Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Sẽ thanh tra quảng cáo trên Facebook, TikTok

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết thời gian tới, Bộ TTTT sẽ thanh tra các nền tảng xuyên biên giới về vấn đề quảng cáo bởi hiện nay quy định pháp luật đã hoàn thiện.

  • Đây là lần đăng đàn thứ hai của Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, lần trước tại kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIV, vào tháng 11/2019.
  • 90 đại biểu đăng ký chất vấn
  • Dự kiến, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam và bộ trưởng các bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Nội vụ, Công an, Tư pháp, Khoa học và Công nghệ, Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ... cùng tham gia trả lời chất vấn, giải trình.
  • Nhóm vấn đề chất vấn Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng

    Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng sẽ trả lời nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực thông tin và truyền thông với nội dung gồm việc ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý Nhà nước, xây dựng Chính phủ số, chính quyền số; công tác xây dựng, kết nối, chia sẻ, khai thác các cơ sở dữ liệu quốc gia. Trong nhóm vấn đề này còn có nội dung về tiếp cận thông tin và phát triển nguồn nhân lực công nghệ thông tin tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi.

    Cũng trong phiên đăng đàn của mình, tư lệnh ngành Thông tin và Truyền thông sẽ giải đáp chất vấn của đại biểu Quốc hội về việc quản lý thuê bao, đầu số của nhà mạng; công tác kiểm tra, quản lý các trang mạng, trang thông tin điện tử và nền tảng trực tuyến khác.

    Việc xử lý cá nhân, tổ chức có hành vi đăng tải thông tin xuyên tạc, sai sự thật trên các trang thông tin điện tử, thu thập, mua bán trái phép dữ liệu thông tin cá nhân... là nội dung quan trọng khác thuộc nhóm lĩnh vực này.

    Chat van Bo truong TTTT anh 1

  • 90 đại biểu Quốc hội đăng ký chất vấn Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng

    Chat van Bo truong TTTT anh 2

    Trước khi bắt đầu trả lời chất vấn, Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng dành 5 phút báo cáo khái quát về những nhóm vấn đề liên quan. Ông nhấn mạnh hiện nay, hầu hết hoạt động đều liên quan đến chuyển đổi từ môi trường thực sang môi trường số. Đảng và Nhà nước xác định chuyển đổi số là phương thức mới, giúp đẩy nhanh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

    Theo Bộ trưởng, nếu không nhanh chóng tận dụng được chuyển đổi số thì sẽ phải đối diện với nguy cơ to lớn từ việc này. Bộ TTTT đã làm được nhiều việc nhưng vẫn còn những tồn tại, hạn chế và thực tế mới phát sinh.

    “Chúng tôi coi những tồn tại này là động lực để thúc đẩy ngành phát triển”, ông Hùng nói và cho rằng các chất vấn của đại biểu Quốc hội sẽ giúp ngành nhìn nhận được một bức tranh toàn cảnh hơn, gợi mở được những giải pháp mới cho những vấn đề còn tồn tại của ngành.

    Sau khi Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng kết thúc phần phát biểu, Phó chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương thông báo có 90 đại biểu đăng ký chất vấn Tư lệnh ngành Thông tin và truyền thông.

  • Quét và ngăn chặn gần 1.700 trang web có dấu hiệu lừa đảo

    Chat van Bo truong TTTT anh 3

    Đại biểu Lê Thị Song An (đoàn Long An) đặt vấn đề thời gian qua, tình hình lừa đảo tội phạm công nghệ cao chiếm đoạt tài sản, giả mạo tin nhắn các ngân hàng, đá gà đánh bài qua mạng diễn biến phức tạp và có chiều hướng gia tăng, thủ đoạn ngày càng tinh vi.

    "Với vai trò và trách nhiệm của mình, Bộ trưởng có giải pháp gì để giải quyết các vấn đề trên?", đại biểu đặt câu hỏi.

    Trả lời, Bộ trưởng Thông tin Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết vấn đề lừa đảo qua mạng không chỉ Việt Nam mà hầu hết quốc gia, gần đây rất nhiều lừa đảo sử dụng phương tiện thông tin trong đó có số điện thoại và thông qua trang web.

    Thời gian qua, Bộ TTTT đã hoàn thiện căn bản thể chế đã ban hành trong đó định nghĩa rõ các hành vi và quy định các quy trình xử lý hành chính, mức phạt và cơ chế chuyển cho công an xử lý hình sự.

    "Một trong những điều chúng tôi quan tâm là xử lý một cách căn bản. Bộ đã công khai các đầu số điện thoại, các trang web để tiếp nhận phản ánh của người dân về vi phạm", ông Hùng nói. Ngoài ra, năm 2020, Bộ TTTT đã rà quét và ngăn chặn gần 1.700 trang web có dấu hiệu lừa đảo.

    Theo Bộ trưởng, nếu không ngăn chặn thì sẽ có 3,1 triệu người truy cập các trang web lừa đảo và xác suất bị lừa đảo là rất lớn. Ngoài ra, Bộ đang tập trung xử lý SIM rác, đây là phương tiện thực thi các hoạt động lừa đảo. Việc này có 3 công đoạn là: Xóa khỏi hệ thống thuê bao không có đầy đủ thông tin, xác minh thông tin của người sử dụng thuê bao và xử lý SIM không chính chủ.

  • Chỉ Bộ Công an và Bộ TTTT không thể ngăn thông tin xấu độc

    Chat van Bo truong TTTT anh 4

    Đại biểu Đỗ Chí Nghĩa (Phú Yên) cho rằng ngăn chặn tác hại của thông tin xấu độc trên không gian mạng là việc không dễ dàng. Xử lý một trường hợp đưa tin thất thiệt vất vả, khó khăn đồng thời nếu không xử lý cẩn thận sẽ dẫn đến nguy cơ PR cho người vi phạm. Từ đó, ông Nghĩa đặt câu hỏi về giải pháp căn cơ nhất để xử lý tình trạng này trong bối cảnh lực lượng ngành thông tin truyền thông còn mỏng đồng thời số tài khoản mạng xã hội lên đến hàng chục triệu và có những tài khoản ở nước ngoài.

