho 3 giờ nữa thôi", ông Kshitij Thakur viết trên Twitter ngày 14/4.
Lý do của đợt bùng phát mới
Trong đợt bùng phát đầu tiên của dịch Covid-19, Ấn Độ với dân số 1,3 tỷ người không phải chịu quá nhiều thiệt hại về nhân mạng. Theo Hindustan Times, Ấn Độ có tỷ lệ tử vong trên tổng số trường hợp nhiễm bệnh ở mức 1,1%, thấp hơn nhiều quốc gia khác.
Việc số ca tử vong không nhiều mặc dù số ca nhiễm bệnh rất cao đã giúp Ấn Độ đạt tỷ lệ miễn dịch cộng đồng lớn hơn các nước khác sau khi kết thúc đợt bùng phát dịch đầu tiên. Cùng với đó, chính phủ Ấn Độ cũng đang đẩy mạnh tiêm vaccine cho công dân nước này. Hiện tại, Ấn Độ có hơn 108 triệu người đã được tiêm vaccine phòng Covid-19.
Hai yếu tố trên đã dẫn tới sự chủ quan của người dân Ấn Độ đối với những nguy hiểm của đại dịch Covid-19. Vào đầu năm nay, Bộ trưởng Y tế Ấn Độ Harsh Vardhan thậm chí còn tuyên bố nước này đã kiểm soát hoàn toàn đại dịch Covid-19 và dỡ bỏ hoàn toàn các biện pháp phong tỏa để phòng dịch.
Ấn Độ sau đó đã tổ chức nhiều lễ hội lớn trong nước. Một số sự kiện đã thu hút sự tham dự của hàng triệu người.
Lễ hội Kumbh Mela với sự tham gia của hơn một triệu người là một trong những nguyên nhân dẫn tới làn sóng thứ 2 của đại dịch Covid 19 tại Ấn Độ. Ảnh: PTI. |
Bác sĩ K Senthil, chủ tịch Hội đồng Y tế bang Tamil Nadu của Ấn Độ cho biết người dân đã trở nên chủ quan. "Họ nghĩ rằng đại dịch đã qua đi, điều đó thật thiếu sáng suốt", ông Senthil cho biết.
Chính sự chủ quan của người dân và chính phủ Ấn Độ đã khiến cho nước này không có sự chuẩn bị cho làn sóng thứ 2 của đại dịch.
Các nhà khoa học cũng phát hiện làn sóng thứ 2 không chỉ đến từ tâm lý chủ quan của người dân mà còn do sự tồn tại của một biến thể Covid-19 mới tại Ấn Độ. Biến thể mang tên B.1.617 được cho là có khả năng lây nhiễm mạnh chưa từng thấy và có khả năng tái lây nhiễm cho những người từng mắc bệnh.
Bên cạnh việc không có biện pháp chuẩn bị cho làn sóng thứ 2, các nhà chức trách Ấn Độ cũng đã không giải mã kịp thời bộ gene các biến thể mới của virus, khiến cho các bác sĩ gặp khó khăn trong việc đối phó với các biến thể này.