Khoa học gia trưởng của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Soumya Swaminathan cảnh báo thế giới cần thêm thời gian để sản xuất và phân phối vaccine đủ để ngăn chặn sự lây lan của virus corona, South China Morning Post đưa tin.
"Chúng ta sẽ không đạt được miễn dịch cộng đồng ở bất cứ mức độ nào trong năm 2021", bà Swaminathan cảnh báo, nhấn mạnh cần tiếp tục thực thi các biện pháp giãn cách vật lý, rửa tay và đeo khẩu trang.
WHO cho rằng làn sóng dịch bệnh trên quy mô toàn cầu thời gian qua chủ yếu do "tiếp xúc giữa người và người gia tăng", không phải bởi các biến chủng virus mới được phát hiện.
Tổng thống Mỹ đắc cử Joe Biden được tiêm vaccine Covid-19. Ảnh: AP. |
Maria Van Kerkhove, chuyên gia của WHO về Covid-19, cho biết số ca nhiễm mới liên tiếp lập kỷ lục ở nhiều quốc gia trước khi các biến chủng mới được xác định. Bà Kerkhove lưu ý các ca nhiễm mới đã giảm mạnh trong mùa hè, nhiều quốc gia châu Âu ghi nhận số ca nhiễm mới trong ngày ở mức 1 chữ số.
"Chúng ta thua trong cuộc chiến bởi thay đổi thói quen tiếp xúc (giữa người với người) trong mùa hè, mùa thu và đặc biệt là khoảng thời gian Giáng sinh và năm mới. Điều này tác động trực tiếp tới số ca nhiễm tăng theo cấp số nhân tại nhiều nước", bà Kerkhove cho biết.
BioNTech, công ty Đức đồng phát triển vaccine Covid-19 với Pfizer, cho biết năng lực sản xuất vaccine toàn cầu có thể đạt 2 tỷ liều trong năm 2021.
Mặc dù vậy, BioNTech cảnh báo Covid-19 "nhiều khả năng trở thành một dịch bệnh đặc hữu", và các loại vaccine cần được điều chỉnh để bảo đảm khả năng đối phó khẩn cấp với các biến chủ virus mới. Đồng thời, cần cân nhắc tình huống "miễn dịch giảm dần hiệu quả tự nhiên".
Tới thời điểm hiện tại, thế giới đã ghi nhận hơn 90 triệu ca nhiễm virus corona, trong đó hơn 1,9 triệu người đã tử vong. Mỹ, Ấn Độ, Brazil và các nước châu Âu là những khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch bệnh.