    Trả lời, Bộ trưởng TTTT Nguyễn Mạnh Hùng nhận định việc kiểm soát thông tin xấu độc ở Việt Nam thực sự khó khăn bởi lực lượng mỏng, trong khi đó một người Việt Nam hiện có gần 4 tài khoản trên các mạng xã hội khác nhau. Ông nhận định đây là con số cao.

    Về giải pháp căn bản, người đứng đầu ngành TTTT cho rằng: “Thế giới thực ra sao, lên mạng cũng vậy. Ai quản lý cái gì ở thế giới thực thì sang không gian mạng quản lý cái đó”. Tất cả bộ ngành, địa phương, tổ chức, doanh nghiệp, nhà trường cần quản lý lĩnh vực của mình trên không gian mạng. Thậm chí đến mức tế bào là gia đình cũng cần quản lý con cái trên không gian này. “Toàn bộ xã hội vào cuộc mới có thể giải quyết căn cơ vấn đề trên không gian mạng. Chỉ Bộ TTTT và Bộ Công an không xuể”, ông Hùng nói.

  • Gần 2 triệu giao dịch mỗi ngày thông qua cơ sở dữ liệu

    Chat van Bo truong TTTT anh 5

    Đại biểu Trần Thị Thu Hằng (Đắk Nông) nêu thực trạng về việc xây dựng, kết nối, chia sẻ, khai thác dữ liệu quốc gia nhất là Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với cơ sở dữ liệu các bộ ngành chưa có sự đồng bộ, thống nhất cao. Nữ đại biểu chất vấn Bộ trưởng về nguyên nhân, trách nhiệm và giải pháp của Bộ TTTT.

    Trả lời, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết hiện nay cả nước có 8 cơ sở dữ liệu kết nối, trong đó có 5 cơ sở dữ liệu quốc gia và 3 cơ sở dữ liệu chuyên ngành nhưng mang tính toàn quốc. Những cơ sở này khi đã kết nối thông qua đường trục về chia sẻ kết nối được Bộ TTTT vận hành sẽ kết nối hiệu quả.

    Ông cũng cho biết mỗi ngày có 2 triệu giao dịch kết nối Trung ương, địa phương bộ ngành với nhau và trong đó có đóng góp đáng kể từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư của Bộ Công an. Con số này tăng gấp 4 lần so với năm 2021.

    Vấn đề còn lại là nhiều cơ sở dữ liệu khác của bộ, ngành, địa phương đã xây dựng nhưng chưa kết nối và chia sẻ. Trong khi đó, một số hệ thống công nghệ thông tin muốn kết nối để lấy dữ liệu nhưng chưa đảm bảo điều kiện. Bộ TTTT đang xử lý vấn đề này trên cơ sở đảm bảo an toàn, an ninh mạng để kết nối. Bộ trưởng lưu ý các bộ, ngành đã hoàn thành cơ sở dữ liệu của mình cần công bố, chia sẻ để Chính phủ, Bộ TTTT thúc đẩy kết nối.

  • Không có nhân tài, đất nước khó phát triển

    Chat van Bo truong TTTT anh 6

    Đại biểu Lý Văn Huấn (Thái Nguyên) đặt hai câu hỏi về giải pháp thúc đẩy nền tảng số và nêu tình trạng chảy máu chất xám những nhân tài lập trình quản trị.

    Theo ông Huấn, có nhiều lý do cho vấn đề trên, trong đó có lý do doanh nghiệp nước ngoài trả lương gấp 5-7 lần, thậm chí 10 lần và môi trường công tác, cơ sở vật chất trang thiết bị phục vụ cho nghiên cứu, phát triển không đáp ứng. “Bộ trưởng có giải pháp gì để giữ chân những nhân tài này”, ông Huấn muốn dành chất vấn này cho cả Thủ tướng.

    Trả lời, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết nền tảng số được xác định là giải pháp đột phá của chuyển đổi số Việt Nam. Nền tảng số trên không gian mạng cũng như hạ tầng trong thế giới thực, nếu không làm chủ thì người dân sinh sống, làm ăn, vui chơi, giải trí trên nền tảng số nước ngoài, dữ liệu sẽ bị thu thập.

    “Dữ liệu số được coi là tài nguyên, do đó Bộ đặt trọng tâm phát triển các nền tảng số với 52 nền tảng được hoạt động, khai thác và vận hành. Trong năm 2022, có 500 triệu người Việt Nam cài đặt các nền tảng số Việt Nam, chiếm 30% tổng số cài đặt và con số này đang tăng lên”, ông Hùng thông tin và cho biết giải pháp tiếp theo là công bố các bài toán chuyển đổi số quốc gia.

    Về vấn đề chảy máu chất xám, nhân tài công nghệ thông tin, Bộ trưởng TTTT cho biết nhiều quốc gia coi nhân tài là nguồn lực cơ bản của quốc gia và coi nhân tài là yếu tố quyết định trong việc làm chủ, ứng dụng khoa học công nghệ. Nhưng vấn đề này có cả câu chuyện của thị trường.

    Theo ông, có khá nhiều doanh nghiệp Việt Nam hoạt động trong lĩnh vực công nghệ cao cũng trả mức lương tương đương với doanh nghiệp nước ngoài. Đồng thời, bắt đầu xuất hiện những học sinh, sinh viên, người lao động đang học ở nước ngoài và về Việt Nam làm việc.

    Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là doanh nghiệp Việt Nam có tạo ra lợi nhuận, giá trị gia tăng cao hay không để thu hút được nhân tài. Ông Hùng cho biết ngoài câu chuyện thị trường, Đảng và Nhà nước cũng có chính sách thu hút nguồn nhân lực nhưng cần làm nhiều hơn nữa, vì không có nhân tài thì đất nước rất khó phát triển.

  • Phủ sóng 3G, 4G cho hàng nghìn vùng lõm

    Chat van Bo truong TTTT anh 7

    Đại biểu Nguyễn Lâm Thành (Thái Nguyên) đề nghị Bộ trưởng TTTT nêu rõ nguyên nhân và trách nhiệm của việc không thực hiện được chương trình máy tính cho em với gói hỗ trợ 6.000 tỷ đồng.

