Ngực thoi thóp và mi mắt rung rung, cậu bé Shaher 3 tuổi nằm im trên giường bệnh tại thị trấn Hajjah. Cơ thể chỉ còn da bọc xương gắng gượng thở từng hơi mệt nhọc.
Cha của cậu bé, ông Ali al-Hajaji, lo lắng đứng bên cạnh giường. Ba tuần trước, ông Hajaji đã mất một người con trai vì nạn đói hoành hành tại Yemen. Giờ đây ông sợ rằng người con thứ hai cũng sẽ ra đi như vậy.
“Tôi thậm chí không mua nổi một mẩu bánh mì cũ. Vì thế tôi phải chứng kiến những đứa con chết dần trước mắt mình”, ông nói với New York Times.
Cậu bé Shaher 3 tuổi bị suy dinh dưỡng cấp tính vì nạn đói ở Yemen. Ảnh: NYT. |
Vụ ám sát nhà báo Saudi Jamal Khashoggi đã khiến cộng đồng quốc tế đổ dồn sự chú ý vào các hoạt động của quốc gia Arab này, bao gồm việc can dự vào cuộc nội chiến thảm khốc tại Yemen. Saudi Arabia bị chỉ trích nặng nề vì các cuộc không kích nhằm vào đám cưới, lễ tang và xe bus trường học giết chết hàng nghìn người dân vô tội.
Giới quan sát cho rằng kẻ giết người thực sự đang hủy hoại Yemen chính là cuộc chiến của liên quân Saudi Arabia nhằm vào nền kinh tế. Tỷ lệ người chết vì đói nghèo cao hơn nhiều so với chết vì bom đạn, đẩy người dân Yemen vào thảm họa nhân đạo tồi tệ nhất lịch sử.
“Nhà tài trợ hào phóng”
Tại thị trấn của người tị nạn Hudaydah, trẻ sơ sinh thoi thóp trên ranh giới giữa sự sống và cái chết. Gần 2 triệu trẻ em Yemen bị suy dinh dưỡng và 400.000 trẻ bị bệnh nặng. “Chúng tôi đang bị quá tải”, bác sĩ Mekkia Mahdi của phòng khám Aslam nói với New York Times.
Mekkia di chuyển không ngừng nghỉ giữa các giường bệnh để kê đơn và phân phát sữa cho trẻ sơ sinh. Tuy nhiên đối với nhiều trẻ, thức ăn đã đến quá muộn: đêm hôm trước, một bé trai 11 tháng tuổi đã chết. Cậu bé chỉ nặng có 2,5 kg.
Đồng nghiệp của Mekkia, bác sĩ Mahdi, không thể lý giải được nỗi ám ảnh của phương Tây với vụ ám sát nhà báo Jamal Khashoggi: “Chúng tôi rất bất ngờ vì vụ nhà báo Saudi Arabia lại thu hút quá nhiều sự chú ý trong khi hàng triệu trẻ em Yemen đang phải vật lộn để sống sót. Không ai thèm quan tâm đến bọn trẻ”.
Cô kéo làn da nhợt nhạt của một bé gái lên và nói: “Hãy nhìn đi. Con bé không có thịt, chỉ toàn xương thôi”.
Nhiều trẻ em Yemen đang đứng giữa ranh giới sống chết vì cuộc nội chiến thảm khốc. Ảnh: Reuters. |
Dưới sự lãnh đạo của Thái tử Mohammed bin Salman, liên quân do Saudi dẫn đầu cùng đồng minh chính phủ Yemen đã áp đặt hàng loạt biện pháp trừng phạt kinh tế nhằm làm suy yếu phiến quân Houthi đang kiểm soát khu vực phía bắc.
Các chính sách, bao gồm phong tỏa định kỳ, thắt chặt nhập khẩu hàng hóa và chiếm giữ tiền lương của gần một triệu viên chức, đã trở thành gánh nặng trên lưng người dân, đẩy nền kinh tế vào suy thoái và hàng triệu người vào cảnh đói nghèo.
Trong những tuần gần đây, tốc độ suy thoái kinh tế đã đạt ngưỡng báo động khiến các quan chức Liên Hợp Quốc phải lên tiếng cảnh báo. Ngày 23/10, Phó tổng thư ký phụ trách các vấn đề nhân đạo của Liên Hợp Quốc Mark Lowcock nói mạng sống của nhiều người dân Yemen "đang bị đe dọa rõ ràng" bởi nạn đói.
8 triệu người phải phụ thuộc vào viện trợ lương thực khẩn cấp để sống sót, và con số này sẽ sớm tăng lên 14 triệu, tức một nửa dân số Yemen.
Suy thoái kinh tế diễn ra ở khắp mọi nơi với mọi tầng lớp. Các giáo sư đại học bị nợ lương tuyệt vọng kháng nghị trên mạng xã hội. Bác sĩ và giáo viên buộc phải bán vàng, đất đai hoặc xe hơi để nuôi sống gia đình.
Trên đường phố thủ đô Sana’a, Zahra Bajali, một người phụ nữ lớn tuổi, cầu xin bố thí từ người đi đường: “Cứu tôi, chồng tôi bị bệnh, tôi có nhà có thể cho thuê. Cứu với”.
