Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Bộ trưởng Giao thông nói nguyên nhân ngập đô thị, tắc nghẽn giao thông

Trong nhiều nguyên nhân được chỉ ra để lý giải cho thực trạng ngập úng đô thị, tắc nghẽn giao thông, Bộ trưởng GTVT nhấn mạnh vấn đề thiếu đồng bộ trong quy hoạch.

Chiều 3/11, trong phiên chất vấn Bộ trưởng Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị, Phó chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương khi điều hành đã đề nghị Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thắng “chia lửa”, trả lời một số vấn đề liên quan hạ tầng giao thông.

Đây là lần đầu tiên ông Nguyễn Văn Thắng trả lời trước Quốc hội trên cương vị tư lệnh ngành giao thông, kể từ khi được phê chuẩn bổ nhiệm vào đầu kỳ họp thứ tư.

Đề cập đến thực trạng ngập úng đô thị, ông Thắng lý giải với các khu đô thị cũ thường thấp, khi sửa chữa đường thì thường sử dụng các phương pháp thi công cũ là tiếp tục trải thảm lên, khiến cốt đường khu đô thị cao hơn cốt nhà, dẫn đến ngập úng. Bên cạnh đó, hệ thống cống rãnh của các khu đô thị trước đây nhỏ, không đồng bộ nên không đáp ứng yêu cầu.

nguyen nhan ngap ung anh 1

Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thắng. Ảnh: Phạm Thắng.

Tư lệnh ngành giao thông cho biết vừa qua Bộ Xây dựng đã chỉ đạo áp dụng phương pháp mới cho vấn đề này. “Thay vì đường hỏng trải thảm lên khiến cốt đường cao hơn cốt nhà thì giờ dùng phương pháp cào bóc tái sinh, đường hỏng bóc ra rồi tái chế, trải lớp mới lên, như vậy không làm tăng cốt đường”, ông Thắng nói.

Với khu đô thị mới, Bộ trưởng GTVT chỉ ra tình trạng ngập úng do kết nối giữa hạ tầng khu đô thị với hạ tầng giao thông và hạ tầng kỹ thuật khác chưa được đồng bộ; nhiều vấn đề trong quá trình quản lý vận hành còn vướng mắc…

Đưa ra giải pháp, tư lệnh ngành giao thông nhấn mạnh cần quản lý thật chặt quy hoạch đô thị và quy hoạch giao thông để đảm bảo đồng bộ cốt xây dựng ở khu đô thị mới. Bên cạnh đó, phải kiểm soát chặt chẽ, không để cốt trong khu đô thị cao hơn cốt đường.

Về tắc nghẽn ở khu đô thị, Bộ trưởng GTVT cho rằng nguyên nhân lớn nhất là lượng phương tiện giao thông rất nhiều nhưng hạ tầng chưa phát triển kịp.

Giải pháp ông đưa ra là phải có quy hoạch đô thị đồng bộ và ổn định, quản lý chặt quy hoạch nhà cao tầng, không để chạy theo lợi nhuận thương mại mà phá vỡ quy hoạch. Tiếp đó, ông lưu ý cần có giải pháp phát triển giao thông công cộng; thực hiện đồng bộ việc di dời nhanh chóng các công trình, trụ sở ra khỏi nội thành và nâng cao chất lượng trong quản lý, điều hành giao thông đô thị.

Trước đó, đại biểu Trần Văn Lâm (Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách) chất vấn Bộ trưởng xây dựng về giải pháp cho tình trạng ngập úng đô thị và tắc nghẽn giao thông khi mật độ dân cư quá đông.

Theo ông Lâm, tình trạng ngập úng đô thị xảy ra khắp nơi, từ núi cao đến ven biển, hay như Hà Nội cũng “mưa là lụt, không mưa cũng ngập”. Trong khi đó, kẹt xe, tắc nghẽn giao thông ngày càng trầm trọng và chưa thấy có lối ra.

Trả lời chất vấn, Bộ trưởng Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị thừa nhận việc này chưa được giải quyết căn bản, làm ảnh hưởng tới cuộc sống người dân.

Cho biết có nhiều nguyên nhân gây ra thực trạng này, Bộ trưởng Nghị “điểm tên” 5 nguyên nhân chính gồm: Biến đổi khí hậu; quá trình đô thị hóa diễn ra nhanh chóng khiến diện tích bề mặt bê tông tăng nhanh, thoát nước giảm; quy hoạch chưa đáp ứng yêu cầu, đảm bảo tầm nhìn; các dự án thoát nước còn hạn chế và nguồn lực đáp ứng hạ tầng đô thị còn chưa được làm rõ.

Về giải pháp, ông Nghị cho biết Bộ Xây dựng sẽ tập trung nâng cao chất lượng công tác quy hoạch bằng cách rà soát, điều chỉnh quy hoạch không còn phù hợp, khả thi. Trong quy hoạch, cũng sẽ tính tới biến yếu tố biến đổi khí hậu, nước biển dâng, kết hợp quy hoạch thủy lợi với đầu tư hệ thống hạ tầng cho đô thị.

Bên cạnh đó, ông Nghị nhấn mạnh siết chặt khâu quản lý từ công tác quy hoạch từ cấp phép đến thanh tra, kiểm tra việc thực hiện quy hoạch.

Những cuốn sách hay về đô thị Hà Nội

Hà Nội chuyện xưa phố cũ gồm 39 đoản văn biên khảo về các hoạt động ở Hà Nội giữa thế kỷ XX trở về trước, từ chuyện phố xá, quy hoạch, đến chuyện ăn, chuyện mặc,... của người Hà thành.

Mùa đi qua phố - bạn đọc sẽ rung động theo những cảm nhận riêng, đôi khi rất khác nhau về Hà Nội trong bốn mùa xuân, hạ, thu, đông.

Khi bí thư tỉnh ủy trăn trở việc 'định giá đất sát với giá thị trường'

Nhiều bí thư tỉnh ủy chung nhận định xác định giá đất sát với giá thị trường là một việc rất khó; vì vậy, cần tăng trách nhiệm của cơ quan Trung ương.

Hoài Thu

Bạn có thể quan tâm