Sáng 27/10, Quốc hội bắt đầu phiên thảo luận về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022; dự kiến kế hoạch năm 2023; tình hình thực hiện ngân sách Nhà nước năm 2022, dự toán ngân sách, kế hoạch đầu tư công vốn ngân sách Nhà nước, phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2023.
Để làm rõ những vấn đề đại biểu nêu, một số thành viên Chính phủ có trách nhiệm liên quan được yêu cầu giải trình.
"Thà đứng trước hội đồng kỷ luật còn hơn đứng trước hội đồng xét xử"
Mở đầu phiên, bảng điện tử hiển thị 142 đại biểu đăng ký phát biểu. Đại biểu Nguyễn Hữu Thông (Bình Thuận) nêu lại bối cảnh thời điểm này một năm trước, Quốc hội thảo luận về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021 và kế hoạch năm 2022.
“Khi đó dịch bệnh phức tạp, tạo ra nhiều thách thức, nhiều đại biểu lo ngại mục tiêu tăng trưởng 6-6,5%. Nhưng nhờ sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị nên tình hình kinh tế - xã hội 9 tháng đầu năm đạt kết quả quan trọng, ước cả năm đạt 14/15 chỉ tiêu đề ra”, ông Thông nói.
Đánh giá giữa sự phát triển kinh tế với các vấn đề xã hội, ông Thông cho rằng chưa tương xứng, nhiều người dân chưa thoát nghèo, giá xăng dầu tăng cao, thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp còn tiềm ẩn nhiều rủi ro, cơ cấu tổ chức tín dụng còn yếu kém, chưa phát huy hiệu quả. Sau khi cơ quan chức năng xử lý một vài doanh nghiệp trong các lĩnh vực thì nhiều người bất an; xuất hiện tình trạng cán bộ công chức viên chức nghỉ việc, kỷ cương hành chính chưa nghiêm, còn cán bộ vi phạm phải xử lý.
Đại biểu Nguyễn Hữu Thông. Ảnh: Phạm Thắng. |
Nhấn mạnh yếu tố con người, ông Thông cho rằng để phát triển kinh tế - xã hội, Chính phủ, Quốc hội cần giải quyết tâm lý bất an, sợ sai của cán bộ công chức. “Có cán bộ tâm sự rằng, thà đứng trước hội đồng kỷ luật còn hơn đứng trước hội đồng xét xử”, ông Thông nói.
Cùng nói về nhân tố con người, đại biểu Tô Văn Tám (Kon Tum) nhấn mạnh cần phát huy trên tinh thần nâng cao ý thức chủ động, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm.
Đại biểu Tô Văn Tám: "Nhiều cán bộ công chức viên chức xin nghỉ việc không chỉ vì lương thấp mà vì áp lực công việc quá lớn". Ảnh: Phạm Thắng. |
Dù vậy, đại biểu lo ngại khi báo cáo của Chính phủ cho thấy tình trạng nghỉ việc của cán bộ có xu hướng gia tăng, nhất là trong lĩnh vực y tế, giáo dục.
“Đây là vấn đề đặt ra cho việc quản trị của Chính phủ”, ông Tám nói. Theo ông, đây là xu hướng không chỉ nước ta mà nhiều nước châu Á cũng có sự chuyển dịch nhân lực ra khỏi khu vực công. Nguyên nhân là tiền lương và thu nhập ở khu vực công thấp hơn nhiều so với bên ngoài, phản ứng chậm với yêu cầu tăng thu nhập do bị ràng buộc bởi các văn bản pháp lý.
Bên cạnh đó, nhiều cán bộ công chức viên chức xin nghỉ việc không chỉ vì lương thấp mà vì áp lực công việc quá lớn.
Để giải quyết câu chuyện này, ông Tám đề nghị Chính phủ thực hiện mạnh mẽ cải cách lề lối làm việc, xử lý hợp lý vấn đề tổ chức bộ máy và biên chế, tạo cơ hội thăng tiến công bằng và minh bạch. Cùng với đó, cần hoàn thiện cơ chế tuyển chọn cán bộ, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý; quan tâm hơn đến thu nhập của cán bộ công chức và viên chức, cụ thể hóa quyết định của Bộ Chính trị về bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung.
