Sáng 7/12, Hà Nội chìm trong bầu không khí đặc quánh của sương mù và bụi bẩn. Dù thời tiết hửng nắng, các chất ô nhiễm vẫn không thể khuếch tán khiến chất lượng không khí tại thủ đô suy giảm.
Lúc 7h, AirVisual thể hiện chỉ số AQI trung bình tại Hà Nội là 177 đơn vị, ngưỡng có hại cho sức khỏe con người.
Trong khi đó, kết quả quan trắc của PamAir cho thấy khu vực ngoại thành và một số nơi ở nội thành đang có chất lượng không khí báo động. Chỉ số AQI dao động 200-300 đơn vị, ngưỡng rất xấu.
Đáng lưu ý, một số khu vực ở các quận Đống Đa, Long Biên và Hai Bà Trưng ghi nhận AQI trên 300 đơn vị, ngưỡng nguy hại. Điểm quan trắc tại Vĩnh Tuy (Hai Bà Trưng) được cảnh báo mức độ ô nhiễm cao nhất Hà Nội với 419 đơn vị.
Không chỉ Hà Nội, chỉ số AQI tại các tỉnh, thành Đông Bắc Bộ trải dọc xuống đến Bắc Trung Bộ đều ở ngưỡng có hại. Nhiều nơi như Ninh Bình, Thái Bình, Bắc Ninh... có AQI trên 200 đơn vị, mức độ ô nhiễm tương đương Hà Nội.
Quan sát bản đồ ô nhiễm có thể thấy khu vực đang có chất lượng không khí tốt nhất là Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Tại TP.HCM, chất lượng không khí ở ngưỡng xấu, một số khu vực ở mức có hại cho sức khỏe.
Chất lượng không khí Hà Nội và TP.HCM lúc 8h sáng 7/12. Ảnh: PamAir. |
Theo Chi cục Bảo vệ môi trường Hà Nội, tình trạng ô nhiễm không khí tại thủ đô tái diễn do không khí lạnh đã suy yếu và biến tính, khiến bụi bẩn khó khuếch tán. Kết hợp sương mù, bụi bẩn khiến bầu trời thủ đô đặc quánh vào sáng sớm.
Trong khi đó, TS Hoàng Dương Tùng, Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam, cho biết ô nhiễm không khí ở Hà Nội tái diễn nhiều năm nay và thường gia tăng tần suất, mức độ ô nhiễm vào thời kỳ thu đông. Thông thường, “mùa ô nhiễm” của Hà Nội bắt đầu từ khoảng tháng 9 nhưng năm nay bắt đầu muộn hơn.
Nguyên nhân là những tháng trước đó, việc giãn cách xã hội để phòng, chống dịch Covid-19 khiến hoạt động giao thông và xây dựng giảm đáng kể.
Những ngày gần đây, khi các hoạt động phát thải gia tăng trở lại, cộng với điều kiện thời tiết bất lợi, ô nhiễm không khí lặp lại theo từng đợt. Ông Tùng nhấn mạnh thời tiết không phải nguyên nhân, mà chỉ là một trong những tác nhân khiến tình trạng ô nhiễm không khí gia tăng.
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, Hà Nội và các tỉnh, thành phố Bắc Bộ đang chìm sâu trong khối không khí lạnh và khô, đang có xu hướng suy yếu dần. Khu vực duy trì trạng thái ngày nắng hanh, đêm trở rét với nhiệt độ thấp nhất 11-13 độ C, cao nhất 23-24 độ C.
Ngày 9-11/12, khi không khí lạnh đợt này suy yếu, nhiệt độ tại miền Bắc tăng lên ngưỡng 16-18 độ C vào ban đêm, trong khi mức nhiệt cao nhất ban ngày giữ ở ngưỡng 24 độ C.