    Ngoài ra, theo báo cáo, hiện chỉ còn 266 thôn bản chưa có dịch vụ viễn thông, công nghệ nhưng theo phản ánh của cử tri còn rất nhiều vùng lõm không có sóng hoặc sóng rất yếu. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết con số 266 có thực sự xác đáng không và giải pháp cải thiện được tình trạng này.

    Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, chương trình 1 triệu máy tính cho em được triển khai với 600.000 máy tính được huy động từ nguồn lực xã hội hóa, trong đó 500.000 máy tính đã được chuyển đến cho các em, còn 100.000 nữa đang làm.

    Ngoài ra, 400.000 máy tính còn lại từ nguồn ngân sách của quỹ viễn thông công ích. Bộ TTTT đang làm việc với Bộ Giáo dục để quyết định thời điểm cho số máy tính này.

    Về sóng vùng lõm, ông Hùng cho biết khi dịch Covid-19 xuất hiện và học sinh phải học trực tuyến mới bắt đầu thực hiện khảo sát xem còn bao nhiêu vùng lõm, chưa có 3G và 4G.

    Theo báo cáo hiện còn 2.500 thôn bản chưa đáp ứng được hạ tầng này, trong đó 2.200 điểm đã được cải thiện và 300 điểm chưa xong đều là những khu vực chưa có điện hoặc ít người dân sinh sống. Bộ đặt kế hoạch hết quý I/2023 sẽ hoàn thành phủ sóng đến các khu vực này.

  • Cấp 5 giấy phép về đại học số trong năm nay

    Chat van Bo truong TTTT anh 8

    Đại biểu Đào Chí Nghĩa (Cần Thơ) đặt câu hỏi về giải pháp cho tình trạng đào tạo nhân lực chuyên trách về ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số đang thiếu hụt cả về chất lượng và số lượng.

    Trả lời, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết hiện nhân lực trong lĩnh vực công nghệ thông tin bao gồm cả người lao động có 1,2 triệu người, trong đó nhân lực có trình độ từ cao đẳng trở lên là 550.000 người. Trong khi đó, một số quốc gia châu Âu đặt mục tiêu lượng người làm trong lĩnh vực công nghệ thông tin và chuyển đổi số là khoảng 5% dân số. Đặt tỷ lệ này ở Việt Nam sẽ là 5 triệu người.

    “Nếu chúng ta kém hơn một chút cũng phải đạt 2-3 triệu người”, Bộ trưởng TTTT nói và cho biết mỗi năm cả nước đào tạo 60.000-70.000 người trong lĩnh vực này ở bậc đại học và cao đẳng.

    Giải pháp được ông nêu ra là đại học số bởi đào tạo theo phương pháp truyền thống đã đạt đến giới hạn do cơ sở vật chất các trường.

    Chính phủ đã có chỉ đạo Bộ GD&ĐT trong năm nay sẽ cấp 5 giấy phép về đại học số. Ông Hùng nhận định nếu nhanh chóng thí điểm  đại học số chúng ta sẽ sớm có được nguồn nhân lực về công nghệ số. “Nguồn nhân lực công nghệ Việt Nam không chỉ phục vụ chuyển đổi số trong nước mà còn cho các nước khác. Hiện đã có một số doanh nghiệp Việt Nam đã làm tốt, doanh thu hàng tỷ USD khi làm chuyển đổi số cho Mỹ, Nhật Bản”, theo lời ông Hùng.

    Đồng thời, ông cũng cho rằng ngoài đại học, cao đẳng, mỗi người Việt Nam cần trở thành người có kỹ năng về chuyển đổi số. Một giải pháp được nêu ra là xây dựng nền tảng đào tạo trực tuyến hướng đến nhiều đối tượng khác nhau. Hiện một nền tảng với tên gọi One Touch đã được vận hành 6 tháng và có 10 triệu người sử dụng để học tập. Tại đây, cũng có phần dành riêng cho cán bộ, công chức có thể tự học, đánh giá và sẽ được cấp chứng chỉ.

  • Cần có đề kháng với thông tin xấu độc

    Chat van Bo truong TTTT anh 9

    Đại biểu Đỗ Chí Nghĩa (Phú Yên) tranh luận với Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng về phòng, chống thông tin xấu độc. “Bộ trưởng nói ngoài đời thế nào thì trên mạng như vậy, nhưng ngoài đời quản lý theo lãnh thổ và địa giới hành chính, còn trên mạng là đa quốc gia. Nếu chúng ta chỉ ngăn chặn thông tin, xử lý tài khoản vi phạm thì chẳng khác gì khi chống Covid-19 mới chỉ dừng ở đeo khẩu trang, cách ly, phong tỏa”, ông Nghĩa nói.

    Theo ông Nghĩa, giải pháp căn cơ nhất là phải có sức đề kháng, tức là người dân không nghe, không đọc thông tin xấu độc. Để làm được như vậy, cần có thêm nhiều thông tin hay, tích cực và có tính thuyết phục cho công chúng đọc. “Phải khuyến khích các tờ báo đi vào vấn đề nóng với tinh thần trách nhiệm và không né tránh. Không phải khen một chiều mới là hay vì thuốc bổ uống nhiều cũng có thể gây ngộ độc”, đại biểu nêu quan điểm.

    Bộ trưởng cho biết hiện đã có chế tài, trong khoảng 3 tiếng có thể gỡ bỏ thông tin xấu độc, nhưng theo đại biểu Nghĩa, chỉ cần 5 phút thì thông tin xấu độc đã lan rất nhanh nên quan trọng là phải “không uống thuốc độc ngay từ đầu”.

    Làm rõ hơn phần tranh luận này, Bộ trưởng TTTT Nguyễn Mạnh Hùng tán thành quan điểm của đại biểu là “cần có đề kháng”, không chỉ riêng với thông tin xấu độc.

    Ông Hùng ví von trong không gian mạng, tin xấu độc giống như không khí, tin xấu nhiều thì không khí bị vấy bẩn, sáng nào cũng đọc thông tin đó sẽ bị đầu độc.