"Cán bộ ở dưới làm cầm chừng vì sợ"
Dùng quyền tranh luận, đại biểu Tạ Văn Hạ trao đổi lại với ý kiến của đại biểu Nguyễn Hữu Thông. Ông Hạ cho rằng nói vướng mắc bởi chính sách pháp luật là chưa đủ, mà cái chính là do yếu tố con người và công tác tổ chức thực hiện, đặc biệt là trách nhiệm người đứng đầu trong triển khai.
Đại biểu Tạ Văn Hạ. Ảnh: Phạm Thắng. |
Theo ông Hạ, qua tiếp xúc cử tri, đúng là có ghi nhận ý kiến về tình trạng cán bộ sợ không dám làm, cán bộ có năng lực nhưng ý thức, tinh thần trách nhiệm còn hạn chế, có hiện tượng nghe ngóng, né tránh. Như vấn đề về sửa Luật Đất đai 2013, dù vướng mắc từ lâu, có người nói thẳng thắn rằng bây giờ không muốn làm, không dám làm, sợ phát sinh vấn đề nên làm cầm chừng, hạn chế.
“Chính phủ cần quyết liệt, Thủ tướng họp ngày họp đêm trong khi ở dưới còn tư tưởng này thì cần chấn chỉnh càng sớm càng tốt để không làm ảnh hưởng thực hiện nhiệm vụ và phục vụ nhân dân”, ông Hạ nói.
Nỗ lực giảm giá xăng nhưng hàng hóa giảm chưa tương xứng
Đại biểu Phạm Hùng Thắng (Hà Nam) cho rằng bối cảnh năm 2022 khá đặc biệt khi có nhiều thuận lợi, thách thức đan xen; ảnh hưởng của dịch Covid-19 còn nặng nề, nhiều yếu tố tác động khó dự báo. Song, nhờ sự vào cuộc kịp thời của cả hệ thống và những quyết sách chưa có tiền lệ đã tạo điều kiện thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển mạnh mẽ.
Dù vậy, ông Thắng lo ngại khi giải ngân đầu tư công tiếp tục chậm với tỷ lệ thấp; giải ngân vốn chương trình phục hồi kinh tế cũng chậm.
“Quốc hội, Chính phủ đã nỗ lực điều chỉnh chính sách để giảm được giá xăng giúp doanh nghiệp, người dân giảm bớt khó khăn nhưng giá cả các mặt hàng tiêu dùng giảm không tương xứng”, theo ông Thắng.
Nhắc đến vấn đề vừa qua Ngân hàng Nhà nước nâng lãi suất điều hành tín dụng, điều chỉnh biên độ tỷ giá lên mức cao nhất trong lịch sử, đại biểu đánh giá điều này kéo theo chi phí vốn huy động lãi suất cho vay tăng cao, sức ép lạm phát và giá cả tăng cao, đã và đang trực tiếp ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống nhân dân. Dù khả quan, ông Thắng cho rằng phải nhìn nhận kinh tế chưa phát triển bền vững, sức chống chịu của nền kinh tế còn yếu.
Ông đề nghị Chính phủ chủ động kịch bản ứng phó lạm phát đang gia tăng trên toàn cầu, báo cáo Quốc hội để chủ động ứng phó chính phù hợp. Bên cạnh đó, cần linh hoạt, công khai các chính sách điều hành lãi suất, tỷ giá để doanh nghiệp không bị động trong chuẩn bị phương án sản xuất kinh doanh, tạo điều kiện tiếp cận vốn thuận lợi hơn.
Đặc biệt, vị đại biểu đề nghị sớm tăng lương đi kèm với cải cách tiền lương để giúp cán bộ trong hệ thống có thêm động lực, giảm bớt hệ lụy nhân lực rời bỏ khu vực công như vừa qua.
