Chiều 16/12, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết tâm bão Rai đã nằm ngay trên vùng biển miền Trung Philippines. Hình thái này mạnh lên đáng kể trong những giờ qua và trở thành một cơn siêu bão với sức gió mạnh cấp 16, giật cấp 17.
Ngày và đêm nay, siêu bão di chuyển nhanh theo hướng tây tây bắc với vận tốc 25-30 km/h và có xu hướng giảm cường độ trước khi tiến vào khu vực phía bắc đảo Palawan. Chiều 17/12, bão Rai giảm cường độ xuống cấp 13-14, giật cấp 17.
Với sức gió trên, bão đi với vận tốc 20 km/h và đi vào Biển Đông. Chiều 18/12, tâm bão cách đảo Song Tử Tây khoảng 100 km về phía đông. Sức gió mạnh nhất duy trì ở cấp 13-14.
Dự báo đường đi của bão Rai sắp vào Biển Đông cho thấy ngày 19/12, hoàn lưu bão có thể chờm vào ven biển Nam Trung Bộ gây gió mạnh. Ảnh: VNDMS. |
Sau đó, hình thái này giữ hướng di chuyển theo tây tây bắc, dần tăng tốc lên 25 km/h. Chiều 19/12, tâm bão cách bờ biển Phú Yên - Khánh Hòa khoảng 200 km về phía đông. Sức gió mạnh nhất cấp 13, giật cấp 16.
Sau thời điểm này, bão đổi hướng đi chếch thẳng theo hướng bắc, vận tốc giảm nhanh chỉ còn 15 km/h và có xu hướng suy giảm về cường độ.
Đêm nay (16/12), ảnh hưởng của bão kết hợp với không khí lạnh, khu vực phía bắc của Biển Đông (bao gồm vùng biển quần đảo Hoàng Sa) gió mạnh cấp 7-8, giật cấp 10.
Từ gần sáng mai, vùng biển phía đông khu vực giữa Biển Đông có gió mạnh dần lên cấp 8-10, sau tăng lên cấp 11-12. Vùng gần tâm bão mạnh cấp 13-14, giật cấp 17. Sóng cao 6-8 m, biển động dữ dội. Mức độ rủi ro thiên tai trên vùng biển này được cảnh báo ở cấp 4.
Hình ảnh vệ tinh của siêu bão Rai chiều 16/12 khi tâm bão đang nằm ở miền Trung Philippines. Ảnh: NCHMF. |
Ông Trần Quang Năng, Trưởng phòng Dự báo Thời tiết, nhận định Rai là một cơn bão rất mạnh và di chuyển nhanh. Sau khi vào Biển Đông, hình thái này có xu hướng giảm cấp nhưng vẫn duy trì sức gió mạnh nhất cấp 13-14, giật cấp 17.
Theo thống kê 50 năm qua, vùng biển Tây Bắc Thái Bình Dương chỉ xuất hiện 8 cơn siêu bão vào tháng 12. Do đó, siêu bão Rai là trường hợp hiếm gặp nhiều năm trở lại đây, với cường độ tương đương siêu bão Haiyan hồi tháng 11/2013.
“Biến đổi khí hậu đã khiến các hiện tượng bất thường xuất hiện ngày càng nhiều. Do đó, người dân phải rất cảnh giác và khẩn trương chuẩn bị các biện pháp ứng phó”, ông Năng nói.
Ông Hoàng Phúc Lâm, Phó giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, nhận định bão Rai chỉ có xác suất 30% sẽ tiến vào đất liền Nam Trung Bộ. Dù vậy, hoàn lưu bão trên biển khả năng gây gió mạnh cho khu vực ven biển từ Quảng Trị đến Bình Thuận. Riêng ven biển từ Quảng Ngãi đến Khánh Hòa có thể hứng chịu gió mạnh cấp 9-11.
Trước diễn biến phức tạp của bão Rai, Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng chống thiên tai yêu cầu Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, thành phố Trung Bộ thông báo cho thuyền trưởng, chủ các phương tiện, tàu thuyền đang hoạt động trên biển biết để chủ động phòng tránh; duy trì thông tin liên lạc nhằm xử lý kịp thời các tình huống xấu có thể xảy ra. Địa phương chủ động rà soát, điều chỉnh kế hoạch ra khơi đánh bắt vụ cá bắc để đảm bảo an toàn.
Khu vực đồng bằng sông Cửu Long cần lưu ý kiểm tra, rà soát khu vực nhà yếu không đảm bảo an toàn; phương án quản lý, nắm bắt số liệu tàu thuyền neo đậu tránh bão tại các khu vực cửa sông; phương án đảm bảo an toàn cho những tuyến đê biển xung yếu.