Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

LONGFORM

Siêu báo lá cải khuynh đảo chính trường Đức và cuộc chiến chống Merkel

Tờ lá cải quyền lực nhất ở Đức từ lâu đã công kích phe cánh tả ở Đức, nhưng những năm gần đây lại nhắm đến Thủ tướng Merkel. Đó là mục tiêu không hề dễ dàng.

Tờ lá cải quyền lực nhất ở Đức từ lâu đã công kích phe cánh tả ở Đức, nhưng những năm gần đây lại nhắm đến Thủ tướng Merkel. Đó là mục tiêu không hề dễ dàng.

“Sẽ khá hay nếu anh đâm vào một con nai”, Julian Reichelt, tổng biên tập của tờ lá cải lớn nhất châu Âu, Bild Zeitung, nói với tài xế của mình, khi phóng viên Thomas Meaney của Guardian đang ngồi trên xe phỏng vấn ông.

“Người đọc Guardian sẽ lại có chuyện hay để đọc”, ông nói.

Đó là đoạn mở đầu cho bài phóng sự của Guardian về Bild Zeitung. Phóng viên Meaney đang ngồi trên chuyến đi quảng bá cho tờ Bild trên khắp nước Đức. Trong hai năm qua, ông Reichelt, tổng biên tập tờ báo, đã gặp gỡ mỗi tháng một lần với một nhóm độc giả trong 1,3 triệu bạn đọc của Bild.

“Phải cảm nhận được những cảm xúc của họ”, ông Reichelt nói với phóng viên. “Phải lắng nghe được trái tim họ”.

Ông Reichelt, 40 tuổi, từng là phóng viên chiến trường ở Syria. Nhưng ngày nay, chiến trường của ông là trên Twitter, và ông thích thú với việc dùng lời lẽ để tác động lên chính giới.

Ở ngoài đời, ông luôn toát ra sự hưng phấn, đôi mắt lúc nào cũng để ý xung quanh. Trên điện thoại, ông "tung" hàng loạt chỉ đạo với các biên tập viên và phóng viên đang lùng sục câu chuyện trên khắp thế giới.

Bild len lỏi trong mọi ngả của đời sống chính trị Đức. Tờ báo này có ở bến tàu, siêu thị, tiệm bánh, nhà xưởng, bãi biển, hay bất cứ đâu mà người Đức mua sắm. Bild là tờ bán chạy nhất châu Âu, và có lượng phát hành đứng thứ 16 thế giới, theo một xếp hạng năm 2016.

Không giống như Daily Mail, báo lá cải lớn của Anh, Bild không có đối thủ cạnh tranh tại nước mình. Bild có 20 phiên bản địa phương, có mặt tới từng ngóc ngách của nước Đức. Mỗi tháng, website của báo có 25 triệu người đọc. Công ty chủ của Bild là Axel Springer (đặt tên theo người sáng lập) cũng là công ty phát hành báo chí lớn nhất ở châu Âu, có trị giá 7 tỷ USD.

bao la cai Bild va thu tuong Angela Merkel anh 1

Trong nhiều thập kỷ, Bild bị những người Tây Đức có thiên hướng dân chủ xã hội chế nhạo. Trong một nền chính trị chú trọng sự đồng thuận và lịch sự hơn đa số nước phương tây khác, Bild lại như một con phố Las Vegas tiệc tùng, ăn chơi, trụy lạc, tập trung toàn bộ những gì bê bối của đất nước.

Chẳng hạn, Bild lên án đàn ông để tóc dài, lên án những người mẫu của Đức cưới đàn ông nước ngoài. Tờ báo này dung túng cho chủ nghĩa phân biệt chủng tộc ở Nam Phi, độc tài ở Hy Lạp. Trên tất cả, Bild chống đối Đông Đức, và từng chống lại phong trào sinh viên cánh tả.

Nhưng Bild có vị thế tại Tây Đức đến mức vào năm 1965, sau khi giá bán mỗi tờ báo tăng từ 10 lên 15 pfennig (100 pfennig bằng 1 Mác Đức), công ty Axel Springer còn đề nghị Thủ tướng Đức Ludwig Erhard tạo ra đồng xu có mệnh giá 15 pfennig để việc mua báo được dễ hơn. Cảnh sát mật vụ ở Đông Đức ấn tượng với sức mạnh truyền thông của Bild đến mức tạo ra tờ báo riêng có tên NEUE Bild Zeitung, nhưng không “đọ” được với tờ báo gốc.

