Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Đại biểu Quốc hội điểm tên những lãng phí vô hình làm nghèo đất nước

“Những thất thoát, lãng phí hữu hình được Quốc hội chỉ ra chỉ là phần nổi của tảng băng. Đằng sau đó còn nhiều lãng phí vô hình làm nghèo đất nước”, ĐBQH Nguyễn Hữu Hậu nói.

Thảo luận về việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021 tại hội trường Quốc hội sáng 31/10, các đại biểu nêu nhiều hình thức lãng phí nổi lên giai đoạn qua, nhưng chưa được khắc phục kịp thời.

Theo báo cáo của đoàn giám sát, việc chấp hành pháp luật trong lĩnh vực này còn chưa nghiêm; một số trường hợp thất thoát, lãng phí là rất lớn, nghiêm trọng, làm mất đi cơ hội phát triển.

Đáng lưu ý, đoàn giám sát nhắc đến hàng nghìn dự án chậm tiến độ và có xu hướng tăng lên qua các năm; hàng nghìn dự án liên tục điều chỉnh khiến tổng mức đầu tư cao gấp nhiều lần.

Lãng phí trách nhiệm

“Những thất thoát, lãng phí rất lớn, nghiêm trọng và làm mất đi cơ hội phát triển mà đoàn giám sát của Quốc hội nêu chỉ là phần nổi của tảng băng”, đại biểu Trần Hữu Hậu (Tây Ninh) nói.

Theo ông Hậu, đằng sau lãng phí hữu hình là những lãng phí vô hình với sức tàn phá lớn hơn nhiều, không chỉ “làm mất đi cơ hội phát triển” mà còn làm nghèo đất nước, làm lãng phí những nguồn lực quốc gia, làm suy yếu bộ máy công quyền.

lang phi trach nhiem anh 1

Đại biểu Quốc hội Trần Hữu Hậu (Tây Ninh). Ảnh: Phạm Thắng.

Vị đại biểu tỉnh Tây Ninh chỉ ra một loại lãng phí khác, đó là lãng phí trách nhiệm. Dẫn chứng, ông nêu câu chuyện nhiều bệnh viện công xin thôi tự chủ, ách tắc đấu thầu thuốc, thiết bị trong bệnh viện… đang khiến bộ máy trì trệ, gây nhiều lãng phí.

Ông Hậu phân tích ở một góc độ nào đó, những người trong cuộc bị đánh giá là thiếu tinh thần trách nhiệm, thiếu ý thức đấu tranh, thiếu năng động…

“Tôi cho rằng phần đông trong số họ là những người có lương tâm và trách nhiệm, chỉ có điều tinh thần trách nhiệm của họ không được phát huy, gây lãng phí khôn lường và không thể đo đếm”, ông Hậu nói.

Nhắc tới vướng mắc liên quan việc sử dụng kinh phí chi thường xuyên trong nâng cấp, cải tạo, sửa chữa các công trình cấp bách, ông Hậu cho biết rất nhiều địa phương đang đau đầu không biết sử dụng ngân sách thế nào cho hiệu quả mà không vi phạm quy định.

Thực tế, nhiều công trình cần thiết nên làm bằng kinh phí chi thường xuyên để tiết kiệm thời gian, công sức, chi phí… nhưng theo quy định phải sử dụng nguồn đầu tư công với quy trình thủ tục nhiêu khê, tốn kém nhiều công sức, thời gian.

“Điều này dẫn đến tình trạng, khi dùng nguồn chi thường xuyên, họ biết làm như vậy là phù hợp, là hiệu quả nhưng nơm nớp lo bị kiểm điểm. Để hạn chế chuyện đó xảy ra, họ phải tốn không ít thời gian và trí tuệ chỉ để tìm cho ra một cái tên của dự án sao cho phù hợp quy định và tránh sự chú ý của cơ quan kiểm toán”, ông Hậu nói không ai muốn làm “chuyện thật như đùa” này.

