Trong báo cáo vừa gửi đại biểu Quốc hội về một số thông tin được quan tâm thuộc lĩnh vực giáo dục và đào tạo, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn nêu thực trạng và nhiều nguyên nhân khi hàng loạt giáo viên nghỉ việc, chuyển việc.
Theo thống kê từ hệ thống cơ sở dữ liệu ngành giáo dục, năm học 2021-2022 có 16.265 giáo viên nghỉ việc, chuyển việc ra khỏi ngành. Trong đó, số giáo viên công lập nghỉ việc là 10.407 người, số giáo viên ngoài công lập nghỉ việc là 5.858 người.
Tư lệnh ngành giáo dục cho hay giáo viên nghỉ việc, chuyển ra khỏi ngành chủ yếu tập trung ở các vùng có điều kiện kinh tế - xã hội phát triển như Hà Nội, TP.HCM , Đà Nẵng, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương...
Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn. Ảnh: Quốc hội. |
“Ở những địa phương này, giáo viên có nhiều sự lựa chọn để chuyển đổi nghề nghiệp với mức thu nhập cao hơn (giáo viên nghỉ việc sẽ chuyển sang làm việc ở các trường tư thục hoặc chuyển sang làm việc ở các lĩnh vực khác có thu nhập cao hơn)”, theo ông Sơn.
Ngoài ra, ở những cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập, trong hơn 2 năm ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, nhiều cơ sở phải đóng cửa, dẫn đến giáo viên làm việc tại đây phải tìm việc khác; một số giáo viên mầm non không phải người địa phương cũng trở về quê cùng gia đình tránh dịch và không trở lại.
Đối với cơ sở giáo dục công lập, ông Sơn nhận định giáo viên nghỉ việc là do chế độ, chính sách về tiền lương còn nhiều bất cập, lương giáo viên chưa đủ để trang trải cuộc sống.
“Hiện nay, giáo viên công tác trong 5 năm đầu có thu nhập bình quân từ lương và phụ cấp khoảng 6 triệu đồng/tháng. Trong khi đó, chi phí thiết yếu cho cuộc sống (ăn, ở, nuôi con, chăm sóc sức khỏe…) khá cao. Điều này khiến một số giáo viên phải chuyển sang làm các công việc khác có thu nhập cao hơn”, Bộ trưởng Giáo dục phân tích.
Trong khi đó, một số cơ sở giáo dục chậm đổi mới trong quản lý tạo áp lực công việc lớn cho giáo viên khi nhiệm vụ được phân công bất hợp lý, nặng về áp đặt, mệnh lệnh từ trên xuống dưới, từ đó ảnh hưởng đến tinh thần làm việc, hạn chế sự sáng tạo của giáo viên.
Cũng theo Bộ trưởng Giáo dục, do tác động của nền kinh tế thị trường và nhu cầu của giáo viên tăng, giáo viên có năng lực tốt sẽ có xu hướng đến những nơi có điều kiện tốt hơn để tìm cơ hội thăng tiến cho bản thân; một số giáo viên chấp nhận bỏ nghề, đi học lại để tìm kiếm cơ hội việc làm khác.
Từ thực trạng đã nêu, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đề nghị Quốc hội cho phép xây dựng Luật Nhà giáo nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan đến tiêu chuẩn, tuyển dụng, quản lý, đãi ngộ, tôn vinh… phù hợp với vai trò, vị trí quan trọng, đặc thù lao động nghề nghiệp của nhà giáo.
Ông cũng đề nghị Nhà nước quan tâm tới chính sách tiền lương và các chế độ ưu đãi khác của viên chức giáo dục để tiền lương và thu nhập cơ bản đáp ứng được nhu cầu của cuộc sống.
Ngoài chính sách chung của Nhà nước, các địa phương căn cứ điều kiện kinh tế - xã hội, có các chính sách hỗ trợ khác về thu nhập, điều kiện làm việc, nhà công vụ, đi lại… cho giáo viên.
Liên quan đến lộ trình tăng học phí, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết tính đủ chi phí vào năm 2021 thì mức học phí sẽ tăng cao, ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân. Vì thế, Chính phủ ban hành Nghị định số 81 quy định giữ ổn định mức học phí của năm học 2021-2022, để chia sẻ khó khăn với người dân do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
Từ năm học 2022-2023, mức tăng học phí hàng năm phù hợp với chỉ số giá tiêu dùng và mức tăng trưởng kinh tế hàng năm. Theo lộ trình, dự kiến đến năm 2025 tính đủ chi phí giáo dục đại học công lập, đến năm 2030 tính đủ chi phí giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập.
Riêng đối với đơn vị tự bảo đảm chi thường xuyên hoặc tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư, được áp dụng mức trần học phí gấp 2 hoặc 2,5 lần đơn vị chưa tự bảo đảm chi thường xuyên.
Những cuốn sách hay về xã hội
Tủ sách Xã hội giới thiệu những cuốn sách hay và mới về nhiều chủ đề. Tủ sách đồng thời cung cấp nhiều kiến thức, dữ liệu để độc giả hiểu các lĩnh vực khác nhau của đời sống xã hội.