Các đại biểu Quốc hội dự kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XV. Ảnh: Hồng Phong. |
Sáng 24/10, kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XV bước vào tuần làm việc thứ hai.
Sau tuần làm việc đầu tiên với nội dung chủ yếu liên quan đến nghe các báo cáo liên quan đến kinh tế - xã hội, kiến nghị của cử tri và kiện toàn một số nhân sự thuộc Chính phủ, Kiểm toán Nhà nước, Quốc hội trong tuần này sẽ tập trung thảo luận, cho ý kiến một số dự án luật và nội dung quan trọng.
Những dự án luật sẽ được Quốc hội thảo luận tại tổ và hội trường trong tuần làm việc thứ hai gồm: Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi); Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi); Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi); Luật Thanh tra (sửa đổi); Luật Dầu khí (sửa đổi); Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi).
Cuối mỗi phiên thảo luận trên hội trường về các dự án luật, cơ quan trình và cơ quan chủ trì thẩm tra sẽ phối hợp giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.
Các đại biểu Quốc hội bỏ phiếu bầu, phê chuẩn bổ nhiệm một số chức danh của Kiểm toán Nhà nước, Bộ Y tế và Bộ GTVT hôm 21/10. Ảnh: Hồng Phong. |
Quốc hội cũng sẽ bàn thảo Dự thảo Nghị quyết về thời hiệu xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức, viên chức; dự thảo Nghị quyết về thí điểm cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số ôtô thông qua đấu giá; Dự thảo Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk.
Ngoài ra, Quốc hội dành thời gian thảo luận ở hội trường việc tổng kết thực hiện Nghị quyết số 54 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM. Thành viên Chính phủ sẽ phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu cuối phiên thảo luận về nội dung này.
Một nội dung quan trọng khác trong tuần làm việc thứ hai là Quốc hội sẽ dành 2 ngày (27-28/10) thảo luận trên hội trường về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022; dự kiến kế hoạch năm 2023; Tình hình thực hiện ngân sách Nhà nước năm 2022, dự toán ngân sách Nhà nước, kế hoạch đầu tư công vốn ngân sách Nhà nước, phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2023.
Nội dung này như thường lệ được phát thanh và truyền hình trực tiếp để cử tri và nhân dân cả nước theo dõi.
Để làm rõ những vấn đề đại biểu nêu, một số thành viên Chính phủ có trách nhiệm liên quan sẽ được yêu cầu giải trình trong mỗi phiên thảo luận.
Trình bày báo cáo của Chính phủ về tình hình kinh tế - xã hội tại phiên khai mạc Quốc hội hôm 20/10,Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết tăng trưởng GDP 9 tháng đạt 8,83%; ước cả năm đạt khoảng 8% - vượt mục tiêu đề ra (6-6,5%). Thu ngân sách 9 tháng đạt 94% dự toán, tăng 22% so với cùng kỳ; ước cả năm vượt 14,3% - tăng 2,9% so với năm 2021.
Dù vậy, Thủ tướng đánh giá ổn định kinh tế vĩ mô đối mặt với nhiều thách thức, sức ép lạm phát lớn, giá xăng, dầu, nguyên vật liệu đầu vào biến động mạnh.
Các thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản còn tiềm ẩn rủi ro; việc cơ cấu lại một số tổ chức tín dụng yếu kém còn nhiều khó khăn, hiệu quả chưa cao. Nợ xấu, nợ thuế có xu hướng tăng.
Nhận định tình hình thế giới năm 2023 có thể diễn biến nhanh, khó lường, Chính phủ dự báo tăng trưởng có xu hướng chậm lại; nguy cơ suy thoái kinh tế và rủi ro về tài chính, tiền tệ, nợ công, an ninh năng lượng, lương thực, thông tin gia tăng.
Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2023 khoảng 6,5%; chỉ số giá tiêu dùng tăng khoảng 4,5%; tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân 5-6%...