    Việc quản lý ở đời thực ra sao thì quản lý trên mạng như vậy được Bộ trưởng lý giải rõ rằng “ai quản lý cái gì ở đời thực thì nên quản lý cái đó trên không gian mạng”. Ví dụ ngành công thương quản lý hàng hóa, ngành văn hóa quản lý thuần phong mỹ tục. Có như vậy mới đủ nguồn lực làm không gian mạng lành mạnh.

    Về giải pháp, Bộ trưởng TTTT cho biết đã đề xuất Bộ Giáo dục đưa thêm nội dung kỹ năng số vào chương trình đào tạo CNTT cho học sinh từ lớp 3, coi đó là một loại đề kháng. Bộ cũng chạy nền tảng đào tạo kỹ năng số cơ bản cho người dân trên online để người dân có kỹ năng sống trong môi trường số.

    “Không gian mạng là của chúng ta, mỗi chúng ta phải có trách nhiệm làm cho không gian đó lành mạnh”, ông Hùng nói và cho biết Bộ TTTT đang vận hành hệ thống giám sát an ninh mạng quốc gia, trong đó có giám sát an ninh thông tin. Với những thông tin xấu, độc, tin sai thì chủ động rà soát và gỡ để góp phần làm sạch môi trường mạng.

  • Dự kiến thanh tra toàn bộ nhà mạng về thu thập, xử lý dữ liệu

    Chat van Bo truong TTTT anh 10

    Đại biểu Đinh Công Sỹ (đoàn Sơn La) băn khoăn về khả năng đáp ứng yêu cầu của ngành với việc thực hiện đề án Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo trong giai đoạn 2022-2025 và định hướng đến năm 2030.

    Ngoài ra, vị đại biểu đặt câu hỏi về giải pháp chấm dứt tình trạng thu thập mua bán trái phép dữ liệu thông tin cá nhân, nhất là số điện thoại với mục đích quảng cáo hàng hóa, dịch vụ.

    Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định đáp ứng được hạ tầng viễn thông, Internet cho người dân vùng sâu, vùng xa có thể dùng điện thoại, Internet để học tập. Hiện hệ thống cáp quang lắp đặt tại 93% thôn bản trong khi huyện, xã đạt tỷ lệ 100%.

    “Việt Nam là một trong số ít quốc gia có tỷ lệ cao như thế. Giá cả dịch vụ viễn thông, Internet  đang nằm trong top 20 nước rẻ nhất thế giới. Trung bình một người dân chỉ phải trả khoảng 55.000 đồng/tháng cho điện thoại và Internet”, Bộ trưởng TTTT cho hay.

    Ngoài ra, các doanh nghiệp công nghệ số đáp ứng được nền tảng, ứng dụng số cho ngành giáo dục, thậm chí đáp ứng “tốt, giá rẻ, phù hợp hơn nước ngoài”. Số lượng doanh nghiệp số hiện nay tiến đến con số 75.000, cao hơn 35.000 doanh nghiệp so với thời điểm 4 năm trước.

    “Hãy tin vào doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam, trao cho họ nhiều cơ hội hơn. Đây là một trong những cách để đất nước tự lực tự cường”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

    Về vấn đề dữ liệu cá nhân của người dùng, Bộ TTTT dự kiến thanh tra toàn bộ nhà mạng viễn thông trong năm nay về hoạt động thu thập, xử lý, đảm bảo an toàn dữ liệu. Đến đầu năm sau sẽ triển khai thanh tra đến doanh nghiệp bưu chính và các mạng xã hội lớn.

    Hiện Bộ Công an sắp hoàn thành xây dựng nghị định về bảo vệ dữ liệu cá nhân. Ngoài ra, Bộ TTTT đã tiến hành tăng mức phạt gấp 2 lần mang tính răn đe doanh nghiệp, cá nhân vi phạm việc bảo vệ dữ liệu cá nhân.

    Tuy nhiên, các quốc gia khác không có con số tuyệt đối mà dựa trên doanh thu. “Có nghĩa mức phạt lên tới 1 tỷ USD. Các doanh nghiệp này kinh doanh, giàu có chủ yếu nhờ dữ liệu cá nhân”, Bộ trưởng cho rằng cần xem xét lại mức phạt vi phạm.

    Bộ TTTT đang dự kiến và đề xuất Thủ tướng lấy năm 2023 làm năm dữ liệu số Việt Nam để nâng cao nhận thức.

  • Đưa ra quy định về livestream sau vụ việc Nguyễn Phương Hằng

    Chat van Bo truong TTTT anh 11

    Đại biểu Lê Hoàng Anh (Gia Lai) đặt câu hỏi về nguyên nhân và trách nhiệm của Bộ TTTT trong việc lúng túng, chậm xử lý những vi phạm trên mạng xã hội, điển hình là vụ việc của bà Nguyễn Phương Hằng. Cá nhân này thường xuyên đưa tin không kiểm chứng, có lời lẽ xúc phạm đến uy tín, danh dự của nhiều tổ chức, cá nhân.

    Trả lời, Bộ trưởng TTTT Nguyễn Mạnh Hùng cho biết khi xử lý vụ việc livestream của cá nhân Nguyễn Phương Hằng, lúc đó chưa có quy định pháp luật nào về việc quản lý hành vi livestream. Vì vậy, xử lý vụ việc này phải theo thể chế cũ, xử phạt hành chính 2 lần và chuyển cho cơ quan hình sự, công an xử lý.

    Sau những vụ việc này, Bộ đưa vào dự thảo Nghị định 72 quy định rõ về hoạt động livestream. Theo đó, hoạt động này chỉ những người được đích danh trên môi trường số mới được thực hiện, cá nhân phải công bố địa điểm, thời gian livestream và nếu dùng livestream để bán hàng phải cung cấp thông tin cho cơ sở thu thuế.

  • Lên môi trường số nhưng chưa bỏ tài liệu giấy khiến công việc tăng gấp đôi

    Chat van Bo truong TTTT anh 12

    Đại biểu Tạ Minh Tâm (đoàn Tiền Giang) đề nghị Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng và Phó thủ tướng Vũ Đức Đam nhận định, nêu trách nhiệm, giải pháp về tình trạng chậm triển khai Đề án 06 về phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh, xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia.