Ngày nay, Bild không còn ảnh hưởng như hồi thập niên 1960, nhưng lại quan trọng hơn về chính trị.

“Tôi đọc Bild đầu tiên vào buổi sáng, vì đây là tờ báo định hướng nghị trường”, Josef Joffe, chủ biên của tờ tuần báo Die Zeit, nói với Guardian.

Tờ báo này có quan hệ thân cận với chính giới Đức. Cựu thủ tướng Đức Helmut Kohl là phù rể cho đám cưới cựu biên tập của Bild Kai Diekmann, và ngược lại. Cựu thủ tướng Đức Gerhard Schröder từng nói: “Để lãnh đạo, tôi cần Bild, Bild phiên bản Chủ nhật, và truyền hình”. Cựu bộ trưởng quốc phòng Đức, nay là Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen từng đến các bữa tiệc ăn tối của ông Reichelt tại văn phòng Bild ở Berlin.

Thủ tướng đương nhiệm Angela Merkel thì không quá gần các nhân vật của công ty Axel Springer, nhưng chồng của bà trả 10.000 euro (11.400 USD) mỗi năm để vào ban quản trị của tổ chức phi lợi nhuận Friede Springer, lấy tên vợ quá cố của ông Axel Springer.

Dù gần với chính giới như vậy, Bild vẫn thường xuyên chống lại các chính khách. Trước đây, các biên tập viên của Bild ủng hộ, liên minh với ai thường là tùy vào cảm nhận cá nhân họ, nhưng khi ông Reichelt lên nắm quyền thì khác - ông là một người chính trị.

Dưới thời ông Reichelt, tờ Bild khá ủng hộ Mỹ, NATO, Israel, kêu gọi giảm ngân sách công, ủng hộ các dòng vốn đầu tư, chống Trung Quốc, chống Nga. Theo thế giới quan của Bild, cách tốt nhất để chống lại cánh tả là tô vẽ các lập trường của phe này như độc tài, còn cách tốt nhất để chống lại cánh hữu là lấy luôn các lập trường của cánh hữu (để giành độc giả của họ).

Thời kỳ gần đây, mục tiêu phê phán của Bild là Thủ tướng Angela Merkel và đảng Liên minh Dân chủ Cơ Đốc giáo (CDU) của bà. Đó là mục tiêu khó. Bà Merkel đã là thủ tướng 14 năm nay và không gặp phải thách thức đáng kể nào từ trong đảng của mình hay từ các đảng khác, và tờ Bild lại muốn đóng vai trò lực lượng đối lập đó. Rất khó để thuyết phục người Đức rằng phong cách chính trị của bà Merkel giờ đã hết thời, Guardian bình luận.

Ông Reichelt và phóng viên của Guardian đã tới điểm đến trong chuyến đi quảng bá của mình, là một trụ sở cứu hỏa ở thị trấn Sprockhövel, khoảng gần 30 km phía đông bắc của Düsseldorf. Nhiều người đã tới để giao lưu với ông Reichelt, trong đó có nhiều lính cứu hỏa.

Ông Reichelt cầm một cốc bia, khen ngợi các lính cứu hỏa, và mời gọi các ý kiến về tờ Bild.

“Một vấn đề mà Bild gây ra cho chúng tôi... là người đọc thích chụp ảnh”, một lính cứu hỏa nói.

Ông Reichelt hướng tai để nghe. “Thật vậy ư? Chúng tôi làm gì sai? Tôi muốn nghe phê phán của anh”.

“Tờ báo khuyến khích người đọc gửi các ảnh rùng rợn nhất có thể, nên người đọc cứ chặn đường quanh đám cháy vì họ muốn chụp ảnh cho Bild!”.

Ông tỏ ra đang ghi nhận sự nghiêm trọng của vấn đề, rồi tiếp tục mời gọi bất cứ ai có ý kiến phê phán. “Thế thì tệ quá, chúng tôi phải dừng điều đó lại. Tôi sẽ bắt tay giải quyết ngay lập tức”, ông nói với người lính cứu hỏa.

Sau buổi giao lưu và ăn tối với độc giả, ông Reichelt và phóng viên Guardian lên chiếc Mercedes rời đi. “Bild là trải nghiệm ‘đốt lửa trại’ quốc dân trong đời sống người Đức”, ông Reichelt nói. “Đó là thứ cuối cùng mà người Đức có thể cùng đồng lòng”.