Theo ông, tại kỳ họp thứ 3, cả Bộ trưởng GTVT và Bộ trưởng Tài chính thừa nhận vướng mắc này và nhấn mạnh cần sửa, nhưng đến nay “chưa thấy động tĩnh gì”.

Lãng phí lớn nguồn lực đất đai

Đại biểu Nguyễn Tạo (Lâm Đồng) đánh giá nguồn lực về nhà cửa, đất đai đang bị lãng phí rất lớn, là vấn đề có tính nhạy cảm cao, không chỉ ảnh hưởng đến nguồn lực phát triển mà còn gây ra nhiều hệ lụy liên quan đến tham nhũng, tiêu cực, thất thoát, lãng phí, lợi ích nhóm, lạm dụng chính sách.

“Qua các vụ án gần đây liên quan đến cán bộ quản lý Nhà nước đều có bóng dáng của quản lý nhà đất”, ông Tạo phát biểu.

lang phi trach nhiem anh 2

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Tạo (Lâm Đồng). Ảnh: Phạm Thắng.

Theo phụ lục báo cáo kết quả giám sát, có 28.000 ha của 900 dự án, công trình chậm, không đưa đất vào sử dụng, nhiều dự án có vướng mắc đó là vấn đề đất để hoang hóa.

Trong khi chính sách pháp luật đất đai còn nhiều bất cập, có tình trạng phân lô bán nền, đầu cơ đất đai, không đưa đất đai vào sử dụng đúng mục đích…

Nêu ví dụ tại Lâm Đồng, ông Tạo nói có hai sân bay và một khách sạn thuộc đất quốc phòng, nằm giữa khu vực trung tâm hai thành phố Đà Lạt và Bảo Lộc, nhưng đã bị lấn chiếm sử dụng không đúng mục đích gây lãng phí. Điển hình, sân bay Cam Ly (TP Đà Lạt) có 53 ha nhưng bị lấn chiếm khoảng 40 ha; sân bay phường Lộc Phát (TP Bảo Lộc) có 35 ha thì gần như bị lấn chiếm toàn bộ.

Nhắc đến việc sắp xếp cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập, đại biểu Phạm Thị Kiều (Đăk Nông) phản ánh việc sáp nhập đơn vị cấp huyện và xã khiến đất đai, trụ sở cơ quan bị bỏ hoang, gây lãng phí tài sản Nhà nước.

Ngoài ra, theo bà Kiều, việc mua sắm phương tiện, tài sản cho cơ quan khu vực công còn xảy ra nhiều sai phạm, như sai phạm liên quan đến mua sắm vật tư, trang thiết bị phục vụ công tác phòng chống dịch và những vụ việc liên quan đến Công ty Việt Á, Công ty CP Tiến bộ Quốc tế AIC.

Bà Kiều đề nghị Chính phủ làm rõ nguyên nhân về cơ chế, chính sách pháp luật để có giải pháp khắc phục trong thời gian tới.

Góp ý về giải pháp, đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) lưu ý tiết kiệm không phải là giảm chi tiêu những thứ cần, ngại mua sắm, chi nhỏ giọt. “Đề xuất đáng chi thì phải chi, ví dụ chi tăng lương cho cán bộ công chức, người lao động để ổn định cuộc sống”, ông Hòa nói tiết kiệm là đúng, nhưng tiết kiệm quá mức chưa hẳn hiệu quả.

Ông đề nghị tăng cường giám sát với trọng tâm là các dự án trọng điểm quốc gia, các dự án chậm tiến độ, đất đai còn để hoang hóa… nhằm khắc phục những thiếu sót.

Cần thì một tỷ chi ngay, nhưng không cần, một đồng cũng không chi

Nêu rõ tinh thần thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, ông Vương Đình Huệ cho rằng “một tỷ đồng mà thực sự cần thiết thì chi ngay, nhưng không cần thì một đồng cũng không chi".

Mục Xã hội gửi đến độc giả gợi ý về một số tác phẩm hay, tin tức xuất bản về chủ đề xã hội, thời sự, chính trị.

lang phi trach nhiem anh 3

Hoài Thu

Bạn có thể quan tâm