Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TP.HCM có nhiều công chức, viên chức nghỉ việc nhất cả nước

TP.HCM dẫn đầu cả nước về số công chức, viên chức nghỉ việc với 6.700 người trong hơn hai năm. Bộ trưởng Nội vụ cho rằng nguyên nhân là thu nhập ở khu vực công thấp hơn khu vực tư.

Tại phiên thảo luận về kinh tế - xã hội của Quốc hội chiều 27/10, Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà làm rõ thực trạng cán bộ công chức, viên chức nghỉ việc, thôi việc.

Bà Trà dẫn số liệu tổng hợp của 63 địa phương và các bộ, ngành cho thấy từ năm 2020 đến ngày 30/6/2022, số công chức, viên chức nghỉ việc, thôi việc là 39.552 người, bằng 1,94% tổng biên chế công chức, viên chức.

Trong đó, số công chức là hơn 4.000 người, chiếm 10% tổng số công chức, viên chức thôi việc; số viên chức là hơn 35.500 người, chiếm 90%. Ở Trung ương, tỷ lệ thôi việc lần lượt chiếm 18% và 82% ở địa phương.

Cán bộ nghỉ việc đa số ở độ tuổi trẻ

Nữ Bộ trưởng cho biết nếu phân chia theo vùng, Đông Nam Bộ chiếm hơn 37,36% tổng số công chức, viên chức thôi việc, trong khi vùng trung du miền núi phía Bắc, Tây Nguyên chiếm tỷ lệ rất nhỏ.

Theo bà Phạm Thị Tranh Trà, số công chức, viên chức thôi việc tập trung nhiều nhất ở TP.HCM với hơn 6.700 người; Đồng Nai và Hà Nội mỗi nơi hơn 2.000 người. Trong khi đó, các tỉnh Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, Long An, Cần Thơ trong khoảng 800-900 người.

Tính theo lĩnh vực, ngành giáo dục có hơn 16.400 người nghỉ việc chiếm 41,53%, ngành y tế là gần 12.200 người chiếm 30,84%.

cong chuc nghi viec anh 1

Bộ trưởng Nội vụ dẫn số liệu và phân tích nguyên nhân của tình trạng công chức, viên chức nghỉ việc nhiều. Ảnh: Phạm Thắng.

Trong khi đó, hơn 2 năm qua, tổng số công chức, viên chức được tuyển dụng mới là gần 144.000 người, gồm hơn 18.800 công chức và 125.100 viên chức.

Riêng viên chức giáo dục được tuyển dụng mới là gần 75.000 người, y tế là trên 38.100 người.

“Số liệu trên cho thấy số lượng công chức, viên chức nghỉ việc so với tổng biên chế là không lớn (1,94%), nhưng tập trung ở lĩnh vực trọng điểm giáo dục và y tế nên đây là thách thức cho sự nghiệp công, trực tiếp chăm lo cho nhân tố con người”, theo Bộ trưởng Nội vụ.

Bà chỉ ra thực tế số cán bộ nghỉ việc đa số ở độ tuổi trẻ (từ 40 tuổi trở xuống và trên 50% có trình độ đại học); số nghỉ việc cũng tập trung ở nhiều tỉnh, thành phố lớn, có tốc độ phát triển kinh tế nhanh, có nhiều khu công nghiệp, dịch vụ y tế, giáo dục phát triển.

Đồng thời, số lượng công chức, viên chức trẻ được tuyển dụng mới tăng cao nhất trong những năm trở lại đây.

So sánh với thế giới, Bộ trưởng Nội vụ khẳng định cán bộ công chức, viên chức nghỉ việc là tình trạng chung.

Bộ trưởng Nội vụ dẫn chứng trong năm 2021 và 2022, Anh có 9,25% cán bộ nghỉ việc trên tổng số công chức; Singapore là nơi có nền công vụ hiện đại, chuyên nghiệp nhưng số công chức nghỉ việc ở khu vực công cũng chiếm 9,9%. Tỷ lệ này ở Pháp là 6,6%; Australia 4,62%, Mỹ 3,1%.

Các nước trong khối ASEAN cũng trong tình trạng như Việt Nam.

Bình đẳng trong thị trường lao động

Phân tích về nguyên nhân khách quan của thực trạng trên, Bộ trưởng Nội vụ cho rằng Việt Nam đang tập trung phát triển thị trường lao động đồng bộ, hiện đại, đầy đủ, hội nhập nhằm đạt tới thị trường lao động vận hành theo quy luật khách quan của kinh tế thị trường.

