Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Bộ trưởng Y tế: ‘Nhiều bệnh viện đang trở thành con nợ’

"Nhiều năm gần đây, các bệnh viện bị nợ đọng do thanh toán theo tổng mức chưa đáp ứng yêu cầu. Vì thế, nhiều cơ sở y tế thực sự trở thành con nợ", Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan nói.

Chính sách cho cán bộ y tế, cơ chế tự chủ bệnh viện và những vướng mắc trong mua sắm thiết bị y tế, là một trong những vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm tại phiên thảo luận của Quốc hội, chiều 27/10.

Giải trình làm rõ ý kiến của đại biểu Quốc hội liên quan vấn đề trên, Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan nhấn mạnh thời điểm này ngành y tế đang gặp khó khăn hơn bao giờ hết.

10 bác sĩ và 3 điều dưỡng trên 10.000 dân

Liên quan vấn đề nợ đọng thanh toán bảo hiểm y tế (BHYT), bà Lan giải thích do vướng mắc liên quan triển khai Luật BHYT và Nghị định 146 còn những quy định chưa thống nhất.

“Nhiều năm gần đây, các bệnh viện, cơ sở y tế bị nợ đọng do việc thanh toán theo tổng mức chưa đáp ứng yêu cầu. Vì thế, nhiều cơ sở y tế thực sự trở thành con nợ. Do các chi phí khám chữa bệnh bỏ ra chưa được thanh toán nên việc triển khai khám chữa bệnh khó khăn, việc mua sắm đấu thầu cũng khó khăn vì nợ các nhà thầu chưa thanh toán được”, bà Lan nói.

Bo truong Y te anh 1

Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan trong phiên thảo luận về kinh tế - xã hội của Quốc hội chiều 27/10. Ảnh: Phạm Thắng.

Làm rõ vấn đề thiếu thuốc và vật tư y tế, Bộ trưởng Y tế phân tích 2 yếu tố quan trọng là việc đăng ký lưu hành kịp thời sản phẩm thuốc, trang thiết bị y tế và việc mua sắm, đấu thầu trang thiết bị y tế của các cơ sở y tế.

Với việc đăng ký sản phẩm thuốc và trang thiết bị y tế vừa qua, theo bà Lan, Bộ Y tế đã công bố danh mục trên 10.000 thuốc hết hiệu lực đăng ký lưu hành trong năm 2022 tiếp tục được cấp giấy lưu hành đến ngày 31/12.

“Vì thế, cơ bản đảm bảo được nguồn cung ứng thuốc trên thị trường của năm 2022, đáp ứng kịp thời thuốc phục vụ nhu cầu khám chữa bệnh của nhân dân và phòng chống dịch”, Bộ trưởng Y tế khẳng định.

Song, bà thừa nhận dù nguồn cung ứng đảm bảo, triển khai thực tiễn vướng mắc liên quan đấu thầu khiến trong một số thời điểm, một số cơ sở y tế thiếu thuốc cục bộ.

“Trong quá trình triển khai chúng tôi nhận thấy nhiều quy định đã rõ nhưng nhiều nơi còn lúng túng, Bộ đang tăng cường hướng dẫn và hỗ trợ các đơn vị tập trung đấu thầu”, bà Lan nói.

Về tình trạng thiếu hụt nguồn nhân lực y tế, tư lệnh ngành y tế cho biết không chỉ Việt Nam mà nhiều nước xảy ra tình trạng chuyển dịch làn sóng nguồn nhân lực từ khu vực công sang khu vực tư nhân.

Nữ Bộ trưởng phân tích làn sóng chuyển dịch của ngành y tế ở Việt nam có những điểm đặc biệt. Ví dụ, Việt Nam thuộc nhóm nước có tỷ lệ nhân viên y tế trên quy mô dân số ở mức thấp hơn so với tỷ lệ trung bình của thế giới.

Bà Lan dẫn số liệu cho biết hiện duy trì tỷ lệ 10 bác sĩ và 3 điều dưỡng trên 10.000 dân. Trong khi đó, tình hình nhân viên y tế công nghỉ việc chuyển sang công tác tại khu vực tư cũng tăng gần đây.

