Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Giữa mùa đông, vì sao người dân miền Bắc chưa cần mặc áo ấm?

Chuyên gia cho biết các đợt rét đậm, rét hại ở miền Bắc sẽ xuất hiện muộn vào tháng 1/2022. Trong một tháng tới, nhiệt độ khu vực có thể ấm hơn trung bình nhiều năm 1-1,5 độ C.

Hà Nội và các tỉnh, thành phố Bắc Bộ đang chìm trong khối không khí lạnh tăng cường. Khu vực bắt đầu rét trở lại từ đêm 13/12 với mức nhiệt thấp nhất 14-17 độ C. Dù vậy, thời tiết ban ngày hửng nắng và duy trì ngưỡng nhiệt cao 20-23 độ C, trời lạnh. Trạng thái này kéo dài suốt 2 tuần qua.

Dù đã bước vào giữa tháng 12, miền Bắc vẫn chưa đón đợt rét đậm, rét hại diện rộng nào trong khi mùa đông năm nay đến sớm từ đầu tháng 11. Nhiều người cho rằng mùa đông ở miền Bắc đang có xu hướng ấm lên qua từng năm.

Tính chu kỳ của khí hậu

Ông Nguyễn Đức Hòa, Phó trưởng phòng Dự báo Khí hậu (Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia), cho biết việc miền Bắc chưa xuất hiện rét đậm, rét hại diện rộng ở thời điểm này không phải điều bất thường.

Trong nhiều năm, các hiện tượng trên có thể sớm xuất hiện kể từ tháng 11 nhưng cũng có những năm, rét đậm, rét hại xuất hiện muộn vào khoảng tháng 1 năm sau. “Tương tự, chúng tôi nhận định năm nay, các đợt rét đậm, rét hại sẽ tập trung trong tháng 1 và tháng 2/2022”, ông Hòa nói.

Dù vậy, chuyên gia cho rằng thực tế, mùa đông trong 5 năm gần đây có xu hướng ấm hơn nhiều so với thời kỳ trước đó. Năm 2016, người dân ở Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ trải qua một mùa đông rất lạnh, khu vực Hương Sơn (Hà Tĩnh) thậm chí đã xuất hiện đợt mưa tuyết chưa từng có. Kể từ năm 2017, các mùa đông bắt đầu ấm hơn.

Dẫn số liệu quan trắc, ông Hòa cho biết tháng 11/2020 ghi nhận mức nhiệt cao hơn trung bình nhiều năm 1-2 độ C. Đến tháng 2/2021, nhiệt độ trung bình của tháng cũng cao hơn cùng kỳ các năm 2-3 độ C. Đây là biểu hiện cho thấy mùa đông năm 2020 ấm hơn nhiều năm và trong năm nay, xu hướng tương tự có thể xảy ra.

mua dong o Ha Noi anh 1

Dù đã vào giữa tháng 12, nhiệt độ ban ngày tại Hà Nội thường xuyên ở ngưỡng 22-25 độ C, người dân chỉ cần mặc áo khoác mỏng khi di chuyển. Ảnh: Tuấn Anh.

Về nguyên nhân, chuyên gia nhận định biến đổi khí hậu chỉ tác động mạnh đến khu vực bị đô thị hóa, khiến chuỗi số liệu thời tiết tại các khu vực này gia tăng. Còn lại, những khu vực khác không ghi nhận giá trị nhiệt độ tăng đột biến.

Do đó, ông lý giải việc miền Bắc trải qua nhiều mùa đông ấm trong những năm qua do tính chu kỳ của khí hậu. Đặc điểm này thể hiện ở việc có một số thời kỳ khu vực trải qua nhiều năm rét liên tiếp, nhưng có thời kỳ nóng liên tục.

Ông Hòa lấy ví dụ năm 2008, miền Bắc trải qua đợt rét đậm rét hại kéo dài 40 ngày, chưa từng có trong lịch sử. Đến năm 2011, khu vực cũng xuất hiện đợt rét đậm kéo dài gần một tháng. Đó là thời kỳ miền Bắc rét liên tiếp trong nhiều năm liền.