Theo đó, người lao động có cơ hội bình đẳng trong thị trường lao động, được tự do lựa chọn việc làm, tự do dịch chuyển trên thị trường lao động.

“Việc công chức, viên chức dịch chuyển từ công sang tư là yếu tố khách quan, theo quy luật tất yếu của kinh tế thị trường, góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu lao động phù hợp với chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đồng thời tạo động lực để thúc đẩy nhanh hơn sự cạnh tranh lành mạnh, công bằng giữa thị trường lao động khu vực công và khu vực tư”, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà nói.

cong chuc nghi viec anh 2

Nhiều công chức, viên chức thôi việc, nghỉ việc hàng loạt trong hơn 2 năm qua do áp lực công việc nhưng lương thấp hơn khu vực tư. Ảnh minh họa: Phạm Ngôn.

Nhắc đến chính sách phát triển kinh tế tư nhân, thúc đẩy xã hội hóa dịch vụ công, bà Trà cho rằng dịch vụ y tế, giáo dục ngoài công lập đang phát triển khá mạnh ở các đô thị, tạo cơ hội cho người lao động ra - vào trong khu vực công và khu vực tư thường xuyên.

Tuy nhiên, tỷ lệ ra khu vực tư ở giáo dục không cao như y tế.

“Xét về mặt tổng thể, việc chuyển dịch này cũng có yếu tố tích cực để thúc đẩy thị trường lao động phát triển, tạo động lực, cơ hội khu vực công cơ cấu lại đội ngũ công chức, viên chức; xây dựng hoàn thiện thể chế chính sách hướng tới sự đổi mới tiến bộ, công bằng, cạnh tranh lành mạnh nguồn nhân lực trong khu vực công”, theo bà Trà.

Tuy nhiên, bà nhấn mạnh số công chức, viên chức thôi việc, nghỉ việc hàng loạt trong hơn 2 năm qua là điều cần được nhìn nhận nghiêm túc và cũng là vấn đề đáng quan ngại.

Về nguyên nhân chủ quan, Bộ trưởng cho rằng thu nhập, tiền lương của công chức viên chức còn thấp hơn khu vực tư dù cùng trình độ; trong khi áp lực công việc của công chức, viên chức ngày càng cao, nhất là trong lĩnh vực y tế.

Ngoài ra, môi trường làm việc một số nơi chưa tạo động lực cho công chức, viên chức phát huy năng lực sở trường; quản trị trong khu vực công chưa có thay đổi lớn, cơ bản vẫn theo lề lối cũ.

Trong khi đó, khu vực tư rất chú ý đến phương thức quản trị hiện đại, khích lệ người lao động làm việc, ghi nhận kịp thời những đóng góp, cống hiến của họ.

Về giải pháp, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà cho rằng cần tập trung cải cách đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ, đầu tiên là cải cách chính sách tiền lương theo Nghị quyết 27 của Trung ương khóa XII.

Bộ trưởng cho rằng tại kỳ họp này, Quốc hội xem xét tăng lương cơ sở từ 1,49 triệu lên 1,8 triệu đồng (tăng 20,8%) tạo tín hiệu vui, bắt đầu thực hiện 1/7/2023 là hợp lý.

Bên cạnh đó, bà Trà cho rằng cần tiếp tục cải cách tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, đổi mới công tác tuyển dụng, sử dụng, đào tạo, bồi dưỡng, quy hoạch cán bộ.

Đặc biệt, sớm xây dựng chính sách thu hút người tài năng, chuyên gia trong các lĩnh vực, ngành về cơ quan Nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập.

Bộ trưởng Y tế: ‘Nhiều bệnh viện đang trở thành con nợ’

"Nhiều năm gần đây, các bệnh viện bị nợ đọng do thanh toán theo tổng mức chưa đáp ứng yêu cầu. Vì thế, nhiều cơ sở y tế thực sự trở thành con nợ", Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan nói.

Đề xuất tăng lương cơ sở hơn 20%, ngăn công chức nghỉ việc

Để khắc phục tình trạng cán bộ, công chức nghỉ việc vì nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan, Ban Cán sự Đảng Chính phủ đã trình Trung ương điều chỉnh lương cơ sở tăng 20,8%.

Hoài Thu - Mỹ Hà

Bạn có thể quan tâm