Sáng 1/11, Phó thủ tướng Lê Văn Thành trình bày tờ trình của Chính phủ về dự án Luật Đất đai (sửa đổi). Dự luật gồm 16 chương, 245 điều, 28 điều được giữ nguyên; sửa đổi, bổ sung 184 điều; bổ sung mới 41 điều và bãi bỏ 8 điều.
Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi được cho ý kiến tại kỳ họp này và dự kiến thông qua sau 3 kỳ họp (cuối 2023).
Bỏ khung giá đất, đánh thuế cao người có nhiều nhà đất
Trình bày tờ trình, Phó thủ tướng Lê Văn Thành nhấn mạnh 11 điểm mới. Trong đó, dự luật sửa đổi quy định cụ thể hơn về thẩm quyền, mục đích, phạm vi thu hồi đất, điều kiện, tiêu chí cụ thể thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng.
Dự thảo cũng hoàn thiện quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh; phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng. Việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư phải đi trước một bước, bảo đảm công khai, minh bạch, hài hòa lợi ích của Nhà nước, người có đất bị thu hồi và nhà đầu tư, để người dân có đất bị thu hồi phải có chỗ ở, bảo đảm cuộc sống bằng hoặc tốt hơn.
Bên cạnh đó, dự thảo luật đã hoàn thiện cơ chế xác định giá đất theo nguyên tắc thị trường; bổ sung, hoàn thiện quy định bảo đảm công khai, minh bạch như: Công khai giá đất, giao dịch qua sàn giao dịch đối với dự án khu dân cư, khu đô thị, nhà ở thương mại.
Phó thủ tướng Lê Văn Thành trình bày tờ trình dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Ảnh: Phạm Thắng. |
Đặc biệt, dự thảo luật sửa đổi nêu định hướng quy định mức thuế cao hơn đối với người sử dụng nhiều diện tích đất, nhiều nhà ở, đầu cơ đất, chậm sử dụng đất, bỏ đất hoang.
Thẩm tra tờ trình của Chính phủ về dự án Luật Đất đai (sửa đổi), Ủy ban Kinh tế nhất trí với sự cần thiết sửa đổi luật.
Về thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết Ủy ban đề nghị rà soát các trường hợp thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh. Luật sửa đổi bổ sung trường hợp thu hồi đất để làm nhà khách của lực lượng vũ trang nhân dân.
“Nếu thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh để xây dựng những công trình này nhưng sau đó sử dụng vào mục đích dân dụng dễ dẫn đến thiếu minh bạch về trường hợp thu hồi đất, gây phản ứng tiêu cực trong xã hội”, ông Thanh lưu ý.
Quy định cụ thể tiêu chí thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội
Về thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng, Ủy ban Kinh tế đề nghị rà soát, quy định cụ thể hơn về điều kiện, tiêu chí cụ thể đối với trường hợp thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng.
“Dự thảo luật đã bổ sung định nghĩa dự án phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng. Tuy nhiên, phạm vi được quy định còn rộng, chưa cụ thể tiêu chí, cần phân biệt rõ hơn giữa mục đích phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia và mục đích kinh tế đơn thuần để minh bạch trong việc thu hồi đất, tránh bị lạm dụng, gây bức xúc cho người sử dụng đất”, theo cơ quan thẩm tra.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh trình bày báo cáo thẩm tra Dự án Luật Đất đai sửa đổi. Ảnh: Phạm Thắng. |
Đặc biệt Ủy ban Kinh tế lưu ý xác định rõ tính chất vì lợi ích quốc gia, công cộng để tránh lạm dụng, thu hồi đất tràn lan, không đúng bản chất, bảo đảm quyền lợi hợp pháp của người có đất thu hồi; quy định một cách cụ thể, rõ ràng các loại dự án, tránh quy định quá rộng, chung chung.
Ủy ban Kinh tế đề nghị cân nhắc việc thu hồi đất đối với dự án nhà ở thương mại để tạo quỹ đất đấu giá quyền sử dụng đất hoặc đấu thầu dự án có sử dụng đất.
“Các dự án nhà ở thương mại mang tính chất kinh doanh là chủ yếu, mặc dù sẽ tác động đến phát triển kinh tế - xã hội nói chung, lợi ích trước mắt và trực tiếp sẽ mang lại cho các chủ đầu tư thực hiện dự án”, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế nói.
Ông Thanh cho rằng dự án nhà ở thương mại khó và không có cơ sở rõ ràng để xác định có thuộc phạm vi phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng hay không để quy định thành trường hợp Nhà nước thu hồi đất, dẫn đến dễ bị lợi dụng, dẫn đến tình trạng khiếu nại, khiếu kiện gia tăng.
Ủy ban Kinh tế một lần nữa đề nghị đánh giá kỹ lưỡng tác động kinh tế - xã hội và cân nhắc thận trọng việc đưa dự án nhà ở thương mại thuộc dự án thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng.
Về tài chính đất đai, giá đất, thay đổi lớn nhất trong dự thảo luật sửa đổi là bỏ quy định về khung giá đất. Thay vào đó, Chính phủ quy định cụ thể việc áp dụng các phương pháp để định giá đất cụ thể. Tuy nhiên, theo cơ quan thẩm tra, dự thảo luật sửa đổi chưa làm rõ tiêu chí và quy trình kiểm tra, giám sát địa phương trong việc xây dựng bảng giá đất.
Ủy ban Kinh tế đề nghị nghiên cứu bổ sung các nội dung này trong dự thảo luật nhằm bảo đảm việc định giá đất công khai, minh bạch, xử lý nghiêm các vi phạm.
Bên cạnh đó, Ủy ban Kinh tế đề nghị đánh giá tính khả thi của quy định xây dựng bảng giá đất định kỳ hàng năm.
Cơ quan thẩm tra phân tích việc xây dựng bảng giá đất hàng năm có ưu điểm là bảo đảm sự cập nhật kịp thời với biến động giá đất trên thị trường; tuy nhiên, cần đánh giá khả năng thực tế địa phương có đáp ứng được yêu cầu triển khai quy định này hay không, tránh gây lúng túng trong việc áp dụng.
Ngoài ra, cũng có ý kiến trong Ủy ban Kinh tế đề nghị không nên quy định xây dựng bảng giá đất định kỳ hàng năm mà nên quy định điều chỉnh bảng giá đất khi có biến động từ 20% trở lên.
Về giá đất cụ thể, dự thảo luật sửa đổi quy định cơ quan quản lý đất đai được thuê tổ chức có chức năng tư vấn xác định giá đất để tư vấn xác định giá đất cụ thể. Tuy nhiên, để bảo đảm tính độc lập, khách quan, trung thực trong xác định giá đất, Ủy ban Kinh tế đề nghị quy định việc thuê tổ chức có chức năng tư vấn xác định giá đất là bắt buộc.
Những cuốn sách hay về xã hội
Tủ sách Xã hội giới thiệu những cuốn sách hay và mới về nhiều chủ đề. Tủ sách đồng thời cung cấp nhiều kiến thức, dữ liệu để độc giả hiểu các lĩnh vực khác nhau của đời sống xã hội.