Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Siêu bão Rai sắp vào Biển Đông dị thường thế nào?

Ngoài cường độ mạnh, di chuyển nhanh và xuất hiện vào cuối năm, siêu bão Rai còn có hướng đi rất dị thường. Các địa phương đang lên phương án ứng phó với 3 kịch bản của bão.

Philippines đang đối mặt với một trong những cơn siêu bão mạnh nhất năm. Ở thời điểm đổ bộ đất liền nước này vào ngày 16/12, bão Rai đạt cường độ cực đại cấp 16, giật trên cấp 17. Chỉ sau hai ngày mạnh lên thành bão, sức gió của nó đã tăng cấp đáng kể và trở thành cơn siêu bão có sức tàn phá tương đương cơn Haiyan vào tháng 11/2013.

Sau khi vào Biển Đông, bão Rai giảm cường độ nhưng khả năng vẫn duy trì sức gió mạnh nhất cấp 13-14. Nếu kịch bản này xảy ra, đây sẽ là cơn bão mạnh nhất trong năm nay hoạt động trên Biển Đông.

Cơn bão cuối mùa dị thường

Ông Trần Quang Năng, Trưởng phòng Dự báo Thời tiết (Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia), cho biết thông thường vào tháng 12, bão đi vào khu vực phía nam của Biển Đông cũng như ảnh hưởng trực tiếp đến các tỉnh, thành phố phía Nam.

Trong khi đó, sau khi quét qua phía bắc đảo Trường Sa vào ngày 18/12, bão Rai được dự báo có xu hướng đi ngược lên phía bắc. Đó là sự khác thường về đường đi của bão so với nhiều năm.

"Chúng tôi đã tính toán tất cả kịch bản có thể xảy ra. Tuy nhiên, khả năng đường đi bão Rai lệch lên phía bắc đang có xác xuất xảy ra cao nhất lên tới 80%. Ngoài ra, bão cũng có thể đi thẳng vào miền Trung hoặc lệch xuống phía nam, nhưng xác suất cho kịch bản này không cao", ông Năng nói.

Nhận định Rai là cơn siêu bão hiếm gặp trên vùng biển Tây Bắc Thái Bình Dương trong những năm gần đây, ông Năng cho biết lần gần nhất khu vực đón siêu bão trong tháng 12 là vào năm 2016. Dù vậy, cơn siêu bão Nocten khi đó giảm cấp rất nhanh sau khi vào Biển Đông, chỉ tồn tại với sức gió mạnh cấp 10-11.

Còn bão Rai dù hoạt động vào cuối mùa nhưng có thể duy trì cường độ mạnh tới cấp 13 sau khi vào Biển Đông. Đây là điểm khác thường.

sieu bao Rai gan Bien Dong anh 1

Ngày 16/12, mưa lớn do siêu bão Rai gây ra tại thành phố Cagayan De Oro (Philippines) khiến khu vực này ngập lụt nặng nề, lực lượng chức năng phải hỗ trợ sơ tán người dân. Ảnh: Reuster.

Chuyên gia Lê Thị Xuân Lan, nguyên Phó phòng Dự báo Đài Khí tượng Thủy văn Nam Bộ, nhận định mùa bão trên Biển Đông năm nay diễn biến rất khác so với năm 2020. Trong khi năm ngoái, bão và áp thấp nhiệt đới đến dồn dập với số lượng nhiều và kết thúc sớm, thì năm nay, các hình thái này xuất hiện ít, đồng thời có bão muộn vào cuối năm.

Tín hiệu của mùa bão dị thường được nhận biết sớm khi ngay từ đầu tháng 4, vùng biển Philippines đã xuất hiện siêu bão Surigae. Theo bà Lan, việc xuất hiện siêu bão khi đó là sớm hơn thường lệ. Do đó, bà có cơ sở để nhận định Biển Đông có thể hứng bão rất mạnh trong mùa mưa bão năm nay. Và đó là Rai, cơn bão cuối cùng của năm.