Guardian lưu ý rằng đó chỉ là góc nhìn riêng của tổng biên tập tờ Bild, chính là tờ báo mà trong nhiều thập kỷ đã phân hóa chính trị của Đức thành hai phe: phe đọc Bild và phe ghét Bild. Dù vậy, tổng biên tập Bild dường như đưa ra góc nhìn của mình một cách chân thành.

Trải nghiệm đọc Bild như là một bữa ăn đầy những tin đồn, những tít giật gân. Các bê bối luôn chiếm trang nhất, và cả những tít gây sốc, gây sợ. Trang nhất cũng ghi ra những “người chiến thắng” và “kẻ thua cuộc” của ngày. “Kẻ thua cuộc” có thể là Hoàng tử Charles của Anh - tổ chức từ thiện của ông dính cáo buộc nhận tiền của Nga. “Kẻ thua cuộc” có thể là Sergei Lavrov, Ngoại trưởng Nga, người vừa cáo buộc Đức có chiến dịch tung tin giả nhắm vào Nga. “Người chiến thắng” có thể là các doanh nhân sau các thương vụ.

Phần nực cười nhất trong tờ Bild có lẽ là trang 3 và 4, theo Guardian, với các phóng sự từ phóng viên ngôi sao Paul Ronzheimer. Các phóng sự thường có ít chữ nhưng lại kèm ảnh selfie khổng lồ của Ronzheimer. Chẳng hạn, Ronzheimer đứng trước cảnh cháy rừng ở Brazil, đứng trước lãnh đạo đối lập của Venezuela, đứng trước cảnh bạo loạn ở Hong Kong, đứng bên những người tị nạn Syria.

Như thể để tuyên bố: tờ Bild đã ở đây, và làm độc giả tưởng rằng Bild có sức tiếp cận tuyệt vời, trên toàn cầu.

Trong mắt ông Reichelt, Thủ tướng Đức Angela Merkel đã “phi chính trị hóa” nước Đức, làm lu mờ đi ranh giới giữa bảo thủ và cấp tiến. Trong gần hai thập kỷ, ở những thời khắc quyết định, bà Merkel đã khôn khéo “cướp mất” lập trường chính sách của các đối thủ. Năm 2003, bà thi hành các chính sách cấp tiến trong đảng CDU, nhưng khi điều này tạo phản ứng ngược ở hòm phiếu vào hai năm sau, bà lại triển khai các chính sách của phía Dân chủ Xã hội. Sau thảm họa sóng thần và hạt nhân ở Fukushima, Nhật Bản năm 2011, bà Merkel chuyển thành người phản đối điện hạt nhân sau một đêm.

Vẫn theo ý kiến của ông Reichelt, việc bà Merkel cho phép 1 triệu người di cư vào Đức mùa hè 2015 thực ra không phải vì nguyên tắc nhân đạo, mà bà đã suy đi tính lại dư luận Đức. Ngay khi sự nhiệt tình và ủng hộ mà tầng lớp trung lưu dành cho người nhập cư giảm đi, bà Merkel ngay lập tức đưa ra các luật chống người nhập cư. Những người chống đối bà cho rằng bà là chính khách thực tế, và không quan tâm mấy đến lý tưởng, lập trường, nguyên tắc nào hay là đến người dân.

Chính vì góc nhìn của ông Reichelt như vậy, ông coi công việc của mình là đưa nước Đức trở về thời trước Merkel, khi có sự phân tách chính trị giữa các phe. Ông Reichelt đã biến Bild thành cái loa cho những người chỉ trích bà Merkel kịch liệt nhất.

Nhưng trở ngại ở đây là Merkel vẫn là chính khách được lòng dân nhất ở Đức. Trong dịch Covid-19, bà có tỷ lệ ủng hộ lên tới 80%, cao hơn hẳn những người đồng cấp ở châu Âu.

Ông Reichelt nắm quyền ở Bild vào năm 2018. Người tiền nhiệm Tanit Koch đã cố hướng Bild theo hướng thân Merkel hơn, nhưng dưới thời Reichelt, tờ Bild nhanh chóng chuyển sang chống Merkel.