Cơ quan Nhà nước lúng túng khi thiếu hụt xăng dầu ở phía Nam
Đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé (Kiên Giang) nhắc tới vấn đề nan giải là thiếu thuốc, thiếu thiết bị vật tư y tế kéo dài từ đầu đại dịch đến nay. Vấn đề cán bộ, công chức, viên chức, đặc biệt là trong ngành y tế, giáo dục nghỉ việc cũng làm cho cử tri lo lắng, nhất là trong bối cảnh nhiều biến động, các dịch bệnh khác có thể bùng phát.
Đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé. Ảnh: Phạm Thắng. |
“Vừa rồi thiếu hụt xăng dầu xảy ra, nhất là ở phía Nam, cho thấy sự lúng túng trong xử lý tình huống của các cơ quan trong quản lý Nhà nước, từ việc quy định tính đúng tính đủ giá xăng dầu đến việc điều tiết nguồn cung của các doanh nghiệp đầu mối để xử lý sự thiếu hụt như thời gian. Việc này khiến người dân, doanh nghiệp bức xúc”, theo bà Bé.
Nữ đại biểu cho biết hiện tượng này chưa được giải quyết dứt điểm, vẫn còn xuất hiện cục bộ ở một số địa phương.
Nhìn nhận năm 2023 nước ta có thể tiếp tục đối mặt nhiều khó khăn, thách thức, nhiều áp lực đặt nặng lên nền kinh tế, đại biểu tỉnh Kiên Giang đề nghị Chính phủ sớm có giải pháp xử lý những vấn đề nêu trên.
Không vì tăng trưởng mà cấp phép ồ ạt cho dự án FDI
Đại biểu Trần Hoàng Ngân (TP.HCM) trong phần phát biểu của mình đề cập tới cơn sóng lạm phát trên toàn thế giới: “Lạm phát tăng cao khiến các nước phải uống liều thuốc đắng khi phải tăng lãi suất điều hành”.
Với tình hình trong nước, ông chỉ ra nhiều thách thức, như cơ cấu lại, cổ phần hóa DNNN; sản xuất kinh doanh còn khó khăn về vốn, tỷ giá, lao động, thuế, phí. Từ việc triển khai Nghị quyết 43 về chính sách hỗ trợ lãi suất 2%, ông Ngân lo ngại khi cả gói tổng 40.000 tỷ nhưng mới triển khai hỗ trợ được 13.000 tỷ đồng; trong khi đó, chính sách miễn, giảm thuế mới đạt được 72% so với kế hoạch.
Đại biểu Trần Hoàng Ngân. Ảnh: Phạm Thắng. |
Đại biểu Trần Hoàng Ngân đề nghị chuyển nguồn từ chính sách hỗ trợ lãi suất chưa giải ngân được sang cho chính sách miễn, giảm thuế và kéo dài thời gian miễn, giảm thuế.
Về thu hút dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài, ông Ngân nhấn mạnh quan điểm “không vì tăng trưởng, thành tích địa phương mà cấp phép ồ ạt dự án FDI”.
Nhắc đến việc thị trường xăng dầu bị đứt gãy chuỗi cung ứng, ông cho rằng cần sớm khắc phục, rút ra bài học kinh nghiệm để không tái diễn trong thời gian tới. Đại biểu đồng thời kiến nghị xem xét rút ngắn thời gian điều chỉnh giá xăng dầu. Khi giá cả xăng dầu có thể diễn biến phức tạp, theo ông Ngân, Quốc hội cần ủy quyền cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét quyết các loại thuế, phí… để kiểm soát lạm phát nhanh nhạy nhất.
“Lương chưa tăng, giá cả đã nhanh chân chạy trước”
Đại biểu Huỳnh Thanh Phương (Tây Ninh) thẳng thắn cho rằng việc triển khai các gói hỗ trợ còn chậm, nhiều quy định, thủ tục còn rườm rà. Giải ngân vốn đầu tư công vẫn là điểm nghẽn dù Chính phủ đã chỉ đạo rất quyết liệt. Đời sống người lao động, cán bộ công chức, viên chức, lực lượng vũ trang còn nhiều khó khăn.