    Đồng thời, đại biểu đặt câu hỏi về giải pháp quản lý hoạt động thu thập, quản lý, sử dụng thông tin ứng dụng của các nền tảng trực tuyến.

    Bộ trưởng cho rằng tình trạng “lên môi trường số nhưng chưa bỏ tờ giấy” khiến công việc có thể tăng gấp đôi, gây phiền hà. Do đó, việc lên môi trường số cần đi kèm cải cách hành chính. Bộ TTTT vừa qua ban hành công văn, theo đó hướng dẫn người dân đã khai báo một lần không khai báo lần 2.

    Bộ trưởng cũng thừa nhận tình trạng chậm chia sẻ dữ liệu. Tuy nhiên, Bộ trưởng khẳng định một khi đã kết nối với đường trục thì hiệu quả. Bộ TTTT cũng nhận trách nhiệm chưa làm tốt việc công bố, đưa lộ trình và mở dữ liệu.

    Về hoạt động thu thập dữ liệu của mạng xã hội nước ngoài, Bộ trưởng nhấn mạnh cần có mạng xã hội Việt Nam. Đây được xem là giải pháp để giữ lại dữ liệu của người Việt Nam.

  • Bộ TTTT sẽ thanh tra quảng cáo trên Facebook, TikTok

    Chat van Bo truong TTTT anh 13

    Đại biểu Trịnh Xuân An (Đồng Nai) phản ánh trên các nền tảng và mạng xã hội như Facebook hay TikTok, hàng giả, hàng nhái được chào bán một cách rất công khai. Ông hỏi Bộ trưởng TTTT giải pháp xử lý tình trạng này như thế nào?

    Trả lời, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng thừa nhận vấn đề chủ yếu hiện nay là trên các nền tảng xuyên biên giới xuất hiện nhiều quảng cáo sai sự thật, nhất là trên Facebook, YouTube…

    Thời gian tới, ông cho biết Bộ TTTT sẽ thanh tra các nền tảng xuyên biên giới về vấn đề quảng cáo bởi hiện nay đã hoàn thiện quy định pháp luật. Với những thông tin quảng cáo sai sự thật, nhất là quảng cáo thực phẩm chức năng, ông Hùng nhấn mạnh thuộc quản lý của các bộ chuyên ngành nên cần xem xét quảng cáo đã đúng pháp luật chưa.

    “Các bộ, ngành, địa phương cần vào cuộc thẩm tra, đánh giá lĩnh vực và địa bàn của mình. Bộ TTTT có thể rà quét, phát hiện nhưng việc đánh giá cần các cơ quan chuyên ngành”, ông Hùng nói và đề nghị các bộ ngành, địa phương cần chung tay vào cuộc để xử lý quảng cáo sai sự thật trên các nền tảng xuyên biên giới.

  • Mỗi tháng chặn 50 triệu tin nhắn rác

    Chat van Bo truong TTTT anh 14

    Chất vấn Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, đại biểu Nguyễn Hữu Thông (đoàn Bình Thuận) nêu hai vấn đề về tình trạng cát cứ thông tin, dữ liệu trong cơ quan Nhà nước và vấn đề khủng bố qua điện thoại, cả tin nhắn lẫn cuộc gọi.

    Trả lời, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định 8 cơ sở đã kết nối tính đến thời điểm này không có chuyện cát cứ. Năm tới, Bộ TTTT sẽ yêu cầu các bộ ngành, địa phương công khai dữ liệu.

    Về vấn đề khủng bố điện thoại, Bộ TTTT nhận được 30.000 phản ánh mỗi tháng của người dân. Khoảng 88% phản ánh liên quan đến cuộc gọi rác, khủng bố. Trong khi đó, tình trạng tin nhắn rác đã bắt đầu chùng xuống. Mỗi tháng cơ quan quản lý chặn khoảng 50 triệu tin nhắn rác.

    Gần đây, Bộ TTTT đã triển khai giải pháp cung cấp số điện thoại đầu mối để người dân phản ánh. Bộ cũng phối hợp các nhà mạng triển khai công nghệ để chủ động ngăn chặn rác viễn thông. Mỗi tháng hiện nay ngăn chặn 30.000-40.000 số điện thoại rác.

  • Xây dựng bộ quy tắc ứng xử trên nền tảng số

    Chat van Bo truong TTTT anh 15

    Đại biểu Nguyễn Thị Tuyết Nga (Quảng Bình) đề cập về tác hại của mạng xã hội trong giáo dục. Theo bà Nga, không gian mạng xã hội đã “len lỏi” vào trong nhà trường, tác động đến những hành vi gian dối, ngông cuồng, hoang tưởng, định hướng lệch lạc, lối sống ảo, thực dụng và ích kỷ.

    “Bộ trưởng có quan tâm xây dựng văn hóa mạng hay không, trong khi đây là giải pháp mà nhiều nước trên thế giới đang triển khai để giải quyết vấn đề này”, bà Nga đặt câu hỏi.

    Trả lời, Bộ trưởng TTTT cho rằng đây là câu chuyện nhức nhối. Rất nhiều người nghĩ rằng không gian mạng là vô danh, ảo nên phát ngôn thiếu trách nhiệm.

    Theo quy định của dự thảo Nghị định 72, các chủ mạng xã hội phải xác thực danh tính khi người dân đăng ký để khi cơ quan điều tra yêu cầu thì phải cung cấp được danh tính của người sử dụng tài khoản. Theo ông Hùng, đây là giải pháp mạnh mẽ để mọi người có trách nhiệm hơn.

    Về việc xây dựng văn hóa, lãnh đạo Bộ TTTT nêu quan điểm mạng xã hội là môi trường sống mới nên phải có văn hóa số. “Ở ngoài đời, mình nói một câu rất to thì chỉ có vài người đứng xung quanh nghe thấy. Nhưng khi lên mạng viết một câu là có thể 1 triệu người nhìn thấy. Đây là điểm khác biệt trong ứng xử”, ông Hùng nói. 