Đôi khi ông Reichelt cũng rất có nguyên tắc, chẳng hạn trong việc chống Putin, ủng hộ NATO, ủng hộ Israel. Nhưng đa phần nội dung của Bild là nhằm lợi dụng sự bất mãn của đám đông, thay vì đưa ra lập trường nào cho bạn đọc. Chẳng hạn, ông Reichelt liên tục bảo vệ quyết định không đóng cửa biên giới Đức đối với người tị nạn từ Syria vào năm 2015. Nhưng cũng chính tờ Bild đã tìm nhiều cách để liên hệ người nhập cư với tội phạm và yêu cầu tăng cường trục xuất.

Về môi trường, ngày hôm nay, Bild có thể đang phê phán lời kêu gọi của bà Merkel đóng cửa các xí nghiệp than trước năm 2038, nhưng ngày khác, Bild có thể lại giật tít: “Các quan chức chính phủ đang phá hủy môi trường” cho một bài viết nói về 200.000 chuyến bay mỗi năm mà các quan chức Đức đi lại giữa các bộ ở Berlin và ở Bonn.

Một số phóng viên Đức cho rằng việc ông Reichelt chú trọng nhiều hơn vào chính trị trong tờ Bild là nhằm chống lại sự sụt giảm về số lượng độc giả. Thậm chí, để giành lấy độc giả, Bild còn cạnh tranh với cả những trang cực hữu, đưa cùng những loại tin giống như các trang này. Cũng tương tự như họ, Bild có những lần đăng những câu chuyện sai sự thật.

Về quan hệ quốc tế, Bild theo đuổi trường phái tin rằng Đức nên có vai trò lãnh đạo trong các vấn đề thế giới. Nhưng Bild bị cho là không sâu sắc trong lập trường này. Khi có lính Đức được triển khai ở nước ngoài, Bild có thể là tờ đầu tiên làm lớn chuyện khi có thương vong. Bild có thể là tờ đầu tiên nói chiến dịch nước ngoài đó là sai lầm và đề nghị đưa lính Đức về nước.

Dịch Covid-19 ban đầu khiến Bild và phe cánh hữu ở Đức bất ngờ. Sau khi chính phủ phản ứng tốt với dịch, bà Merkel dường như “miễn dịch” đối với mọi chỉ trích. Nhưng Bild lại chuyển mục tiêu sang Trung Quốc.

Tháng 4, ông Reichelt đăng bức thư đòi Bắc Kinh trả tiền bồi thường 170 tỷ USD vì hậu quả của Covid-19. “Các ông đóng cửa mọi tờ báo và website phê phán chính quyền các ông... nhưng lại không đóng cửa các quầy hàng bán canh dơi”, ông Reichelt viết trong bức thư.

Bức thư đó trở thành chủ đề trang nhất trên khắp thế giới, và làm đại sứ quán Trung Quốc ở Berlin nổi giận.

Khi công chúng bắt đầu mất kiên nhẫn hơn với lệnh phong tỏa, vào cuối tháng 5, Bild thay đổi mục tiêu sang nhà virus học hàng đầu của Đức, Christian Drosten, người trở nên nổi tiếng nhờ vai trò cố vấn chính phủ và nhờ trả lời phỏng vấn về dịch bệnh.

Một chiêu của Bild nhằm công kích ông Drosten đã phản tác dụng. Ngày 25/5, một phóng viên Bild gửi ông Drosten một email, nói các chuyên gia đang chỉ trích gay gắt nghiên cứu mới nhất của ông về Covid-19, và yêu cầu ông phản hồi trong vòng một giờ. Ông Drosten đăng luôn email đó lên Twitter và nói ông có “nhiều thứ đáng làm hơn”.

Bài viết sau đó, cố gắng thổi phồng một bất đồng nhỏ về thống kê nhằm mục đích công kích uy tín của ông Drosten, bị phản ứng dữ dội. Truyền thông Đức đồng loạt bảo vệ ông Drosten, coi bài viết là một “chiến dịch bôi nhọ vô căn cứ”, và hashtag #Ichhabebessereszutun (tạm dịch: #nhiều thứ đáng làm hơn) trở thành trend (xu hướng).

bao la cai Bild va thu tuong Angela Merkel anh 2

Tại một cuộc họp ban biên tập của tờ Bild, 12 người ngồi quanh bàn, nhìn ra đường chân trời của Berlin.

“Có gì nào?”, ông Reichelt hỏi.