Trước đó, Biển Đông trải qua một mùa bão 2021 tương đối thuận lợi. Khu vực không ghi nhận cơn bão nào có cường độ mạnh quá cấp 12 mặc dù đã qua thời điểm "chính vụ". Gần nhất, bão số 7 và số 8 xuất hiện liên tiếp vào hồi tháng 10 duy trì sức gió mạnh nhất cấp 11, giật cấp 13 ở trên biển và giảm xuống cấp 8 khi đi vào đất liền.

3 kịch bản ứng phó với bão Rai

Theo ông Trần Quang Năng, siêu bão Rai đã gây mưa lớn và gió rất mạnh cho khu vực miền Trung của Philippines. Chiều và tối nay (17/12), bão sẽ vượt qua phía bắc đảo Palawan để đi vào Biển Đông, trở thành cơn bão số 9 trong năm nay hoạt động tại khu vực.

Sau khi vào Biển Đông, bão Rai duy trì sức gió mạnh cấp 13-14, giật cấp 17. Thời điểm tâm bão còn cách vùng biển Phú Yên - Khánh Hòa 200 km, bão đổi hướng dịch chuyển lên phía bắc và tiếp tục suy yếu.

Chuyên gia cảnh báo bão kết hợp không khí lạnh sẽ gây ra gió rất mạnh cho khu vực vùng biển giữa Biển Đông. Sóng biển có thể lên cao 8-10 m, nguy hiểm cho tàu thuyền, kể cả tàu có trọng tải lớn.

sieu bao Rai gan Bien Dong anh 2

Hình ảnh vệ tinh của siêu bão Rai quét qua đất liền miền Trung Philippines tối 16/12 và bắt đầu ảnh hưởng đến Biển Đông. Ảnh: NICT.

Trước diễn biến phức tạp của bão Rai, ông Trần Quang Hoài, Phó trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng chống thiên tai, cho biết đơn vị đã xây dựng 3 kịch bản để ứng phó với bão.

Kịch bản 1, bão chỉ ảnh hưởng trên Biển Đông do hướng đi ngược lên phía bắc. Theo đó, các địa phương cần điều chỉnh kế hoạch ra khơi đánh bắt vụ cá bắc trong ngày 19-21/12. Nhà chức trách được yêu cầu kêu gọi, hướng dẫn phương tiện, tàu thuyền về nơi tránh trú an toàn; kiểm tra, hướng dẫn việc neo đậu tàu thuyền tại khu neo đậu.

Kịch bản 2, bão đổ bộ vào khu vực Trung Trung Bộ và Nam Trung Bộ. Nếu tình huống này xảy ra, địa phương cần chủ động rà soát phương án sơ tán dân đảm bảo an toàn đối với nhà ở không an toàn do bão, nhà có nguy cơ cao ngập lụt, sạt lở bờ sông, bờ biển theo hướng xen ghép và đảm bảo an toàn phòng, chống dịch Covid-19.

Kịch bản 3 có xác suất xảy ra thấp nhất là bão đổ bộ vào khu vực Nam Bộ. Dù vậy, ông Hoài yêu cầu các địa phương không chủ quan do đây là khu vực có cơ sở hạ tầng với sức chống chịu không cao, người dân và chính quyền ít kinh nghiệm ứng phó bão.

Thủ tướng yêu cầu khẩn trương ứng phó siêu bão Rai

Siêu bão Rai di chuyển nhanh, Thủ tướng yêu cầu các địa phương theo dõi sát diễn biến của bão, hướng dẫn tàu thuyền đến nơi tránh trú an toàn.

Siêu bão cấp 16 hướng vào Biển Đông

Siêu bão Rai có thể tiến vào Biển Đông trong ngày 18/12 và duy trì sức gió mạnh cấp 13-14. Hình thái này hướng vào vùng biển Phú Yên - Khánh Hòa trước khi bẻ hướng đi lên phía bắc.

Mỹ Hà

Bạn có thể quan tâm