Thông tin trên được ông Hoàng Phúc Lâm, Phó giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, thông tin tại cuộc họp ứng phó với bão Rai của Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng chống thiên tai, sáng 15/12.
Theo ông Lâm, lúc 7h sáng 15/12, tâm bão cách Philippines khoảng 800 km về phía đông. Cường độ mạnh nhất duy trì cấp 11, giật cấp 13 và khả năng tiếp mạnh lên trong những giờ tới.
Thời điểm áp sát Philippines, bão Rai có thể đạt cường độ mạnh nhất lên đến cấp 13-14, giật cấp 16 và sẽ giảm cấp sau khi quét qua đất liền nước này. Từ đêm 17 đến ngày 18/12, hình thái này đi vào Biển Đông và có khả năng mạnh trở lại.
Cơ quan khí tượng Nhật Bản dự báo đường đi của bão Rai chuẩn bị vào Biển Đông. Ảnh: JMA. |
Ngày 17/12, không khí lạnh tăng cường mạnh từ phía bắc tràn xuống, sau đó tiếp tục được bổ sung nên khi vào gần bờ, bão có khả năng đi lên phía bắc. Tuy nhiên, thời điểm bão đổi hướng đi lên phía bắc tương đối muộn, khi tâm bão đã vào đến kinh tuyến 113-115.
Theo chuyên gia, Rai là cơn bão mạnh với sức gió có thể đạt cấp 12 trong thời gian di chuyển trên Biển Đông, gây mưa lớn, gió mạnh trên biển và đất liền. Do đó, tàu thuyền hoạt động trên biển sẽ tiềm ẩn nguy cơ gặp rủi ro trong ngày 17-18/12.
"Ngày 19/12, gió mạnh do bão có thể tác động trực tiếp đến các tỉnh, thành phố ven biển Trung Bộ và Nam Bộ", ông Lâm nói.
Sáng 15/12, Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng chống thiên tai họp ứng phó với bão Rai chuẩn bị vào Biển Đông. Ảnh: Ngọc Hà. |
Ông Trần Quang Hoài, Phó trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng chống thiên tai, cho biết để chủ động ứng phó với bão, cơ quan này đã xây dựng 3 kịch bản điều hành ứng phó theo tỷ lệ xác suất từ cao đến thấp là: Bão chỉ ảnh hưởng đến Biển Đông, bão đổ bộ vào khu vực Trung, Nam Trung Bộ và bão đổ bộ vào khu vực Nam Bộ.
Trước đó, Ban Chỉ đạo cũng đã có công điện gửi các tỉnh, thành phố ven biển từ Quảng Bình đến Kiên Giang cùng các bộ ngành về việc sẵn sàng phương án ứng phó với bão Rai chuẩn bị vào Biển Đông.
Theo đó, các tỉnh, thành phố Trung Bộ được yêu cầu theo dõi chặt chẽ dự báo mưa; kiểm tra, sẵn sàng phương án vận hành đảm bảo an toàn hồ, an toàn hạ du; tăng cường thông tin, phối hợp khi vận hành giữa các địa phương; phòng chống sạt lở nhất là khu vực cửa sông đang bị sạt lở khi bão đổ bộ. Địa phương cũng cần sẵn sàng tiêu nước đệm bảo vệ sản xuất, nhất là đối với vụ lúa Đông Xuân vừa xuống giống.
Khu vực đồng bằng sông Cửu Long cần lưu ý kiểm tra, rà soát khu vực nhà yếu không đảm bảo an toàn; phương án quản lý, nắm bắt số liệu tàu thuyền neo đậu tránh bão tại các khu vực cửa sông; phương án đảm bảo an toàn cho những tuyến đê biển xung yếu.