    Do đó, việc đầu tiên, ông Hùng cho rằng cần xây dựng bộ quy tắc ứng xử trên môi trường số. Hiện, Bộ TTTT đã ban hành bộ quy tắc mẫu và hy vọng rằng các bộ, ngành, địa phương căn cứ vào đó ban hành quy tắc cho riêng cơ quan, tổ chức của mình.

    “Năm 2023, Bộ sẽ đánh giá sơ kết việc thực hiện bộ quy tắc này. Giải pháp căn cơ thì nên đi hai chân, một là pháp luật và hai là văn hóa”, theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng.

  • Chỉ 0,9% nhân lực làm về công nghệ thông tin trong bộ máy Nhà nước

    Chat van Bo truong TTTT anh 16

    Đại biểu Dương Minh Ánh (Hà Nội) chất vấn về áp dụng công nghệ cho các dịch vụ công, việc này cần nhân lực nhưng cấp xã, phường, thị trấn không có nhân lực, không có cơ chế giữ chân cán bộ chuyên trách. Bà đề nghị bộ trưởng cho biết giải pháp trước mắt và lâu dài trong việc phát triển và giữ chân đội ngũ cán bộ ở cấp xã, phường.

    Trả lời, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết lực lượng làm về công nghệ thông tin trong cơ quan Nhà nước ở Việt Nam chỉ đạt 0,9%. Trong khi đó ở các nước khác con số này khoảng 10%, ở Mỹ là 15%, đặc biệt Văn phòng Tổng thống Mỹ, là 20%.

    “Chúng ta nên suy nghĩ về con số này, nếu tiếp tục với  0,9% thì rất khó để đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số quốc gia”, ông nói.

    Để giữ chân nhân lực, ông Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng cần cơ chế ưu đãi. Hơn nữa, công nghệ số là lực lượng sản xuất, lực lượng thực thi. Do vậy, giải pháp là cần nghiên cứu xây dựng nền tảng số, trợ lý ảo dùng AI để đỡ phần việc của cán bộ công nghệ thông tin, phù hợp với mức lương họ đang nhận.

    "Trước đây chúng ta thường bỏ tiền ra đầu tư công nghệ thông tin, rồi bỏ tiền ra nuôi người phát triển, vận hành, tuy nhiên lương một kỹ sư công nghệ thông tin ở bên ngoài đã tối thiểu 35 triệu đồng/tháng, rất khó trả mức này cho công chức”, Bộ trưởng TTTT nói và nêu giải pháp tăng cường thuê người làm công nghệ thông tin để hướng dẫn cho cán bộ.

  • Nên đầu tư cho ứng dụng CNTT ở miền núi

    Chat van Bo truong TTTT anh 17

    Đại biểu Lý Tiết Hạnh (Bình Định) tranh luận về biện pháp đảm bảo doanh nghiệp công nghệ số hoạt động tốt. Bà chất vấn có nên đầu tư nguồn lực cho chương trình chuyển đổi số quốc gia như một Chương trình Mục tiêu quốc gia hay không và có cần ban hành định mức, đơn giá trong đầu tư chuyển đổi số trong lĩnh vực thông tin truyền thông hay không?

    Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết nên đầu tư cho ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số nhằm tháo gỡ vướng, nhất là đầu tư cho miền núi, vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa.

    Theo Bộ trưởng, các định mức đã được Bộ ban hành tương đối đầy đủ. Tuy nhiên khi vận hành vào bối cảnh cụ thể thì vẫn còn có những khó khăn. Do vậy, các địa phương gặp khó khăn về định mức thì cần phản hồi ngay với Bộ để có những tháo gỡ phù hợp, đồng thời Bộ sẽ tiến hành sửa các nghị định, thông tư để hoàn thành tốt công tác.

  • Từ cuối năm sẽ xử lý SIM không chính chủ

    Chat van Bo truong TTTT anh 18

    Đại biểu Tao Văn Giót (Lai Châu) đặt vấn đề về việc lợi dụng SIM rác để tung tin sai lệch, chống phá Đảng, Nhà nước và đưa câu hỏi đến bao giờ môi trường mạng của Việt Nam mới được quản lý chặt chẽ.

    “Các đại biểu thì rất mong muốn bao giờ chúng ta xử lý triệt để, nhưng triệt để theo nghĩa bằng không thì sẽ khó để làm được. Vẫn còn những tồn tại để có động lực làm tiếp nhưng chúng ta sẽ đưa nó về mức chấp nhận được”, Bộ trưởng TTTT Nguyễn Mạnh Hùng trả lời.

    Theo ông, 100% số SIM hiện có đủ dữ liệu. Về kiểm soát dữ liệu người dân cung cấp đúng theo dữ liệu dân cư, Bộ đã kiểm soát được 1/4, còn 3/4 sẽ làm trong năm nay và cùng lắm đến đầu năm sau.

    Về SIM chính chủ, ông Hùng dẫn con số 261 người, mỗi người đăng ký trên 1.000 SIM, tổng số SIM đăng ký của 261 người này là 1,5 triệu. Những SIM này chắc chắn đã được đăng ký không chính chủ.

    "Chúng tôi đặt mục tiêu xử lý SIM không chính chủ bắt đầu từ cuối năm nay, bằng cách thanh tra các nhà mạng liên quan đến việc một người nhiều SIM", ông Hùng nói.

  • Xử lý SIM rác còn chậm vì “rất vất vả”

    Chat van Bo truong TTTT anh 19

    Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) nhắc lại vấn đề SIM rác đã được nhắc từ Quốc hội khóa XIV. Ông đề nghị Bộ trưởng TTTT cho biết nguyên nhân tại sao tới giờ phút này vẫn còn tình trạng SIM rác?

    Trả lời, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhận trách nhiệm và cho rằng cách đây 3 năm, ông từng nói rằng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư ra đời là một trong những biện pháp quan trọng để giải quyết vấn đề SIM rác một cách căn bản. Trước khi cơ sở dữ liệu này đưa vào khai thác, Bộ TTTT đã loại 22 triệu SIM có thông tin không đầy đủ. Ông đánh giá trong 3 năm, việc này thực hiện quyết liệt và rất vất vả.