Qua quá trình triển khai thực hiện chính sách rà soát, đánh giá nhân viên y tế nghỉ việc, Bộ trưởng Y tế cho biết quy mô và phạm vi dịch chuyển diễn ra ở nhiều cấp, nhiều tuyến từ cấp y tế cơ sở, trạm y tế đến bệnh viện địa phương, Trung ương, trong đó có nhiều địa phương có số lao động lớn.

Bên cạnh đó, nhiều bệnh viện lớn xảy ra hiện tượng này.

Về giải pháp, lãnh đạo Bộ Y tế cho biết đã trình Chính phủ sửa đổi Nghị định 56 về hỗ trợ phụ cấp đối với nhân viên y tế cơ sở, y tế dự phòng và chính sách nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

Bệnh viện tự chủ gây áp lực lên người dân

Trong phiên thảo luận cùng ngày, nhiều đại biểu đặt vấn đề về những bất cập trong lộ trình tự chủ của các bệnh viện công lập.

Theo đại biểu Dương Minh Ánh (Hà Nội), nếu tính đúng, tính đủ thì mức phí và giá khám chữa bệnh sẽ ngày càng cao, trong khi lương và thu nhập người dân không tương xứng. Điều này gây áp lực lên người dân, đặc biệt những người có mức thu nhập thấp sẽ không đủ tiền để khám chữa bệnh ở bệnh viện công lập và cho con em theo học cao đẳng, đại học.

Vì vậy, bà đề nghị Chính phủ, Quốc hội đánh giá toàn diện các chính sách để khi triển khai lộ trình tự chủ vừa đảm bảo nhiệm vụ chi của đơn vị sự nghiệp công lập nhưng đồng thời phải tính đến cơ chế chính sách nhằm đảm bảo an sinh xã hội.

Bà Ánh đưa ra một số giải pháp như nâng cao tỷ lệ bao phủ BHYT và mở rộng hơn đối tượng được Nhà nước chi trả BHYT, đặc biệt là người dân có thu nhập thấp, vùng sâu vùng xa và vùng dân tộc thiểu số; giảm tỷ lệ lãi suất cho vay học phí đối với học sinh sinh viên…

Trong khi đó, đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (TP.HCM) nhắc lại thực trạng và kiến nghị về y tế cơ sở từng được bà đề cập trong bài phát biểu tại kỳ họp thứ 2 cách đây một năm, song đến nay, chưa thay đổi gì. Điển hình như tiền lương, phụ cấp cho cán bộ y tế vẫn chưa tăng.

Phân tích “3 chân kiềng” của ngành y tế gồm y tế cơ sở, y tế điều trị và cung ứng thiết bị, vật tư y tế, bà Lan lo ngại khi cả 3 đang lung lay.

“Anh em ngành y tế rất muốn làm nhưng lực bất tòng tâm, chúng ta có chính sách về xã hội hóa và tự chủ bệnh viện nhưng phải nói bệnh viện rất khó tự chủ”, theo bà Lan.

Về vấn đề cơ chế tự chủ và xã hội hóa của các bệnh viện, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị Bộ trưởng Y tế nghiên cứu thêm và thông tin lại trong các phiên thảo luận sau.

'3 chân kiềng' của ngành y tế đang lung lay

Phân tích “3 chân kiềng” của ngành y tế gồm y tế cơ sở, y tế điều trị và cung ứng thiết bị, vật tư y tế, đại biểu Phạm Khánh Phong Lan lo ngại khi cả 3 đang lung lay.

'Lương chưa tăng, giá cả đã nhanh chân chạy trước'

Trong điều kiện năm 2023 nếu phát triển tốt, đại biểu Nguyễn Huy Thái đề nghị cải cách tiền lương ngay, vì đây là vấn đề cấp thiết.

Hoài Thu - Mỹ Hà

Bạn có thể quan tâm