Thời điểm dịch bệnh ở TP.HCM căng thẳng nhất, mọi lưu thông sinh hoạt của người dân đều phải nhờ vào các shipper. Ở phía ngược lại, với nhiều người làm nghề giao hàng, chở khách, 2021 là năm họ chịu nhiều tác động và trở thành "nhân chứng" đối diện trực tiếp với sự vắng lặng của thành phố.
"Mấy tháng dịch, từ lúc được tiêm vaccine, rồi hoạt động hết công suất khi các cửa hàng bán mang về, giao hàng theo giờ, đứng đợi 'chọc mũi' xét nghiệm... Tôi nhớ hết cảm giác lúc đó, những ngày tháng chắc không bao giờ quên được", shipper Nguyễn Thành Vinh (26 tuổi, quận 5) bày tỏ.
Những đơn hàng vào bệnh viện dã chiến
Những ngày hè nắng đổ lửa, khi thành phố đang rơi vào trạng thái căng thẳng dần vì dịch bệnh, quy định giãn cách xã hội cũng siết chặt, shipper trở thành những "mạch máu" vận chuyển hàng hóa đến khắp thành phố.
Số lượng người cách ly và điều trị trong các bệnh viện dã chiến tăng cao, đội ngũ shipper cũng miệt mài giao hàng cho bệnh nhân và người nhà bệnh nhân.
Anh Hồng Hải (33 tuổi, TP Thủ Đức) nhớ rõ cảnh hàng trăm shipper đứng nối nhau chờ đưa đồ vào các bệnh viện dã chiến dưới trời mưa. Đội nón, đeo khẩu trang, mặc chiếc áo mưa thùng thình, anh Hải ôm thêm 4 túi đồ của người nhà bệnh nhân gửi vào.
Các shipper đứng hàng dài chờ giao hàng vào bệnh viện dã chiến thời điểm dịch bùng phát mạnh ở TP.HCM. Ảnh: Duy Hiệu. |
"Nhận đơn rồi mới biết, cứ 5 đơn là có hết 4 đơn giao vô bệnh viện dã chiến. Tôi sợ chứ nhưng rồi cũng phải làm, người ta cần người giao hàng, mình thì kiếm tiền. Lúc đó, mình cũng là tốp đầu được tiêm vaccine nên cũng vững dạ hơn", anh Hồng Hải nói.
Bình thường, khi gặp nhau các shipper thường thăm hỏi qua lại nhưng lúc dịch bệnh bùng phát mạnh, mọi người gần như không giao tiếp mấy. Đeo hai lớp khẩu trang, anh Hải vẫn cố đứng cách xa mọi người có thể. Mọi trao đổi với đồng nghiệp, bạn bè anh đều thực hiện online.
Shipper Nguyễn Thành Vinh cũng là người đã sống trong những khoảnh khắc như vậy. Khi dịch bệnh tăng mạnh, hàng trăm đường lớn hẻm nhỏ tại TP.HCM bị phong tỏa, lập chốt chặn. Anh Vinh thường xuyên nhận các đơn giao vào khu phong tỏa, cách ly.
Người đàn ông này chia sẻ thời điểm đầu khi giao vào các khu vực cách ly anh rất ngại, lo lắng cho sức khỏe bản thân nhưng lâu dần thì cũng quen. Anh Vinh có khoảng thời gian nhiễm Covid-19 song triệu chứng khá nhẹ, sau lần đó anh tự tin có kháng thể nên cũng an tâm đi giao hàng hơn.
"Ban đầu đi giao hàng khu phong tỏa tôi cũng sốt ruột, xe lúc nào cũng lủng lẳng chai cồn, đi tới đâu là xịt sát khuẩn tới đó. Có lúc tôi bị đứt tay, xịt cồn vô nó rát dữ lắm nhưng mà mình chăm lo cho sức khỏe nên cứ đi đâu, nhận hàng, nhận tiền gì cũng xịt khuẩn", anh Vinh nhớ lại.
Mặt khác, thời điểm chỉ có các shipper và dịch vụ đi chợ hộ, số lượng người giao hàng khá ít ỏi. Nhiều người nhận giao hàng rồi được người đặt nhờ mua hộ thêm đồ này đồ kia.
Thời điểm dịch, các shipper hạn chế giao tiếp với nhau tối đa. Ảnh: Quỳnh Danh. |
Trả lời Zing, anh Nguyễn Thanh Hùng (38 tuổi, quận 6) kể lại những ngày giao hàng tất bật, hộp cơm trưa vợ chuẩn bị buổi sáng đến tối về nhà vẫn còn nguyên. Hàng hóa khan hiếm, đơn chỉ khoảng 10 món đồ nhưng anh phải đi tìm ở tận 3-4 cửa hàng là bình thường.