    “Thậm chí đã tới mức tổ chức thanh tra toàn diện và có công văn nhắc nhở trực tiếp, ký tên từng người, chủ tịch, tổng giám đốc của các doanh nghiệp viễn thông. Tôi đã ký 2 lần và quy định ký lần thứ 3 sẽ xem xét trách nhiệm chủ tịch, tổng giám đốc của các công ty này”, ông Hùng nói.

    Hiện nay, cơ quan chức năng cũng đang đối soát thông tin với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Tuy nhiên, việc này đang nảy sinh về vấn đề SIM chính chủ. Bộ trưởng TTTT cũng nhìn nhận việc xử lý SIM rác còn chậm, còn tồn tại khiến người dân còn bức xúc, do vậy ông trực tiếp nhận trách nhiệm về việc này và cho biết sẽ cố gắng.

  • Không có chuyện "có tiền mới làm"

    Chat van Bo truong TTTT anh 20

    Đăng ký tranh luận, đại biểu Lê Hoàng Anh (Gia Lai) cho biết các nội dung ông đề nghị Bộ trưởng trả lời trước đó chưa được giải đáp thỏa đáng. Một trong số đó là trách nhiệm của Bộ trong xử lý vụ việc Nguyễn Phương Hằng.

    “Phải chăng những người vi phạm ít tiền và không có tiền thì xử lý ngay và luôn được, còn người có tiền sẽ chậm, nghe ngóng trước xử lý sau”, đại biểu thẳng thắn đặt câu hỏi.

    Bộ trưởng TTTT nhắc lại câu trả lời trước đó và cho biết khi cá nhân Nguyễn Phương Hằng livestream thì chưa có quy định về việc này trong thể chế, nên phải dùng những hình thức khác để phạt hành chính, xử lý và chuyển cơ quan công an. Việc này được xử lý gọn gàng và hiện đã đưa vào luật quy định rõ với những hoạt động livestream.

    “Tôi tự tin khẳng định cơ quan của Bộ TTTT không có chuyện có tiền thì làm, không có tiền thì không làm, trong chế độ của chúng ta không có chuyện này”, ông Hùng nói.

  • Quyết tâm rà soát 58 triệu thuê bao để loại bỏ SIM rác

    Đại biểu Nguyễn Danh Tú (Kiên Giang) tranh luận với Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng về tính khả thi khi chỉ trong vòng một tháng tới, Bộ TTTT đặt mục tiêu rà soát 58 triệu thuê bao để góp phần loại bỏ SIM rác.

    Trả lời, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết nhà mạng sẽ gửi lên cơ sở dữ liệu quốc gia về thông tin người đăng ký sử dụng thuê bao. Khi rà soát được 1/4 số thuê bao, các đơn vị nhận thấy gần 90% thông tin mà nhà mạng thu thập được là đúng, còn khoảng trên 10% không đúng và nhà mạng phải xác minh lại.

    “Thủ tướng đã chỉ đạo việc rà soát số thuê bao còn lại phải xong trong tháng 11 nên chúng tôi sẽ thực hiện theo đúng quyết định này”, ông Hùng khẳng định.

  • Hỗ trợ thiết bị công nghệ cho đồng bào dân tộc

    Đại biểu Hà Sỹ Đồng (đoàn Quảng Trị) đề nghị Bộ trưởng TTTT làm rõ nguồn tiền hỗ trợ thiết bị công nghệ cho đồng bào vùng dân tộc thiểu số.

    Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết ngân sách đến từ quỹ viễn thông công ích ngoài ngân sách do các doanh nghiệp đóng góp.

    Theo kế hoạch, Bộ sẽ cung cấp 400.000 máy điện thoại thông minh, mỗi máy hỗ trợ một phần 500.000 đồng, phần còn lại đến từ các doanh nghiệp, người dân. 400.000 máy tính bảng trong chương trình máy tính cho em được hỗ trợ 100%.

    Bộ đang chỉ đạo các nhà mạng tham gia chương trình hỗ trợ và theo ông Hùng, bản thân các nhà mạng cũng nhận được lợi ích từ vấn đề này.

  • Mua bán thông tin, dữ liệu cá nhân diễn biến phức tạp

    "Chia lửa" với Bộ trưởng TTTT Nguyễn Mạnh Hùng, đại tướng Tô Lâm - Bộ trưởng Công an, trả lời làm rõ thêm một số vấn đề liên quan.

    Liên quan đến những tồn tại trong quản lý Nhà nước về an ninh mạng, Bộ trưởng Công an đánh giá do hành lang pháp lý trong vấn đề này chưa được hoàn thiện, sự phối hợp giữa các cơ quan hình thức, còn tình trạng khoán trắng việc bảo vệ an ninh mạng cho các cơ quan chuyên trách.

    Bên cạnh đó, phần lớn các nền tảng, mạng xã hội, dịch vụ công nghệ… của các doanh nghiệp nước ngoài hiện không có pháp nhân, văn phòng đại diện ở Việt Nam để triển khai các giải pháp quản lý.

    Trong khi đó, đại tướng Tô Lâm nhìn nhận còn nhiều sơ hở trong quản lý các loại hình dịch vụ, lĩnh vực tiềm ẩn nguy cơ về phạm tội như tiền ảo, kinh doanh ngoại hối, hoạt động cung ứng sử dụng SIM… “Vấn đề quản lý sử dụng SIM rất quan trọng, chúng tôi đã nhiều lần đề nghị các doanh nghiệp khi loại bỏ SIM rác sẽ góp phần lành mạnh cho xã hội, lành mạnh thông tin và giao dịch”, theo lời đại tướng Tô Lâm.

    Về giải pháp, Bộ trưởng Công an cho biết sẽ tăng cường hoàn thiện hành lang pháp lý, cơ chế phối hợp, tăng cường thanh tra, quản lý Nhà nước về an ninh mạng. Đồng thời lực lượng an ninh mạng cũng được đầu tư phương tiện nghiệp vụ hiện đại để theo kịp sự phát triển.

