Trong báo cáo gửi Quốc hội về những nội dung liên quan đến nhóm vấn đề chất vấn thuộc lĩnh vực thông tin và truyền thông, Bộ Thông tin và Truyền thông khái quát công tác kiểm tra, quản lý các trang mạng, trang thông tin điện tử và các nền tảng trực tuyến.
Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, nội dung thông tin trên các trang mạng, trang thông tin điện tử, nền tảng trực tuyến hiện nay được cung cấp bởi hai nguồn.
Thứ nhất, từ tổ chức, cá nhân trong nước cung cấp, có nguồn gốc rõ ràng, cấp phép hoạt động. Nguồn thứ hai đến từ các trang không rõ nguồn gốc, có tên miền quốc tế, đặt máy chủ tại nước ngoài; từ các mạng xã hội nước ngoài cung cấp xuyên biên giới vào Việt Nam, trong đó Facebook (70 triệu tài khoản), YouTube (60 triệu tài khoản), TikTok (45 triệu tài khoản). Đây là các mạng xã hội có nhiều người Việt Nam sử dụng nhất.
Gỡ bỏ hàng chục nghìn nội dung vi phạm
Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết chủ sở hữu các nền tảng lớn như Facebook, YouTube, TikTok, Netflix… thường đưa ra quy định riêng để quản lý nội dung và áp dụng chung trên toàn cầu, rất hạn chế tuân theo luật pháp quốc gia sở tại.
Chính vì vậy, tin giả, thông tin xấu chủ yếu xuất hiện và lan truyền mạnh mẽ trên các nền tảng xuyên biên giới. Việc xử lý vi phạm gặp nhiều khó khăn do quy định, chế tài xử lý còn bất cập, chưa đầy đủ, đồng bộ.
Nền tảng Facebook đã phải thực hiện gỡ bỏ hàng chục nghìn bài viết sai sự thật. |
Dù vậy, cơ quan quản lý Nhà nước về lĩnh vực này khẳng định đã kiên quyết, đấu tranh, buộc các nền tảng xuyên biên giới, điển hình là Facebook, Google, TikTok, Apple, Netflix phải thực hiện ngăn chặn, gỡ bỏ những nội dung xấu độc, tin giả, tin sai sự thật, quảng cáo sai, phản cảm.
Trong 9 tháng đầu năm, các đơn vị của bộ đã phối hợp với các sở Thông tin và Truyền thông ngăn chặn, gỡ bỏ hàng chục nghìn nội dung vi phạm trên các nền tảng xuyên biên giới.
Cụ thể, từ 2018 đến 21/9/2022, Facebook đã gỡ 311 tài khoản giả mạo, hơn 12.638 bài viết sai sự thật, bôi nhọ uy tín các tổ chức, cá nhân, thương hiệu; 484 fanpages quảng cáo cờ bạc, đổi thưởng; 2.476 link rao bán, quảng cáo các sản phẩm, dịch vụ bất hợp pháp.
Vào cao điểm chống dịch Covid-19, nền tảng này đã gỡ 14 tài khoản giả mạo Bộ Y tế; hơn 2.527 bài viết xuyên tạc về tình hình dịch bệnh và có nội dung tiêu cực.
Trong khi đó, YouTube đã ngăn chặn và gỡ bỏ 76.590 video vi phạm, ngăn chặn truy cập từ Việt Nam vào 30/62 kênh YouTube thường xuyên đăng tải nội dung chống phá đất nước.
Còn nền tảng TikTok đã ngăn chặn, gỡ bỏ 1.445 link vi phạm, trong đó có 5 tài khoản thường xuyên đăng tải nội dung chống phá Đảng, Nhà nước. Ngoài ra, TikTok chủ động rà quét, ngăn chặn 3.568 video có nội dung xấu trên nền tảng của mình.
Theo nhận định của Bộ Thông tin và Truyền thông, các dịch vụ mạng xã hội nước ngoài cung cấp xuyên biên giới vào Việt Nam đang phát triển nhanh chóng, thu hút rất đông người dùng trong nước và chi phối lên đến gần 70% thị phần doanh thu quảng cáo trực tuyến.
Tuy nhiên, quy định quản lý hoạt động của nhóm đối tượng này cả về nội dung, quảng cáo và thuế còn nhiều bất cập, lỏng lẻo. Một số mạng xã hội nước ngoài lớn Facebook, YouTube… còn lấy lý do không có văn phòng đại diện tại Việt Nam, tự do Internet,... để tìm cách tránh việc tuân thủ các quy định của pháp luật Việt Nam.
Những bất cập này đã dẫn đến tình trạng cạnh tranh không bình đẳng giữa mạng xã hội trong nước với các mạng xã hội xuyên biên giới với lợi thế lớn nghiêng về các doanh nghiệp nước ngoài.
Tin giả, tin xấu độc phát tán nhanh nhưng việc xử lý chậm
Về việc xử lý các cá nhân, tổ chức có hành vi đăng tải thông tin xuyên tạc, sai sự thật trên các trang thông tin điện tử, Bộ Thông tin và Truyền thông nhận định tin giả, tin xấu độc phát tán nhanh nhưng việc xử lý, ngăn chặn vẫn chậm, gây ảnh hưởng rộng.
Trong năm 2022, Facebook đã chấp nhận gỡ bỏ 16 hội, nhóm có nội dung không lành mạnh, độc hại với trẻ em. |
Bên cạnh đó, cơ quan này thừa nhận việc quản lý, kiểm tra, rà soát để phát hiện tin giả, thông tin xấu độc còn gặp nhiều khó khăn do liên quan đến nhiều lĩnh vực, từ chính trị, kinh tế, xã hội đến nghệ thuật, văn hóa.
Điển hình trong 2 năm qua, trên Facebook, YouTube, TikTok lan truyền rất nhiều tin giả liên quan đến công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19; gần đây lại rộ lên các tin giả về vụ Việt Á, vụ án lừa đảo thao túng giá đất, giá cổ phiếu của Tân Hoàng Minh, FLC, Vạn Thịnh Phát…
Từ năm 2021 đến nay, Bộ TTTT và các sở đã ban hành 591 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền hơn 6 tỷ đồng. Bộ cũng đã yêu cầu các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ mạng xã hội xuyên biên giới như Facebook, Google (YouTube), TikTok... ngăn chặn, gỡ bỏ hàng chục nghìn nội dung vi phạm.
Đặc biệt, trong năm 2022, Facebook đã chấp nhận gỡ bỏ 16 hội, nhóm (group) có nội dung không lành mạnh, độc hại với trẻ em như: Hội những người vỡ nợ thích làm liều, Hội đồng phê...
Ngoài ra, nền tảng này đã gỡ bỏ 11 tài khoản giả mạo các cá nhân, tổ chức; YouTube ngăn chặn 6 kênh chống phá đất nước.
Trong thời gian tới, Bộ TTTT khẳng định tiếp tục tập trung triển khai các giải pháp nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý Nhà nước trên mặt trận phòng chống tin giả, thông tin xấu độc trên mạng.
Một mặt, Bộ TTTT sẽ tăng cường phối hợp với các cơ quan chức năng trong việc kiểm tra, xác minh, điều tra, truy vết và xác định các hành vi, đối tượng vi phạm, xử lý nghiêm minh. Mặt khác, cơ quan quản lý sẽ tập trung xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng.
Những cuốn sách hay về xã hội
Tủ sách Xã hội giới thiệu những cuốn sách hay và mới về nhiều chủ đề. Tủ sách đồng thời cung cấp nhiều kiến thức, dữ liệu để độc giả hiểu các lĩnh vực khác nhau của đời sống xã hội.