“Từ 1/7/2019 đến nay, tiền lương cơ bản chưa được điều chỉnh, trong khi đó hàng năm chỉ số giá tiêu dùng vẫn tăng khoảng 4% làm cho tiền lương thực tế và chất lượng cuộc sống giảm xuống. Điều này tạo sự chuyển dịch nhân lực từ khu vực công sang khu vực tư”, theo ông Phương.
Đại biểu Huỳnh Thanh Phương. Ảnh: Phạm Thắng. |
Ngoài ra, đại biểu Quốc hội tỉnh Tây Ninh cho biết nhiều cử tri bức xúc trước tình trạng thổi giá đất, chậm đấu thầu thuốc và trang thiết bị vật tư y tế… Ông đề nghị trong năm 2023 cần tiếp tục tập trung phòng chống dịch, bình ổn giá cả và thị trường; theo dõi sát biến động của nền kinh tế thế giới để giữ kinh tế vĩ mô ổn định, kiểm soát lạm phát. Vị đại biểu đề nghị không điều chỉnh tăng giá bất hợp lý vì đây là yếu tố có thể khiến lạm phát gia tăng.
Đại biểu Nguyễn Huy Thái (Bạc Liêu) dành toàn bộ thời gian phát biểu chia sẻ về vấn đề tăng lương cơ sở. Theo ông, thời điểm tăng lương gần đây nhất đã là 4 năm, từ tháng 7/2019. Do nhiều nguyên nhân, mức lương cơ sở giữ nguyên cho đến nay. Điều đó gây ra nhiều ảnh hưởng, thậm chí dẫn đến tình trạng chuyển việc, nghỉ việc thời gian qua.
“Đất nước đang phục hồi kinh tế sau gần 3 năm tập trung chống dịch, ai cũng hiểu gánh nặng ngân sách không thể gồng gánh khoản chi phí khổng lồ để tăng lương hàng năm, do vậy lần tăng lương này là nỗ lực lớn. Để tăng mức 20,8% lương cơ sở, Chính phủ phải dành tới 44.000 tỷ đồng”, ông Thái ghi nhận.
Song, để bù đắp trượt giá, ông đề nghị Quốc hội, Chính phủ tăng lương cơ sở sớm hơn dự định 6 tháng, tăng từ 1/1/2023 thay vì mốc 1/7/2023 như dự kiến. “Nhưng lương cơ sở tăng có giữ chân được cán bộ công chức trong khu vực công không?”, ông Thái đặt câu hỏi và cho rằng lương tăng là đáng mừng nhưng không phải giải pháp dài hơi để giữ chân cán bộ công chức trong khu vực công. Đẩy nhanh cải cách chính sách tiền lương mới là giải pháp căn cơ - điều này lẽ ra đã được thực hiện từ 2021 nếu không phải tập trung chống dịch.
Đại biểu Nguyễn Huy Thái. Ảnh: Phạm Thắng. |
Trong điều kiện năm 2023 nếu phát triển tốt, ông Thái đề nghị cải cách tiền lương ngay. Cử tri trông mong sớm cải cách tiền lương vì đây là vấn đề cấp thiết. "Lương cơ sở tăng là rất quý nhưng thực chất chưa đủ để xóa bỏ khoảng cách giữa lương khu vực công và tư, giữa khu vực Nhà nước và thị trường”, theo vị đại biểu tỉnh Bạc Liêu.
Chia sẻ việc hàng chục nghìn cán bộ nghỉ việc là vấn đề đáng quan tâm, ông Thái cho rằng điều chỉnh tăng lương cơ sở và cải cách tiền lương là giải pháp cơ bản ngăn cán bộ chuyển từ công sang tư. Ông nhấn mạnh phải có giải pháp để cạnh tranh, giữ chân người tài, người có năng lực ở khu vực công bằng chính sách tiền lương phù hợp.
Sau cùng, ông chia sẻ lo lắng của cử tri về tình trạng “lương chưa tăng, giá cả đã nhanh chân chạy trước”.