    Về tình trạng mua bán trái phép dữ liệu, thông tin cá nhân và giải pháp xử lý, đại tướng Tô Lâm đánh giá đang diễn biến phức tạp. Để ngăn chặn, ông đề nghị cần hoàn thiện hành lang pháp lý, trong đó đề xuất Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét và cho ý kiến về dự thảo Nghị định Bảo vệ dữ liệu cá nhân.

    Các bộ ngành, địa phương cần chủ động đầu tư hiện đại hóa cơ sở hạ tầng, đảm bảo an ninh hệ thống, dữ liệu cá nhân; bố trí đội ngũ nhân sự chất lượng cao, có khả năng, năng lực hoàn thành được việc này.

  • Đã cấp 12 triệu hồ sơ định danh điện tử cho công dân

    Về kết nối chia sẻ và khai thác Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Bộ trưởng Công an Tô Lâm cho biết hiện nay Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đã chính thức kết nối và chia sẻ thông tin với cơ sở dữ liệu chuyên ngành của 12 bộ ngành, 4 doanh nghiệp Nhà nước và UBND 15 tỉnh, thành.

    Tuy nhiên việc kết nối còn khó khăn bởi hạ tầng công nghệ thông tin một số bộ, ngành chưa đảm bảo, thiếu đồng bộ, thiếu hệ thống kết nối đồng thời chưa có biện pháp đảm bảo an toàn thông tin. Nhiều bộ ngành địa phương chưa số liệu số hóa dữ liệu, quy trình phục vụ triển khai thủ tục hành chính trên môi trường điện tử dẫn đến việc dù đã kết nối nhưng kết quả khai thác còn rất hạn chế.

    “Các ngành, địa phương muốn kết nối phải có trung tâm dữ liệu và đảm bảo an toàn”, Bộ trưởng Tô Lâm nói và cho biết đây là 2 điều kiện có yếu tố quyết định.

    Bộ trưởng Công an cho biết tính đến 1/11 đã có khoảng 12 triệu hồ sơ định danh điện tử được cấp cho công dân. Về tiện ích tài khoản định danh điện tử, ông cho biết người dân có thể dễ dàng trao đổi thông tin, không phải điền nhiều thông tin khi làm việc với cơ quan Nhà nước, thay thế nhiều giấy tờ, tạo thuận lợi với 4 không “không tiếp xúc, không giấy tờ, không tiền mặt, không gặp gỡ”.

    Đồng thời để chuẩn bị cho thời điểm 31/12 khi hộ khẩu giấy không còn giá trị, Bộ trưởng Công an cho biết đã hoàn thành dự thảo nghị định sửa đổi 19 nghị định khác có liên quan đến sử dụng sổ hộ khẩu và dự kiến được thông qua trước 15/12.

  • 80% người sử dụng viễn thông có điện thoại thông minh

    Trả lời câu hỏi của đại biểu Trần Khánh Thu (Thái Bình) về giải pháp giúp người dân dễ dàng tiếp cận nền tảng số, Bộ trưởng TTTT Nguyễn Mạnh Hùng cho biết mục tiêu mỗi người dân có một điện thoại đã xong. Nhưng mục tiêu thứ hai là mỗi người dân có một điện thoại thông minh, tức là có Internet là mục tiêu lớn.

    Theo Bộ trưởng, hiện 80% số người sử dụng viễn thông có điện thoại thông minh, còn lại 20% tương đương 15 triệu người sử dụng máy 2G. Đến năm 2024, tất cả máy này phải chuyển sang 3G, 4G vì lúc đó tắt sóng 2G. Vì vậy, Bộ trưởng cho rằng cần lộ trình để thuyết phục, vận động người dân chuyển sang 3G, chủ yếu thông qua thị trường và hỗ trợ.

    Về mặt quản lý Nhà nước, ông Hùng cho biết đã có quy định từ năm 2020 là không cho nhập khẩu máy 2G vào Việt Nam. Bộ TTTT đặt mục tiêu hết 2023, cơ bản còn 5-7 triệu máy 2G, sau đó đến năm 2024 thì hỗ trợ cho người dân chuyển đổi với số lượng nhỏ.

  • Ngầm hóa cáp quang để không còn tình trạng "giăng mạng nhện"

    Đại biểu Dương Văn Phước (Quảng Nam) chất vấn về tình trạng dây cáp viễn thông, cáp truyền hình giăng như mạng nhện, mạnh ai nấy làm, không theo nguyên tắc trật tự.

    Lý giải nguyên nhân, Bộ trưởng TTTT Nguyễn Mạnh Hùng cho biết giá cáp treo lộ thiên và ngầm hóa hiện chênh nhau 5 lần về mặt đầu tư. Hiện nay, 75% hộ dân Việt Nam có cáp quang, tương đương 20 triệu dây cáp quang, so với thế giới đây là con số lớn. Ngầm hóa cáp giúp nhà mạng đỡ tốn kém xét về mặt dài hạn. Tuy nhiên, quá trình này cần chính quyền địa phương làm “nhạc trưởng”. Thời gian tới, Bộ TTTT sẽ chấn chỉnh dần vấn đề này để đi theo hướng phát triển hạ tầng bền vững.

Sách hay về xã hội

Văn minh Việt Nam - nhà dân tộc học Georges Condominas từng nhận xét tác phẩm này là “Cửa sổ để thế giới hiểu về Việt Nam”.

Sách Bàn về Quốc hội - những thách thức của những khái niệm là kết quả của cả một quá trình tích lũy và suy ngẫm của tiến sĩ Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội.

Nghiên cứu Văn minh vật chất của người Việt ngược dòng thời gian, tái hiện quá khứ, ngọn nguồn văn hóa Việt qua đời sống vật chất phong phú, đầy biện chứng khoa học.

Bộ trưởng Giao thông nói nguyên nhân ngập đô thị, tắc nghẽn giao thông

Trong nhiều nguyên nhân được chỉ ra để lý giải cho thực trạng ngập úng đô thị, tắc nghẽn giao thông, Bộ trưởng GTVT nhấn mạnh vấn đề thiếu đồng bộ trong quy hoạch.

Nhóm phóng viên

Bạn có thể quan tâm