Làm việc với Quyền Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan chiều 25/8, đại diện Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) kiến nghị nhiều giải pháp "gỡ vướng" cho bệnh viện, giúp ngăn thiếu thuốc, thiết bị y tế, giảm tình trạng bác sĩ bỏ việc và tự chủ hiệu quả.
Bệnh viện tự chủ chứ không tận thu
Đặt vấn đề với Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy, bà Đào Hồng Lan mong muốn tìm giải pháp để bệnh viện vừa thực hiện tự chủ, tính đúng tính đủ giá khám chữa bệnh nhưng cũng giúp người dân không phải gánh nặng viện phí.
Phản hồi bà Lan, ông Nguyễn Tri Thức, Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy, nhìn nhận tự chủ tài chính không phải là lạm thu, tận thu từ người bệnh mà bệnh viện lấy vừa đủ tồn tại và tích lũy vừa phải để phát triển.
Ông Thức đề xuất Bộ Y tế cần xây dựng giá trần trong khám chữa bệnh, để không xảy ra tình trạng bệnh viện tự tính giá điều trị bệnh. Ông đưa ra ví dụ khi mua một thiết bị giá thấp, tưởng chừng là có lợi nhưng không đáp ứng yêu cầu điều trị sẽ không mang nhiều lợi ích. Thiết bị không đảm bảo chất lượng sẽ dễ khiến bệnh nhân nhiễm trùng, lâu khỏi bệnh, xuất viện.
“Nhìn nhận ở quy mô rộng hơn, người bệnh lâu xuất viện thì sẽ quay lại thị trường lao động muộn, tạo ra của cải cho xã hội ít. Như vậy chưa hẳn mua sắm thiết bị giá thấp đã tốt”, ông Thức nói.
Bác sĩ Nguyễn Tri Thức, Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy tại buổi làm việc chiều 25/8. Ảnh: Thanh Phúc. |
Trả lời câu hỏi của Quyền Bộ trưởng về tình hình làm việc của nhân viên y tế tại bệnh viện, bác sĩ Bùi Phú Quang, Chủ tịch Công đoàn Bệnh viện Chợ Rẫy, cho rằng đội ngũ y bác sĩ, nhân viên y tế tại bệnh viện luôn mong muốn gắn bó lâu dài với nghề, phục vụ người bệnh. Điều mong mỏi nhất lúc này là bệnh viện được trang bị kỹ thuật tốt để tăng chất lượng điều trị nhưng còn vướng mắc rất nhiều.
"80% thiết bị các khoa yêu cầu, bệnh viện vẫn chưa giải quyết được. Đây là vấn đề mà đội ngũ nhân viên y tế tại bệnh viện mong muốn sớm có cơ chế giải quyết. Y tế tư và y tế công vẫn cạnh tranh, dẫn đến 'mất người', bác sĩ Quang bày tỏ.
Còn bác sĩ Lê Quốc Hùng, Trưởng khoa Bệnh Nhiệt đới, nói rằng Chợ Rẫy là bệnh viện tuyến cuối nên nhận hệ quả từ khó khăn của cơ sở y tế các tỉnh. Thuốc men, vật tư bệnh viện chuẩn bị trước nhưng do bệnh nhân chuyển tuyến cao dẫn đến thuốc càng thiếu.
Ông Hùng dẫn chứng tình trạng dịch sốt xuất huyết gần đây, trong 6 tháng đầu năm bệnh viện tiếp nhận 650 ca bệnh nặng, trong khi trước đây chưa bao giờ viện cáng đáng số lượng bệnh nhân sốt xuất huyết đông như thế. Các khoa khác của bệnh viện cũng gặp tình trạng này, các bác sĩ cố gắng giải quyết nhưng e ngại quá tải sẽ ảnh hưởng chất lượng điều trị.
"Không chỉ tiền lương và chính sách, áp lực tâm lý khiến nhiều người nghỉ việc. Nếu dịch quay trở lại không biết có bao nhiêu nhân viên y tế làm việc", bác sĩ Hùng nói.
Xây dựng cẩm nang đấu thầu
Tại buổi làm việc, bác sĩ Nguyễn Tri Thức còn đề nghị bổ sung nhân viên chuyên sâu chuyên lo đấu thầu, mua sắm, chấp nhận hình thức máy mượn máy đặt để sử dụng hóa chất trúng thầu trong y tế.
Phản hồi ông Thức về những kiến nghị gửi đến Bộ Y tế trước đó, ông Hoàng Long, Phó vụ trưởng Kế hoạch Tài chính (Bộ Y tế). cho biết đã xem xét những kiến nghị này và có hướng xử lý.
Về đề nghị của bệnh viện mong bổ sung hướng dẫn xây dựng dự toán mua sắm thuốc lấy giá bình quân của năm trước liền kề hoặc bình quân báo giá, đại diện Bộ Y tế cho rằng đang áp dụng Thông tư 15 quy định cụ thể nguyên tắc đấu thầu, do đó các bên cần thực hiện theo. Ngoài ra, bệnh viện cần có công văn gửi Vụ và Cục Quản lý Dược với đề xuất sử dụng giá trung bình.
Quyền Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan tại buổi làm việc. Ảnh: Thanh Phúc. |
Ông Long ghi nhận đây là thực tế khó khăn cho các cơ sở y tế, trong đó có Bệnh viện Chợ Rẫy trong đấu thầu mua sắm thiết bị y tế. Quy định đấu thầu là những đơn vị nào đạt tiêu chuẩn kỹ thuật thì mới vào vòng giá, nhưng trên thực tế thì còn nhiều khó khăn.
Quyền Bộ trưởng Đào Hồng Lan thừa nhận trách nhiệm của Bộ Y tế khi để website mua sắm công và công khai kết quả đấu thầu hoạt động kém hiệu quả dẫn đến nhiều cơ sở y tế gặp khó khi đấu thầu. Đồng thời, bà yêu cầu các đơn vị thuộc Bộ Y tế phải sớm giải quyết bất cập này.
Bà Lan chia sẻ khó khăn với các cơ sở y tế khi "nhiều nơi cán bộ đấu thấu là bác sĩ, có chuyên môn chữa bệnh chứ không có nghiệp vụ đấu thầu". Người đứng đầu ngành y tế đề xuất lập nên cẩm nang đấu thấu chuẩn chỉnh để tháo gỡ khó khăn cho các địa phương.