Sau ngày 30/8 không thể ra đường hoạt động vì không được trả giấy xác nhận xét nghiệm, tới ngày 31/8, anh Sáng - shipper đối tác của một ứng dụng gọi xe - đã có thể ra đường và giao hàng tại TP Thủ Đức.
"Sau khi xét nghiệm và lấy giấy thì tôi bắt đầu chạy từ khoảng 9h, tới hết chiều thì được khoảng 20 đơn, chủ yếu là đơn giao hàng thiết yếu. Gần như cứ mở app là có đơn đặt hàng nên hôm nay chạy rất thuận lợi", anh Sáng chia sẻ.
Cũng trên địa bàn TP Thủ Đức, nhưng trong số đơn hàng của anh T. Mai, đơn mua hàng hộ lại chiếm phần nhiều. "Chạy từ sáng tới giờ cũng được hơn 20 đơn. Khách đặt mua nhiều nhất là rau, thịt và trứng, cũng có người mua thuốc", anh Mai chia sẻ.
Shipper các vùng đỏ của TP.HCM có ngày 31/8 bận rộn sau khi vấn đề về giấy xác nhận xét nghiệm đã gần như được giải quyết. Ảnh: Duy Hiệu. |
Theo ghi nhận của Zing, các ứng dụng gọi xe đều đã mở chức năng giao hàng tại các vùng đỏ của TP.HCM, tuy nhiên mức độ triển khai có khác nhau. Trong khi có ứng dụng chỉ có khoảng 1 - 2 cửa hàng để người dùng lựa chọn, có ứng dụng lại nhiều hơn. Tuy nhiên hiện các ứng dụng chỉ cung cấp dịch vụ giao hàng từ các cửa hàng nhỏ, trong khi các siêu thị lớn không xuất hiện trong danh sách.
Chia sẻ với Zing, các ứng dụng gọi xe cho biết hiện shipper tại các vùng đỏ chỉ thực hiện được đơn giao hàng từ các cửa hàng nhỏ, trong khi với các siêu thị lớn thì hoạt động đi chợ hộ đang được thực hiện bởi bộ đội và cán bộ phường. Các ứng dụng mong muốn cơ quan chức năng xem xét có thể mở lại dịch vụ đi chợ hộ tại các siêu thị vì nhu cầu người dân đặt thực phẩm rau, củ, thịt... đang tăng cao.
Về lượng đơn hàng, trong ngày 31/8, đại diện ứng dụng Be chia sẻ với Zing doanh nghiệp đã ghi nhận hàng nghìn đơn giao hàng tại TP.HCM. Ứng dụng cho biết ghi nhận nhu cầu đặt hàng của người dùng tại TP.HCM là rất lớn và sẽ tiếp tục hỗ trợ shipper cũng như người dùng tại các vùng đỏ của thành phố để việc giao hàng diễn ra thuận lợi.
Phía Grab cũng chia sẻ trong ngày đầu tiên mở giao hàng trở lại tại các vùng đỏ của TP.HCM, ứng dụng đã ghi nhận hơn 10.000 đơn hàng chỉ sau vài giờ. Theo danh sách đăng ký với Sở Công Thương, Grab đang là đơn vị có nhiều shipper hoạt động nhất tính đến ngày 28/8 với hơn 4.200 shipper.
Nguồn tin của Zing tại một ứng dụng gọi xe khác cũng chia sẻ hoạt động giao hàng ngày 31/8 được ứng dụng triển khai khá trơn tru, tuy nhiên nhiều shipper cho biết vẫn gặp khó khi thực hiện xét nghiệm, nhận giấy xác nhận xét nghiệm và khi qua các chốt kiểm soát của lực lượng chức năng.
Cũng trong ngày 31/8, để tránh tình trạng quá tải, ùn ứ đơn hàng và khó khăn trong khâu vận chuyển, Sở Công Thương TP.HCM đề nghị các quận, huyện phổ biến mô hình "đi chợ hộ" qua ứng dụng.
Theo đó, Sở Công Thương TP cho biết vừa qua nhận được đề xuất hỗ trợ miễn phí sử dụng nền tảng công nghệ sẵn có và bổ sung lực lượng giao hàng từ các doanh nghiệp giao hàng công nghệ và sàn thương mại điện tử.
Đồng thời nhằm kịp thời bổ sung nguồn hàng, thực phẩm thiết yếu kịp đến tay người dân, Sở đề nghị UBND các quận, huyện TP Thủ Đức nghiên cứu, xem xét mô hình phù hợp để lựa chọn kênh bổ trợ bán hàng và các kênh mua sắm trực tuyến thông qua các sàn thương mại điện tử lớn nhằm gia tăng các điểm bán cung ứng hàng hóa cho người dân.
Sở Công Thương cung cấp thông tin các giải pháp ứng dụng đi chợ hộ của các doanh nghiệp giao hàng công nghệ, sàn thương mại điện tử Shopee, Tiki, Be, Sendo, Grab.
Sở đề nghị UBND các quận, huyện, TP Thủ Đức phổ biến các mô hình "đi chợ hộ" thông qua nền tảng ứng dụng trực tuyến đến các phường, xã, thị trấn, các hệ thống phân phối trên địa bàn để triển khai thực hiện nhằm hỗ trợ kênh cung ứng hàng hóa thiết yếu phục vụ nhân dân địa phương.
Tại họp báo định kỳ thông tin tình hình dịch Covid-19 diễn ra trong 24 giờ và các định hướng sắp tới của TP.HCM vào chiều 31/8, Phó giám đốc Sở Công Thương Nguyễn Nguyên Phương cho hay trong thời gian giãn cách xã hội, lực lượng shipper hoàn toàn có thể thực hiện hình thức "đi chợ hộ" cho người dân nếu được quản lý, kiểm soát tốt.
"Vừa qua Sở Công Thương có kết nối, thông tin đến các địa phương về việc khai thác nền tảng công nghệ để vận chuyển hàng hóa. Tùy địa phương, tùy khu vực, nhất là vùng xanh, nếu shipper được quản lý, kiểm soát tốt thì địa phương có thể chủ động triển khai mua hàng cho người dân", ông Phương nói.
Ông Nguyễn Nguyên Phương nhận định nếu hình thức shipper đi chợ hộ được áp dụng sẽ giảm áp lực cho lực lượng đi chợ hộ hiện nay, đồng thời cũng giảm sức ép lên nhân lực tại các chuỗi siêu thị.