Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Không hợp thức hóa vướng mắc có tính vi phạm khi sửa Luật Đất đai

Luật Đất đai (sửa đổi) là một trong 7 dự án luật được Quốc hội xem xét tại kỳ họp thứ 4. Khi sửa luật, Chủ tịch Quốc hội quán triệt không hợp thức hóa vướng mắc có tính vi phạm.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu khai mạc kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV. Ảnh: Hồng Phong.

Phát biểu khai mạc kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XV sáng 20/10, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết kỳ họp cuối năm như thông lệ, thường có khối lượng công việc rất lớn.

Trong 21 ngày làm việc, Quốc hội xem xét, cho ý kiến và quyết định nhiều nội dung quan trọng.

Về tình hình kinh tế - xã hội, Chủ tịch Quốc hội cho biết tăng trưởng GDP 9 tháng đầu năm đạt 8,83% - cao nhất kể từ năm 2011 đến nay; các khu vực của nền kinh tế đều có tốc độ phục hồi và tăng trưởng cao.

Dù đạt nhiều kết quả, theo Chủ tịch Quốc hội, thời gian còn lại của năm 2022 và năm 2023 sắp tới, chúng ta tiếp tục phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức, có thể làm chậm lại quá trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

"Biến động phức tạp, khó lường của tình hình kinh tế và an ninh - chính trị thế giới, những diễn biến mới, phức tạp trong xung đột Nga - Ukraine; cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn ngày càng gay gắt, các yếu tố rủi ro, bất định ngày càng gia tăng; áp lực lạm phát, biến động lãi suất, tỷ giá và nguy cơ suy thoái kinh tế thế giới, tình hình thiên tai, dịch bệnh diễn biến phức tạp, khó lường, ngày càng cực đoan hơn… vẫn là những thách thức lớn", theo Chủ tịch Quốc hội.

Về công tác lập pháp, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua 7 dự án luật, 3 dự thảo nghị quyết có chứa quy phạm pháp luật; cho ý kiến 7 dự án luật khác, trong đó có Luật Đất đai (sửa đổi).

Trong sửa đổi Luật Đất đai, Chủ tịch Quốc hội quán triệt không hợp thức hóa những vướng mắc có tính chất vi phạm; không đưa vào luật những vấn đề mang tính sự vụ, hiện tượng, nhỏ lẻ, cá thể, không thể hiện đúng bản chất của quan hệ đất đai phát sinh trong thực tiễn. Bên cạnh đó, cần giải quyết nút thắt, mâu thuẫn, chồng chéo giữa các quy định của pháp luật trong quản lý, sử dụng đất, có phương án xử lý phù hợp nhằm khai thông, giải phóng tối đa nguồn lực đất đai.

Ngoài hoạt động giám sát, tại kỳ họp này, Quốc hội còn xem xét, quyết định miễn nhiệm, bầu Tổng Kiểm toán Nhà nước; miễn nhiệm, phê chuẩn đề nghị bổ nhiệm Bộ trưởng GTVT; phê chuẩn đề nghị bổ nhiệm Bộ trưởng Y tế. Quốc hội cũng tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 54 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM và xem xét đề xuất của Chính phủ cho gia hạn hiệu lực nghị quyết này.

Các dự án luật, dự thảo nghị quyết được Quốc hội xem xét, thông qua, gồm: Luật Dầu khí (sửa đổi); Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi); Luật Thanh tra (sửa đổi); Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện; Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi); Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi); Nghị quyết ban hành Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi); Nghị quyết về thí điểm cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số ô tô thông qua đấu giá; Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk).

Các dự án Luật được Quốc hội xem xét, cho ý kiến, gồm: Luật Đất đai (sửa đổi); Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi); Luật Đấu thầu (sửa đổi); Luật Giá (sửa đổi); Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi); Luật Hợp tác xã (sửa đổi); Luật Phòng thủ dân sự).

Bài liên quan

Hoài Thu

Bạn có thể quan tâm