Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) được các thảo luận đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ sáng 3/11 với nhiều vấn đề còn băn khoăn về việc thu hồi đất để xây dựng các dự án kinh tế - xã hội; xác định giá đất…
Muốn xây nhà ở thương mại, doanh nghiệp phải tự thỏa thuận với dân
Nhắc đến quy định thu hồi đất để thực hiện dự án nhà ở thương mại, đại biểu Trần Quốc Tuấn (Trà Vinh) lưu ý việc này phải “hết sức cân nhắc”. Theo ông Tuấn, khi thực hiện dự án nhà ở thương mại, mục tiêu đầu tiên mà chủ đầu tư hướng tới là lợi nhuận. Dự thảo luật nếu cho phép thu hồi đất để thực hiện dự án loại này sẽ có nguy cơ dẫn đến doanh nghiệp lợi dụng, kéo theo khiếu nại, khiếu kiện của người dân.
Đại biểu góp ý nên thực hiện cơ chế tự thỏa thuận giữa người dân và doanh nghiệp đối với chuyển nhượng quyền sử dụng đất để thực hiện dự án nhà ở thương mại, theo đúng tinh thần Nghị quyết 18 của Trung ương.
Đại biểu Quốc hội Trần Quốc Tuấn (Trà Vinh). Ảnh: Quốc hội. |
Với dự án có nguồn vốn tư nhân, ông Tuấn đề nghị có quy định đánh giá tác động về mặt xã hội khi thu hồi đất của người dân, đảm bảo minh bạch, tránh lạm dụng gây bức xúc cho người bị thu hồi đất.
Đại biểu tỉnh Trà Vinh cũng đề nghị dự luật quy định rõ hơn điều kiện, tiêu chí thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội đất nước. “Tránh trường hợp hôm nay thu hồi đất của người dân để xây chợ dân sinh, ngày mai trong khu chợ lại mọc ra nhà, khu phố nằm trong khu chợ vừa xây dựng”, ông Tuấn nói và cho biết thực trạng này đã xảy ra ở một số địa phương.
Chung lo ngại việc thu hồi đất để thực hiện dự án đô thị, làm nhà ở thương mại sẽ có thể tạo thành điểm nóng về khiếu kiện đất đai, thiếu tướng Nguyễn Văn Thuận (Giám đốc Công an TP Cần Thơ) cho rằng nên bỏ quy định này.
“Đây là hoạt động kinh tế đơn thuần, do chủ đầu tư và doanh nghiệp bất động sản thực hiện. Việc Nhà nước tham gia vào quá trình thu hồi đất để chuyển giao cho chủ đầu tư thực hiện dự án có thể làm phát sinh tranh chấp, khiếu kiện”, Giám đốc Công an Cần Thơ phân tích.
Đối với dự án xây khu đô thị, nhà ở thương mại, thiếu tướng Nguyễn Văn Thuận cho rằng cần quy định theo hướng chủ đầu tư phải thực hiện thỏa thuận với người sử dụng đất.
Từ thực tế quản lý, ông Thuận cho biết tranh chấp đất đai thời gian qua chủ yếu liên quan đến thu hồi đất để xây khu đô thị, nhà ở thương mại, nhiều dự án thậm chí gây mất an ninh trật tự ở địa phương.
Dân nhận tiền đền bù xong, tiêu hết lại thành vô gia cư
Đại biểu Nguyễn Quang Huân (Bình Dương) đề cập đến cơ chế giải phóng mặt bằng và nhìn nhận việc này thời gian qua thực hiện chưa tốt, có nơi chậm 5-10 năm kéo theo nhiều dự án chậm tiến độ.
Dẫn chứng nhiều nước khi thực hiện dự án sẽ làm tái định cư ngay từ đầu và làm rất chuẩn. Dù thời gian đầu chuẩn bị dự án hơi lâu, hiện tượng khiếu kiện rất ít.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Quang Huân (Bình Dương). Ảnh: Quốc hội. |
Băn khoăn về một số quy định trong dự luật liên quan đến bồi thường, tái định cư, ông Huân cho rằng nếu giao Chính phủ quy định chi tiết về tổ chức thực hiện nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng; quản lý, khai thác sử dụng quỹ đất đã thu hồi, thì không khác gì trước.
Đặc biệt, Điều 93 dự luật quy định trình tự, thủ tục bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, thu hồi đất có khoản nêu “sau khi vận động, thuyết phục mà người dân không hợp tác thì cưỡng chế”, theo ông Huân, việc này “rất nguy hiểm”.
“Anh vận động nhưng rất thiệt cho người dân. Ví dụ dân đang sống gần nơi có kế sinh nhai, đơn giản nhất là gần vỉa hè để bán nước chè, giờ chuyển người ta vào căn hộ rất đẹp nhưng không bán được nước chè, hàng ngày không có kế sinh nhai thì họ không thể chuyển đi được. Mà khi người ta chưa chuyển đi, chưa tìm được công ăn việc làm mới mà tiến hành cưỡng chế thì nguy hiểm”, ông Huân nói việc này không đảm bảo tính nhân văn và có thể làm phát sinh điểm nóng.
Đại biểu đề nghị có một đơn vị chuyên nghiệp đánh giá độc lập khu vực đất bị ảnh hưởng để bảo đảm thông tin minh bạch, vì nguyên tắc là người dân bị thu hồi đất sau khi di dời có cuộc sống “ít nhất bằng, hoặc tốt hơn”.
“Nếu không đánh giá kỹ thì làm sao biết bằng hoặc tốt hơn để người ta nhận tiền đền bù. Có rất nhiều trường hợp, chúng ta đền bù, người dân nhận tiền xong tiêu hết, cuối cùng thì vô gia cư”, ông Huân nói.
Những cuốn sách hay về đô thị, thắng cảnh Việt Nam
Hồn đô thị gồm 30 bài tùy bút được tuyển chọn từ bộ sách Sài Gòn - Chuyện đời của phố (5 tập) đã được xuất bản trong khoảng thời gian từ 2014 - 2018. Bộ sách đến nay đã được tái bản 5 lần.
Đất nước gấm hoa không đơn thuần là một atlas địa lý, mà như một cẩm nang hình ảnh sinh động, cô đọng về thông tin khi đề cập đến 63 tỉnh thành Việt Nam.