Xã hội hóa y tế và một số vấn đề vướng mắc trong thực tiễn của ngành y được đề cập khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi), sáng 21/9. Đây là dự thảo luật sẽ được Quốc hội xem xét cho ý kiến tại kỳ họp thứ 4 vào tháng 10 tới.
Làm rõ nội hàm xã hội hóa y tế
Về vấn đề xã hội hóa, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho rằng nên thiết kế nội hàm xã hội hóa thay vì bỏ khái niệm này như một số đề nghị trước đó. Ông khẳng định khối y tế tư nhân làm việc cũng rất hiệu quả, đội ngũ y tế cả công và tư đều có nhiều đóng góp cho xã hội.
Không coi việc đội ngũ y tế chạy từ khu vực công sang tư là chảy máu chất xám, ông Định lý giải do họ vẫn ở trong nước, nhân dân vẫn được hưởng dịch vụ.
“Đấy là do cơ chế chính sách, công sử dụng không tốt thì anh em chạy sang tư, vẫn đóng góp cho đất nước này chứ có chạy sang tây đâu mà sợ”, ông Định nêu quan điểm và đề nghị quyền Bộ trưởng Y tế dưới góc độ xuất phát từ người ngoài ngành, từ góc nhìn của nhà chính trị, góc nhìn của nhân dân để bổ sung thêm điểm gì cần đổi mới.
Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định. Ảnh: Phạm Thắng. |
Cũng đề cập nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh nhìn nhận bệnh viện công được thực hiện các dịch vụ có thu phí cũng là xã hội hóa.
“Khai thác tốt xã hội hóa sẽ góp phần giảm tải rất lớn trong công tác khám chữa bệnh của bệnh viện công, từ đó góp phần nâng cao chất lượng khám chữa bệnh”, ông Vinh nói.
Song, ông cũng lưu ý dù ở một số địa phương tự chủ bước đầu thành công, gần đây, đã xuất hiện sai phạm và nhiều yếu tố khác nên có xu hướng xin dừng triển khai.
Giải trình nội dung này, quyền Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan trước hết khẳng định tự chủ bệnh viện là chủ trương đúng và đã được triển khai khai thời gian qua. “việc này vừa góp phần nâng cao tinh thần trách nhiệm và năng lực khám chữa bệnh, vừa nâng cao năng lực đổi mới của các bệnh viện”, theo lời bà Lan.
“Tại sao thời gian qua có ý kiến của các đơn vị thực hiện tự chủ theo Nghị quyết 33 của Chính phủ?”, bà Lan đặt vấn đề.
Quyền Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan. Ảnh: Phạm Thắng. |
Ngay sau đó, bà lý giải Nghị quyết 33 của Chính phủ chỉ cho thí điểm trong 2 năm và sẽ chuyển đổi khi các pháp luật về tự chủ được quy định. Thời điểm này, chúng ta đã có Nghị định 60 quy định về vấn đề tự chủ cho nên vấn đề xin dừng tự chủ để chuyển sang thực hiện theo pháp luật là hoàn toàn phù hợp, vì đã được Chính phủ cho phép.
Liên quan đến vấn đề xã hội hóa, theo bà Lan, đây là chủ trương hoàn toàn đúng đắn vì nguồn lực Nhà nước dành cho lĩnh vực y tế chưa đáp ứng yêu cầu cầu của nhân dân
“Mặc dù xã hội hoá, y tế công lập vẫn là chủ yếu vì hiện nay, khoảng 95-98% vẫn thông qua hệ thống khám chữa bệnh của Nhà nước. Dù tự chủ, xã hội hóa, vai trò của Nhà nước trong đầu tư cho y tế vẫn là trọng tâm”, bà Lan nhấn mạnh.
Quyền Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan kỳ vọng các nội dung này nếu đưa vào luật sẽ giải quyết được vướng mắc trong thực tiễn mà ngành y tế đang gặp phải.
Bà cũng đề nghị thời điểm luật có hiệu lực là từ 1/1/2024.
Bác sĩ đang cầm dao mổ làm sao tự bảo vệ mình?
Trước thực tế về tình trạng xâm hại sức khỏe của cán bộ y tế, Phó chủ tịch Nguyễn Khắc Định nhấn mạnh cần cơ chế bảo vệ cán bộ y tế và phải có biện pháp thực hiện. Ngoài ra, ông góp ý cần một lực lượng bảo vệ, lực lượng chuyên trách làm việc này thay vì để các bác sĩ tự ứng phó.
“Không thể nói với bác sĩ rằng họ xúc phạm ông, ông có quyền đuổi ra ngoài, mà phải có lực lượng, có ngân sách cho việc này. Ví dụ, khi có báo động thì lực lượng chuyên môn vào can thiệp, chứ bác sĩ đang cầm dao mổ bị xông vào đấm, đá thì làm sao mà tự bảo vệ được mình”, Phó chủ tịch Quốc hội dẫn chứng.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng. Ảnh: Phạm Thắng. |
Đồng tình việc bổ sung quy định để đảm bảo an ninh trật tự tại cơ sở khám chữa bệnh, song Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng băn khoăn về biện pháp được thiết kế trong dự thảo luật.
Cụ thể, biện pháp cơ sở khám chữa bệnh có thể tịch thu phương tiện, tạm giữ người có hành vi hay có nguy cơ gây mất an ninh trật tự thì liệu phải xử lý hành chính hay không. Nếu đúng thì phải phù hợp với Luật Xử lý vi phạm hành chính. Trong khi đó, thẩm quyền xử lý theo luật không được giao cho giám đốc bệnh viện thì cần sửa luật cho đồng bộ.
Cho ý kiến vào nội dung khác, Chủ nhiệm Nguyễn Thúy Anh cho biết dự thảo Luật được chỉnh lý theo hướng giao thẩm quyền cấp, đình chỉ và thu hồi giấy phép hành nghề cho cơ quan quản lý Nhà nước, trong đó có cả Bộ trưởng Y tế và Bộ trưởng các Bộ Công an, Quốc phòng.
Tuy nhiên, một số ý kiến băn khoăn việc giao cho Bộ Công an cấp, đình chỉ, thu hồi giấy phép hành nghề với đối tượng thuộc thẩm quyền và đề nghị tiếp tục giao Bộ trưởng Y tế như hiện hành, nếu giao Bộ Công an thì cần quy định lộ trình.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng đặt vấn đề mối quan hệ về thẩm quyền giữa bộ trưởng các bộ trên như thế nào trong xử lý những vấn đề liên quan. "Phải chăng nên quy định thẩm quyền của Bộ Y tế cao hơn trong một số trường hợp vì liên quan đến sức khoẻ của nhân dân và người hành nghề chuyên môn", theo ông Tùng.