Chiều 16/12, Thủ tướng ban hành công điện gửi Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn cùng các bộ, ngành, địa phương từ Quảng Ninh đến Kiên Giang, yêu cầu khẩn cấp ứng phó với siêu bão sắp vào Biển Đông.
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, siêu bão Rai đã ảnh hưởng trực tiếp đến ven biển phía đông của Philippines với sức gió mạnh nhất cấp 16, giật trên cấp 17. Những giờ tới, bão có dấu hiệu giảm cấp và đi vào Biển Đông tối 17/12 với sức gió cấp 13-14, giật cấp 17.
Ảnh hưởng của bão có thể gây sóng biển cao 6-8 m ở khu vực bắc, giữa và nam Biển Đông. Ngày 19-20/12, khu vực ngoài khơi các tỉnh, thành phố Trung Bộ có thể ghi nhận gió mạnh cấp 11-12, giật cấp 14-15, đe dọa trực tiếp đến an toàn của tàu thuyền, các hoạt động trên biển, ven biển.
Nhận định đây là cơn bão rất mạnh, di chuyển nhanh, diễn biến còn rất phức tạp, Thủ tướng yêu cầu Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai, các bộ, ngành và địa phương theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão, quyết liệt chỉ đạo, triển khai kịp thời công tác ứng phó với bão.
Dự báo đường đi của bão Rai khả năng di chuyển vào Biển Đông tối 17/12 với sức gió mạnh nhất cấp 13-14, giật cấp 17. Ảnh: VNDMS. |
Cụ thể, UBND các tỉnh, thành phố ven biển phối hợp với lực lượng biên phòng và các cơ quan có liên quan chỉ đạo rà soát, nắm rõ tất cả phương tiện, tàu thuyền còn hoạt động trên biển, bao gồm cả tàu cá, tàu vận tải và phương tiện khác.
Địa phương tổ chức theo dõi sát diễn biến của bão, chỉ đạo thông tin, hướng dẫn phương tiện, tàu thuyền di chuyển đến nơi tránh trú an toàn, kiên quyết không để tàu thuyền, phương tiện hoạt động trong vùng có nguy cơ ảnh hưởng của bão.
Đồng thời, các biện pháp bảo đảm an toàn đối với các hoạt động trên biển phải vừa đảm bảo an toàn tính mạng, vừa phòng chống dịch Covid-19 cho người dân tại nơi neo đậu, tránh trú.
Căn cứ diễn biến, nguy cơ ảnh hưởng của bão và thực tế, địa phương cần chỉ đạo, triển khai các biện pháp cần thiết đảm bảo an toàn cho người và tài sản trên các đảo và lồng bè nuôi trồng thủy hải sản.
Bộ Ngoại giao được yêu cầu theo dõi, chủ động liên hệ với các quốc gia, vùng lãnh thổ tạo điều kiện cho tàu thuyền Việt Nam vào trú tránh bão khi có yêu cầu. Bộ Y tế chỉ đạo công tác đảm bảo an toàn phòng, chống dịch Covid-19, đặc biệt là các khu vực dự kiến sơ tán dân cư khi có tình huống.
Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an chỉ đạo rà soát phương án, sẵn sàng triển khai lực lượng, phương tiện hỗ trợ địa phương ứng phó bão khi có yêu cầu.
Trong khi đó, Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai tổ chức trực ban 24/24, theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão, kịp thời chỉ đạo, đôn đốc triển khai các phương án ứng phó cụ thể, phù hợp với diễn biến của bão. Với những vấn đề vượt thẩm quyền, đơn vị phải kịp thời báo cáo, đề xuất Thủ tướng chỉ đạo.