Nội dung trên được Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) Nguyễn Thanh Lâm cho biết tại phiên giải trình của Ủy ban Tư pháp về việc chấp hành pháp luật về phòng, chống mua bán người, sáng 8/5.
Theo đó, ông Lâm khẳng định giữa Bộ Thông tin và Truyền thông và Bộ Công an đã có cơ chế phối hợp cụ thể về việc xác định các tài khoản trên mạng.
Cụ thể, khi cơ quan điều tra ở địa phương làm văn bản gửi bộ đề nghị xác thực các tài khoản trên mạng có dấu hiệu vi phạm pháp luật, các đơn vị sẽ có cơ chế phối hợp với Cục An toàn thông tin, Trung tâm Internet Việt Nam, Cục phát thanh truyền hình và thông tin điện tử, để xác thực xem chủ tài khoản đó là ai.
Ông Lâm cho biết có trường hợp xác định được, có trường hợp còn gặp khó khăn do một số đối tượng phạm tội sử dụng tin nhắn bằng ứng dụng OTT xuyên biên giới.
"Thời gian tới, việc này sẽ được giải quyết bằng khuôn khổ pháp lý cụ thể khi Quốc hội xem xét và cho ý kiến với dự án Luật Viễn thông sửa đổi", theo Thứ trưởng Bộ TT&TT.
Cũng theo ông Lâm, dự luật này đã quy định việc quản lý các ứng dụng OTT nước ngoài tương tự nền tảng trong nước. Theo đó, nếu các ứng dụng không đáp ứng yêu cầu sẽ bị chặn nhằm ngăn việc sử dụng để lập hội nhóm lừa đảo, không truy vết được.
Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thanh Lâm cho biết sau khi Nghị định mới được ban hành cuối năm 2023, các tài khoản mạng xã hội không định danh sẽ bị ngăn chặn, xử lý. Ảnh: Phạm Thắng. |
Nói thêm, ông Lâm cho biết định thay thế các nghị định về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng sẽ được ban hành cuối năm 2023 với thay đổi quan trọng.
Theo đó, tất cả chủ tài khoản mạng xã hội là cá nhân hay tổ chức sẽ phải thực hiện định danh. Việc này sẽ áp dụng cho cả mạng xã hội là Facebook, Youtube, Tiktok... Các tài khoản mạng xã hội không định danh sẽ bị ngăn chặn, xử lý với các mức độ khác nhau.
Khẳng định Bộ TT&TT có thể thực hiện việc ngăn chặn và xóa bỏ các tài khoản mạng xã hội vi phạm, ông Lâm cũng lo ngại việc này có thể làm mất đi dấu vết, chứng cứ, gây khó khăn cho việc củng cố chứng, đấu tranh của các lực lượng khác.
Đề cập thêm về quá trình đấu tranh việc lợi dụng công nghệ để hoạt động phạm tội trên không gian mạng và mạng viễn thông, Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Duy Ngọc khẳng định Đề án 06 về xác thực dữ liệu dân cư sẽ góp phần làm chuyển biến tình hình.
Theo ông Ngọc, thời gian qua, Bộ Thông tin Truyền thông đã yêu cầu cắt hai chiều với 1,2 triệu sim điện thoại không xác thực chính chủ, không ít trong số đó tiềm ẩn việc tội phạm sử dụng để thực hiện hành vi phạm tội.
"Sắp tới, Bộ Công an cùng Ngân hàng Nhà nước tiến hành xác thực tài khoản thanh toán. Ngoài ra, hợp tác quốc tế cũng được tăng cường để phối hợp giải quyết vụ việc, truy xét và xử lý tội phạm, nhất là với các quốc gia có chung đường biên giới", theo trung tướng Nguyễn Duy Ngọc.
Sách hay về xã hội
Văn minh Việt Nam - nhà dân tộc học Georges Condominas từng nhận xét tác phẩm này là “Cửa sổ để thế giới hiểu về Việt Nam”.
Sách Bàn về Quốc hội - những thách thức của những khái niệm là kết quả của cả một quá trình tích lũy và suy ngẫm của tiến sĩ Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội.