Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Khi bí thư tỉnh ủy trăn trở việc 'định giá đất sát với giá thị trường'

Nhiều bí thư tỉnh ủy chung nhận định xác định giá đất sát với giá thị trường là một việc rất khó; vì vậy, cần tăng trách nhiệm của cơ quan Trung ương.

Xác định giá đất sát thị trường là vấn đề được nhiều đại biểu Quốc hội góp ý khi thảo luận tại tổ sáng 2/11 về dự án Luật Đất đai (sửa đổi). Nhiều lãnh đạo địa phương từ thực tế quản lý cũng chia sẻ đây là việc làm “không dễ dàng gì”.

Giá đất cứ nối đuôi nhau, ngày càng tăng cao

Từ thực tiễn ở địa phương, Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình Ngô Đông Hải cho rằng xác định giá rất khó, đây cũng là một trong các “yếu tố đẩy giá đất lên cao, tạo ra bong bóng bất động sản”.

Theo ông, hiện có tình trạng dự án sau cao hơn dự án trước, không ai dám xác định giá đất thấp hơn giá vừa đấu giá thành công, cứ như thế mức giá nối đuôi nhau ngày càng tăng cao.

“Ở Thái Bình có nhiều dự án không ai vào đấu giá đất vì xác định giá khởi điểm rất cao, không thể nào hạ được dù thị trường bất động sản đang đi xuống”, ông Hải nêu thực tế và đề nghị việc xác định giá đất cần tính toán kỹ để đảm bảo tính ổn định, bền vững.

xac dinh gia dat anh 1

Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái Đỗ Đức Duy. Ảnh: Hồng Phong.

Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái Đỗ Đức Duy cho rằng nên thống nhất nguyên tắc một giá và sát với giá thị trường. “Dù Nhà nước đứng ra thu hồi đất hay giao cho doanh nghiệp thỏa thuận với người dân để thực hiện thu hồi đất, vẫn phải đảm bảo kiểm soát giá của Nhà nước”, ông Duy nhấn mạnh.

Nhiều đại biểu cho rằng khi doanh nghiệp thỏa thuận với người dân thì quyền lợi của người dân tăng lên, còn quyền của doanh nghiệp giảm xuống. Song theo ông Duy, thực tế trong trường hợp này, đúng là quyền lợi người dân có thể được tăng lên, nhưng quyền lợi của doanh nghiệp không thay đổi và quyền lợi của Nhà nước có giảm xuống, bởi vì chi phí để thu hồi đất, giải phóng mặt bằng cuối cùng vẫn là Nhà nước chi trả khấu trừ.

Trong giá đất, Bí thư Yên Bái nói có thể phân biệt hai loại. Một là giá đất khi Nhà nước thu hồi để thực hiện dự án phục vụ lợi ích công cộng thì tính theo bảng giá đất. Hai là khi thực hiện các dự án về thương mại, có tạo ra giá trị gia tăng thì giá đất tính theo giá thị trường nhưng có sự kiểm soát của Nhà nước.

Bí thư Tỉnh ủy Thái Nguyên Nguyễn Thanh Hải thì bày tỏ kỳ vọng Luật Đất đai (sửa đổi) sẽ là điểm tựa để cho các địa phương phát huy hết nguồn lực tài nguyên đất để phát triển mạnh mẽ.

Bên cạnh đó, nữ Bí thư mong luật góp phần tháo gỡ được vướng mắc về đất đai hiện nay, tránh tình trạng hợp thức hóa sai phạm.

xac dinh gia dat anh 2

Bí thư Tỉnh ủy Thái Nguyên Nguyễn Thanh Hải. Ảnh: Hoàng Hà.

“Trong dự luật có thể quy định một điều khoản chuyển tiếp với những dự án vướng mắc trước đây thì cho sử dụng như thế nào để phát huy tối đa nguồn lực, nếu không đất cứ để đó sẽ trở thành lãng phí”, bà Hải nói.

Liên quan đến quy định giá đất phải sát giá thị trường, nữ đại biểu cho biết các địa phương đều mong muốn có “kịch bản” giá thị trường trong một tháng, hai tháng, giống như giá xăng dầu. Ví dụ, đất ở mỗi khu vực được quy định trong một khoảng dao động nào đó để địa phương căn cứ, đưa ra mức phù hợp, sát với thị trường.

“Việc xác định giá đất khó, xác định thế nào cho đúng theo sát thị trường lại càng khó”, nữ Bí thư nói.

Hơn nữa, theo bà Hải, giá thị trường chịu tác động từ rất nhiều mặt. Ví dụ, một khu đất giá đang 10 triệu/m2 nhưng chỉ cần một thông tin sắp có doanh nghiệp về đầu tư, sắp có thêm một dự án, thì giá đất sẽ ngay lập tức tăng chóng mặt.

Bí thư Thái Nguyên cho rằng những rủi ro này cần được kiểm soát bằng cách định giá đất chính xác và rất cần trách nhiệm của các cơ quan Trung ương.

Xây dựng bảng giá đất hàng năm làm khó địa phương

Với quy định xây dựng bảng giá đất định kỳ hàng năm, đại biểu Hoàng Đức Thắng (Quảng Trị) cho rằng như vậy là cứng nhắc và không đúng theo thực tế, vì biến động giá liên tục. Ông đề nghị dự luật thiết kế một cơ chế, chẳng hạn biên độ dao động, khi giá đất thay đổi thì bảng giá đất phải điều chỉnh thế nào, nhằm phản ánh đúng giá trị thực của đất trên thị trường.

xac dinh gia dat anh 3

Đại biểu Quốc hội Trần Chí Cường (Đà Nẵng). Ảnh: Quốc hội.

Chung quan điểm, đại biểu Trần Chí Cường (Đà Nẵng) đánh giá việc dự luật quy định bảng giá đất phải xây dựng định kỳ hàng năm, công khai từ ngày 1/1 là không phù hợp với thực tế, gây khó khăn trong quá trình triển khai ở địa phương.

Ông Cường lý giải để thực hiện một bảng giá đất đòi hỏi rất nhiều thủ tục, từ lập hồ sơ dự án, đấu thầu, thuê tư vấn, qua các bước đến thẩm định giá rồi đến HĐND đánh giá, chuyển cho UBND ban hành. Nếu quy trình này năm nào cũng thực hiện sẽ rất khó để làm và cũng không điều chỉnh kịp thời cùng với thị trường khi tính giá.

Đại biểu TP Đà Nẵng đề xuất việc xây dựng bảng giá đất nên làm theo chu kỳ 3 năm hoặc 5 năm như trước kia. Tùy thuộc vào tình hình cụ thể, địa phương có thể để đưa ra biên độ điều chỉnh giá đất không quá 20%; thời hạn điều chỉnh có thể là 180 ngày. Ông cho rằng việc này phù hợp hơn đối với điều chỉnh ở cơ sở, tránh các lãng phí không cần thiết và áp lực cho các cơ quan quản lý ở địa phương.

"Nếu địa phương không công bố được bảng giá đất kịp vào ngày 1/1 thì sai, mà nếu công bố nhưng không đáp ứng yêu cầu thì có thể dẫn đến tình trạng thất thoát nhất là khi giá đất của thị trường liên tục biến động", ông Cường nói.

Những cuốn sách hay về xã hội

Tủ sách Xã hội giới thiệu những cuốn sách hay và mới về các chủ đề từ thời sự, chính trị, đến giao thông, hạ tầng... Tủ sách đồng thời cung cấp nhiều kiến thức, dữ liệu để độc giả hiểu nhiều lĩnh vực khác nhau của đời sống xã hội.

Hôm nay thu hồi đất của dân xây chợ, ngày mai chợ lại mọc ra nhà

Đề nghị quy định rõ tiêu chí thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội, ĐBQH lưu ý tránh trường hợp hôm nay thu hồi đất của dân xây chợ, ngày mai trong khu chợ lại mọc ra nhà.

Hoài Thu

Bạn có thể quan tâm