Một bức ảnh của Ursula von der Leyen hiện lên màn hình.

“Có thể làm cho mặt bà sáng hơn chút không... bà ta trông buồn, nghiêm trọng quá”.

“Cái gì ở đây thế”, ông Reichelt hỏi về một bức ảnh khác của một nhạc sĩ.

“Đó là ca sĩ Andreas Gabalier”, một người trong phòng họp nói. “Anh ta sắp được trao giải Karl Valentin ở Munich, nhưng rõ ràng anh ta là một người cánh hữu cực đoan”.

“Anh ta làm gì trong ảnh vậy?”, ông Reichelt hỏi.

“Anh ta rõ ràng đang làm tư thế giống biểu tượng chữ thập ngoặc (của Đức Quốc Xã)”, người kia trả lời.

“Tôi không thấy rõ”, ông Reichelt nói. “Có thể đó là một động tác nhảy?”

“Cũng đúng, trông không rõ rệt cho lắm”.

“Thôi được, chúng ta cứ nói rằng có một số người đã nhìn ra, diễn giải là chữ thập ngoặc”, ông Reichelt nói.

“Tôi hiểu rồi”.

“Có gì về tội phạm không?”, ông Reichelt hỏi.

“Chúng ta có một bác sĩ nhi khoa ấu dâm, đã lạm dụng tình dục các bé trai trong 15 năm”.

“Phán quyết thế nào rồi”, ông Reichelt hỏi.

“Thẩm phán cho hắn chung thân rồi”.

“Được đấy, cho tôi xem ảnh hắn nào?”. Bức ảnh của Roland Christiani hiện lên màn hình. “Mặt được đấy! Hắn trông như một giáo sư”, ông Reichelt nói. “Đẩy tít lên nổi bật đi”.

Năm sau, gần như chắc chắn là năm cuối của bà Merkel trên cương vị thủ tướng. Bà đã rời chức vụ chủ tịch đảng CDU. Trong cuộc chạy đua người kế nhiệm bà, cá nhân ông Reichelt ủng hộ doanh nhân Friedrich Merz hơn là người mà bà Merkel muốn chọn là Annegret Kramp-Karrenbauer. Nhưng ông Reichelt nói người mà ông thích hơn chưa chắc sẽ được Bild ưu ái.

“Tôi ủng hộ ông Merz kế nhiệm bà Merkel? Có thể. Nhưng chúng tôi có ngần ngại phá hủy ông ta không? Không hề”, ông Reichelt nói.

Cuộc tranh đua chính trị ở Đức đang nóng lên trước thềm sự ra đi của bà Merkel. Các lãnh đạo vùng của Đức đang thi nhau đưa ra cách chống dịch Covid-19, nhằm làm hài lòng các cử tri cao tuổi vốn vẫn quyết định chính trị Đức.

bao la cai Bild va thu tuong Angela Merkel anh 3

Ông Reichelt lạc quan về tương lai, nhưng có ít khả năng Bild lấy lại được vị thế trước đây, theo bình luận của Guardian. Việc Bild thất bại trong nỗ lực công kích bà Merkel và giới khoa học trong đại dịch vừa qua cho thấy công chúng Đức không sẵn lòng bị chia rẽ thêm, giữa cuộc khủng hoảng cần sự ổn định.

Vị thế của Bild với tư cách phe đối lập với bà Merkel thậm chí còn bị đe dọa bởi một nhân vật chỉ 27 tuổi, tóc xanh lam, trên Internet. Người này vừa có video 55 phút trên YouTube chỉ trích chính quyền Đức về các vấn đề như biến đổi khí hậu, phúc lợi và di cư, nhận được tới 17 triệu lượt xem.

Bà Merkel: Anh sẽ phải ‘chịu hậu quả’ khi giảm liên kết với EU

Anh sẽ phải “chịu hậu quả” nếu cuối năm nay, không có thỏa thuận kinh tế với EU hậu Brexit, Thủ tướng Đức Angela Merkel nói.

Bà Merkel phá vỡ 2 điều cấm kỵ ở Đức

Đức vốn không muốn bỏ tiền túi ra cho các quốc gia khác trong EU chi tiêu. Song trước sự tàn phá của đại dịch, bà Merkel đã đặt lợi ích của khối lên trên lo lắng trong nước.

Trọng Thuấn

Đồ họa: Nhân Lê

Bạn có thể quan tâm