Sáng 17/11, Hà Nội tiếp tục chìm trong bầu không khí đặc quánh của sương mù và bụi bẩn. Đây là ngày thứ 3 liên tiếp của đợt ô nhiễm không khí này. Thời tiết ấm lên, các chất ô nhiễm không thể khuếch tán khiến chất lượng không khí tại thủ đô tiếp tục suy giảm.
Lúc 7h, Airvisual thể hiện chỉ số AQI trung bình tại Hà Nội là 120 đơn vị, ngưỡng có hại cho sức khỏe con người. Trong khi đó, kết quả quan trắc của PamAir cho thấy tất cả khu vực nội thành đang có chất lượng không khí báo động. Chỉ số AQI dao động 170-250 đơn vị, ngưỡng rất xấu.
Khu vực có mật độ chất ô nhiễm cao là các quận Cầu Giấy và Hai Bà Trưng, chỉ số AQI trên 250 đơn vị. Điểm quan trắc tại Vân Côn (Hoài Đức) được cảnh báo mức độ ô nhiễm ở ngưỡng nguy hại với hơn 363 đơn vị.
Ngoài Hà Nội, chỉ số AQI tại các tỉnh, thành phố lân cận cũng ở ngưỡng có hại. Nhiều nơi như Bắc Ninh, Thái Bình, Hưng Yên... có AQI trên 200 đơn vị, mức độ ô nhiễm tương đương Hà Nội. Còn khu vực miền núi phía bắc ghi nhận chỉ số ô nhiễm không đáng kể, ở ngưỡng an toàn.
Quan sát bản đồ ô nhiễm có thể thấy khu vực đang có chất lượng không khí tốt nhất là từ Thừa Thiên - Huế đến Ninh Thuận. Tại TP.HCM và các tỉnh, thành phố Đông Nam Bộ, chất lượng không khí ở ngưỡng có hại cho sức khỏe khi AQI ở nhiều nơi trên 150 đơn vị.
Chỉ số AQI quan trắc được tại các khu vực ở Hà Nội lúc 6h30 sáng 17/11. Ảnh: PamAir. |
Trao đổi với Zing, TS Hoàng Dương Tùng, Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam, lý giải tình trạng ô nhiễm không khí liên tục tái diễn tại Hà Nội những ngày qua do không khí lạnh đã suy yếu, trong khi mật độ các chất gây ô nhiễm từ hoạt động giao thông và công trình xây dựng không giảm. Do đó, các chất ô nhiễm không thể khuếch tán lên cao.
Đồng thời, độ ẩm cùng nền nhiệt ở Hà Nội tăng cao khiến trạng thái sương mù xuất hiện, khiến mức độ ô nhiễm không khí nặng nề hơn, bầu không khí đặc quánh. Những ngày tới, khi không khí lạnh tràn về, trời sẽ quang trở lại, bụi bẩn được khuếch tán và từ đó, ô nhiễm không khí sẽ giảm.
Bầu trời Hà Nội đặc quánh trong hai ngày gần đây. Người dân được khuyến cáo hạn chế các hoạt động ngoài trời. Ảnh: Mỹ Hà. |
Theo chuyên gia, tình trạng ô nhiễm không khí ở Hà Nội tái diễn nhiều năm nay và thường gia tăng tần suất, mức độ ô nhiễm vào thời kỳ thu đông. Thông thường, “mùa ô nhiễm” của Hà Nội bắt đầu từ khoảng tháng 9 nhưng đến năm nay bắt đầu muộn hơn. Nguyên nhân là những tháng trước đó, việc giãn cách xã hội để phòng chống dịch Covid-19 khiến hoạt động giao thông và xây dựng giảm đáng kể.
Những ngày gần đây, khi các hoạt động phát thải gia tăng trở lại, cộng với điều kiện thời tiết bất lợi khiến người dân nhìn rõ ô nhiễm không khí bằng mắt thường. Ông Tùng nhấn mạnh thời tiết không phải nguyên nhân, mà chỉ là một trong những tác nhân khiến tình trạng ô nhiễm không khí gia tăng.
“Nguyên nhân chính vẫn đến từ các hoạt động phát thải của con người. Nếu không có giải pháp lâu dài để giảm thiểu các chất phát thải ra ngoài môi trường thì chỉ còn cách 'nhờ trời' giúp giảm ô nhiễm”, ông Tùng nói.
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, Hà Nội và khu vực Bắc Bộ duy trì thời tiết tạnh ráo đến hết ngày 21/11. Cuối tuần này, miền Bắc khả năng đón đợt không khí lạnh tăng cường gây mưa dông và giảm nhiệt. Hình thái này có thể giúp chất lượng không khí được cải thiện.