“Việc mùa đông miền Bắc ấm hơn trong những năm qua có thể do chu kỳ khí hậu đang bước vào giai đoạn ấm. Vài năm nữa, khu vực có thể bước vào chu kỳ có những mùa đông rét hơn”, chuyên gia lý giải.

Mùa đông đến sớm nhưng rét đậm đến muộn

Nói về xu hướng mùa lạnh năm nay, Phó trưởng phòng Dự báo Khí hậu cho biết miền Bắc bắt đầu mùa đông tương đối sớm vào tháng 11. Dù vậy, các đợt không khí lạnh vừa qua chủ yếu gây rét sâu về đêm và sáng sớm, ban ngày nhiệt độ ổn định và có xu hướng tăng cao khiến người dân cảm giác thời tiết chưa quá rét.

Dự báo xa, ông Hòa nhận định mùa đông năm nay ở miền Bắc lạnh hơn năm 2020 nhưng chỉ xấp xỉ so với trung bình nhiều năm. Nhiệt độ không quá thấp, các hiện tượng thiên tai như mưa tuyết ít khả năng xảy ra.

mua dong o Ha Noi anh 2

Dự báo thời tiết Hà Nội trong 5 ngày tới. Đồ họa: Mỹ Hà.

Theo nhận định của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, từ ngày 11/12/2021 đến 10/1/2022, không khí lạnh sẽ hoạt động mạnh trong 10 ngày đầu, sau đó có xu hướng hoạt động yếu hơn cả về tần suất và cường độ so với trung bình nhiều năm. Rét đậm nhiều khả năng chỉ xảy ra cục bộ ở vùng núi và ít khả năng xuất hiện diện rộng.

Một tháng tới, nhiệt độ trung bình ở Bắc Bộ và khu vực từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên - Huế có xu hướng cao hơn cùng kỳ nhiều năm 1-1,5 độ C, từ Đà Nẵng đến Bình Thuận cao hơn 0,5-1 độ C.

Ngày 18-20/12, ảnh hưởng của hoàn lưu xoáy thuận nhiệt đới nên Trung Trung Bộ, Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ có khả năng xuất hiện một đợt mưa lớn diện rộng. Trong đó, khu vực từ Đà Nẵng trở vào đến Bình Thuận và một số nơi thuộc nam Tây Nguyên có mưa lớn với tổng lượng 100-200 mm, có nơi cao hơn.

Về thời tiết dịp Giáng sinh, chuyên gia cho biết sau đợt không khí lạnh cường độ mạnh xuất hiện vào ngày 16-17/12, miền Bắc duy trì trạng thái rét về đêm và sáng sớm đến cuối tháng 12. Nhiệt độ ban đêm tại Hà Nội và Đồng bằng Bắc Bộ ở ngưỡng 14-17 độ C, miền núi 11-14 độ C, vùng núi cao dưới 10 độ C.

Trong khi đó, Trung Trung Bộ có thể xuất hiện một đợt mưa dông trong thời gian tới nhưng không quá lớn. Tây Nguyên và Nam Bộ đã vào mùa khô nên thời tiết không có nhiều biến động, chủ yếu ít mưa.

Đón không khí lạnh tăng cường, Hà Nội rét 15 độ C

Không khí lạnh tăng cường tác động khiến nhiệt độ tại Hà Nội xuống ngưỡng thấp nhất 15-18 độ C trong đêm. Tuần này, thời tiết cả nước biến động.

TP.HCM đón nhiều đợt không khí lạnh cho đến Giáng sinh

Từ giữa tháng 12 đến dịp Giáng sinh, TP.HCM tiếp tục đón đợt không khí lạnh với cường độ mạnh. Nhiệt độ ở đây có thể giảm xuống 18 độ C vào sáng sớm.

Biển Đông sắp đón bão

Sau khi di chuyển vào Biển Đông, bão khả năng ảnh hưởng trực tiếp đến khu vực Trung Trung Bộ và Nam Trung Bộ vào ngày 19-20/12. Đây là cơn bão mạnh, có hướng đi phức tạp.

Mỹ Hà

Bạn có thể quan tâm