"Có lần khách đặt đồ mua ở cửa hàng tiện lợi nhưng điện nhờ mình ghé mua thêm sữa bột cho con vì họ không mua online được. Tôi cứ nghĩ lỡ rồi giúp đến cùng chứ giờ không mua được sữa là em bé đói, nghĩ vậy nên tôi cứ giúp thôi dù có mất thời gian của mình thêm một chút", anh Hùng nói.
Ám ảnh bị "chọc mũi"
Một trong những nỗi ám ảnh của nhiều người thời điểm dịch bệnh là việc "chọc mũi xét nghiệm". Thế nhưng, bên cạnh các nhân viên y tế, đội ngũ shipper có lẽ là những người bị "chọc mũi" nhiều nhất.
Nhớ lại thời điểm cứ 2-3 ngày là test nhanh một lần, anh Kim Chung (28 tuổi, quận Bình Thạnh) vẫn còn thấy "ám ảnh". Không chỉ vậy, nhiều ngày anh Chung và đồng nghiệp phải dậy từ thật sớm, đứng xếp hàng đợi xét nghiệm mới đảm bảo đủ điều kiện chạy xe.
"Đeo thẻ, đeo băng tay, giấy xét nghiệm trang bị đủ hết, cứ tới chốt là 'xòe' ra cho người ta kiểm tra. Cực thì tôi không sợ, có điều tôi ngán vụ 'chọc mũi' lắm, giờ cứ nhìn cái que test nhanh người tôi cứ sợ sợ, ngán ngẩm", anh Chung bộc bạch.
Test nhanh cũng là một trong những điều "ám ảnh" các shipper lúc dịch bệnh. Ảnh: Duy Hiệu. |
Thời điểm giãn cách xã hội, nhiều quy định phòng dịch được đặt ra, trong đó nhiều shipper cũng đối mặt với nỗi lo mất tiền vì bị phạt. Ngoài việc giao nhận trong các khung giờ quy định, các tài xế công nghệ cũng không ít lần bối rối với khái niệm "hàng hóa thiết yếu".
Chuyển từ một xe ôm công nghệ qua tài xế giao hàng vào lúc dịch bệnh bùng phát, anh Quang Nam (23 tuổi, quận 5) cho biết từng không ít lần bị hỏi về hàng hóa giao nhận và suýt bị phạt vì đồ của khách gửi bị xếp vào loại "không thiết yếu".
"Người ta giao một lần nhiều đồ lắm, cứ gói chung chung vậy á nên mình có gỡ đâu mà biết. Rồi có đơn là anh kia giao sách cho em gái học ôn thi, lúc đó tôi qua chốt, phải nhờ người ta điện trình bày với các anh công an. Vậy đó, đủ kiểu luôn", anh Nam nhớ lại.
Thời điểm việc cách ly xã hội căng thẳng, hàng quán không được phép bán tại chỗ, bán mang đi cũng hạn chế, anh Nam nhiều lần phải chạy giao hàng với chiếc bụng đói. Đến khi tìm được nơi phát cơm chay cho shipper, anh Nam phấn khởi nhận cơm được hai ngày thì người ta ngừng phát vì nhiễm Covid-19.
"Lúc đó chuyện gì cũng có thể xảy ra. Gia đình lo lắng cứ dặn dò liên tục, nhiều lúc tôi cũng nghĩ hay mình về quê luôn để ở gần ba mẹ nhưng rồi qua mấy tháng liền mình cũng trụ lại được, cũng chờ được ngày thành phố bình thường trở lại. Không ai quên được những ngày như thế đâu", anh Nam nói.
Năm 2021 là quãng thời gian "không bình thường" với nhiều người vì dịch bệnh Covid-19 mang đến hàng loạt biến động. Với các shipper tại TP.HCM, họ cũng trải qua những ngày "chưa từng có".
Khi được hỏi về mong mỏi cho năm mới, anh Hải bộc bạch: "Qua hết một năm như vậy, giờ chỉ mong bình an khỏe mạnh, miễn mình còn khỏe, còn lạc quan thì cái gì cũng xong".
Bạn đọc ở TP.HCM có câu chuyện muốn chia sẻ hay vấn đề cần phản ánh có thể gửi thông tin về hộp mail Saigontalk@zing.vn.