“Lương bổng luôn bị rớt lại phía sau trong cuộc đua với giá cả thị trường. Giá xăng tăng, thực phẩm tăng, phí dịch vụ tăng… dồn gánh nặng lên vai người lao động, chen chân và chi phối từng bữa cơm của hàng ngày của họ. Cho nên, tăng lương và cải cách chỉ thực sự có giá trị khi Chính phủ thực hiện tốt việc bình ổn giá cả thị trường”, ông Thái nhấn mạnh.
Kinh tế số là cơ hội giúp Việt Nam thu hẹp khoảng cách
Đại biểu Lê Hoàng Hải (Đồng Nai) cho biết trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra rất mạnh mẽ, xu thế kinh tế số là bước phát triển tất yếu đối với kinh tế quốc gia, là cơ hội giúp Việt Nam thu hẹp khoảng cách với các quốc gia khác.
Đại biểu Lê Hoàng Hải. Ảnh: Phạm Thắng. |
Theo báo cáo nền kinh tế số Đông Nam Á, quy mô kinh tế số của Việt Nam năm 2021 ước đạt 21 tỷ USD, đóng góp khoảng 6% GDP, xếp thứ 3/6 thị trường lớn nhất của ASEAN và 14/50 của châu Á. Việt Nam thuộc tốp đầu thế giới về sở hữu tiền kỹ thuật số và tài sản không thể thay thế NFT. Thanh toán điện tử bùng nổ tăng 3.000% về giá trị so với năm 2016.
Trong khối ASEAN, Việt Nam đứng thứ ba về thu hút vốn khởi nghiệp, dẫn đầu nhóm 34 quốc gia thu nhập trung bình thấp với thứ hạng 44 trên 132 về chỉ số đổi mới toàn cầu.
Thách thức ổn định kinh tế vĩ mô
Trình bày báo cáo của Chính phủ về tình hình kinh tế - xã hội tại phiên khai mạc Quốc hội hôm 20/10, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết tăng trưởng GDP 9 tháng đạt 8,83%; ước cả năm đạt khoảng 8% - vượt mục tiêu đề ra (6-6,5%). Thu ngân sách 9 tháng đạt 94% dự toán, tăng 22% so với cùng kỳ; ước cả năm vượt 14,3% - tăng 2,9% so với năm 2021.
Dù vậy, Thủ tướng đánh giá ổn định kinh tế vĩ mô đối mặt với nhiều thách thức, sức ép lạm phát lớn, giá xăng, dầu, nguyên vật liệu đầu vào biến động mạnh.
Các thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản còn tiềm ẩn rủi ro; việc cơ cấu lại một số tổ chức tín dụng yếu kém còn nhiều khó khăn, hiệu quả chưa cao. Nợ xấu, nợ thuế có xu hướng tăng.
Nhận định tình hình thế giới năm 2023 có thể diễn biến nhanh, khó lường, Chính phủ dự báo tăng trưởng có xu hướng chậm lại; nguy cơ suy thoái kinh tế và rủi ro về tài chính, tiền tệ, nợ công, an ninh năng lượng, lương thực, thông tin gia tăng.
Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2023 khoảng 6,5%; chỉ số giá tiêu dùng tăng khoảng 4,5%; tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân 5-6%...
Về dự toán Ngân sách Nhà nước năm 2023, Chính phủ dự tính chi thêm khoảng 60.000 tỷ đồng để tăng lương cơ sở.
Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết trong năm 2023 sẽ chưa thực hiện cải cách tiền lương. Thay vào đó, lương cơ sở của cán bộ, công chức, viên chức sẽ tăng từ 1,49 triệu đồng/tháng lên mức 1,8 triệu đồng/tháng (khoảng 20,8%).
Mức lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội đối tượng do ngân sách Nhà nước đảm bảo cũng khoảng 12,5%; tăng chi trợ cấp ưu đãi người có công và tăng chi các chính sách an sinh xã hội đang gắn với lương cơ sở khoảng 20,8%. Thời điểm tăng lương từ 1/7/2023.
Thể hiện chính kiến về việc này trước phiên thảo luận chung về tình hình kinh tế - xã hội, nhiều đại biểu Quốc hội kiến nghị tăng lương cơ sở sớm từ 1/1/2023 thay vì thời điểm 1/7/2023 như dự kiến.