Kể từ đầu tháng 6, các cuộc tấn công dữ dội tại thành phố cảng Hodeidah đã đe dọa việc nhập khẩu hàng hóa và lương thực viện trợ vào miền Bắc Yemen, khiến 570.000 người phải di tản và hàng trăm nghìn người khác lâm vào cảnh chết đói. Ông Lowcock cho biết Yemen có thể sẽ phải đối mặt với thảm họa "tồi tệ nhất mà bất cứ chuyên gia nào trong lĩnh vực này từng chứng kiến".
Bản đồ khu vực kiểm soát của các lực lượng tại Yemen. Nguồn: Aljazeera. |
Đại sứ quán Saudi Arabia tại Washington không phản hồi câu hỏi về chính sách của nước này tại Yemen. Tuy nhiên cho tới nay, quan chức Saudi Arabia vẫn lên tiếng bảo vệ hành động của mình, lập luận rằng phiến quân Houthi đã dùng tên lửa bắn phá dọc biên giới. Houthi là nhóm vũ trang phái Zaidi, một nhánh thuộc dòng Hồi giáo Shia mà vương quốc này coi là tay sai của Iran – kẻ thù của Saudi Arabia tại Trung Đông.
Vương quốc Arab vẫn cho rằng họ, cùng với các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), là những nhà tài trợ hào phóng nhất cho hoạt động nhân đạo tại Yemen. Năm ngoái, hai quốc gia đồng minh đã cam kết tài trợ 1 tỷ USD cho Yemen. Vào tháng 1, Saudi Arabia gửi 2 tỷ USD vào ngân hàng trung ương Yemen để trợ giá cho đồng tiền riyal của nước này.
Đòn tấn công chí mạng
Tuy nhiên, các đòn tấn công khác vào nền kinh tế Yemen đã làm lu mờ nỗ lực viện trợ. Sự kiểm soát chặt chẽ của Saudi Arabia đối với mọi hoạt động dù là nhỏ nhất khiến người dân Yemen như sống trong ngục tù.
Trước đây, dân làng Juberia, quê hương của cha con ông Hajaji, từng là lao động nhập cư tại Saudi Arabia. Họ bị ông chủ giàu có khinh thường nhưng ít nhất họ cũng có thu nhập. Ông Hajaji từng làm công nhân xây dựng ở ngoại ô Mecca, thành phố thiêng của đạo Hồi với hàng triệu người hành hương đến đây mỗi năm.
Khi cuộc nội chiến nổ ra, biên giới Yemen – Saudi Arabia bị đóng lại. Tuy Juberia không bị ảnh hưởng bởi bom đạn nhưng dân làng vẫn phải đối mặt với cái chết. Năm ngoái, một phụ nữ trẻ đã chết vì dịch tả, căn bệnh cướp đi mạng sống của 1,1 triệu người dân Yemen. Vào tháng 4, cuộc không kích của liên quân nhằm vào tiệc cưới đã giết chết 33 dân làng, trong đó có cả cô dâu.
Tuy nhiên với ông Hajaji, kinh tế suy thoái mới chính là đòn tấn công chí mạng. Ông nói đồng riyal đã sụt giá chỉ còn một nửa trong năm ngoái, khiến hàng hóa đắt gấp đôi so với thời điểm trước chiến tranh. Người dân ở những làng khác cũng phải bán tài sản, như lạc đà và đất đai, để có tiền mua thực phẩm.
Gia đình ông Hajaji lo sợ nạn đói sẽ cướp đi sinh mạng người con trai thứ hai. Ảnh: NYT. |
Ông Hajaji có 5 người con dưới 7 tuổi. Cả gia đình sống trong một căn phòng duy nhất với tường làm bằng bùn. Ông không có gì bán để đổi lấy lương thực. Lúc đầu, những người hàng xóm hào phóng còn có thể giúp đỡ. Về sau, ông buộc phải cắt giảm chế độ ăn của gia đình cho tới khi chỉ còn bánh mì, trà và lá cây.
Hậu quả là người con trai 4 tuổi Shaadi sớm ngã bệnh vì suy dinh dưỡng. Ông Hajaji muốn đưa con đến bệnh viện nhưng không thể vì giá nhiên liệu đã tăng gấp rưỡi so với trước. Một ngày cuối tháng 9, ông bước vào phòng và phát hiện Shaadi đã chết. Người đàn ông đau khổ hôn lên trán con trai và mang thi thể cậu bé đến nhà thờ.
Khi người con thứ 2 ngã bệnh, ông Hajaji quyết tâm phải làm gì đó khác. Ông đã vay 16 USD để đưa con tới một bệnh viện tồi tàn ở Hajjah. Ông nói: “Tất cả các nước lớn tuyên bố rằng họ đang chiến đấu lẫn nhau tại Yemen. Nhưng chúng tôi cảm thấy như họ đang chiến đấu chống lại người nghèo vậy”.
“Mọi người vẫn cho rằng nạn đói là do thiếu thức ăn. Nhưng ở Yemen, vấn đề nằm ở cuộc chiến nhằm vào nền kinh tế”, Alex de Waal, tác giả cuốn sách Mass Starvation, nói với New York Times.
Cuộc chiến kinh tế bao gồm nhiều phương thức khác nhau. Martha Mundy, giảng viên tại trường đại học Kinh tế London, đã phân tích các cuộc không kích của liên quân và tìm ra rằng: Việc nhằm vào nhà máy, cầu đường, thuyền đánh cá và thậm chí các cánh đồng là minh chứng rõ nét cho thấy liên quân muốn phá hoại hoạt động sản xuất lương thực, cũng như nguồn cung hàng hóa tại các khu vực do Houthi chiếm đóng.
Liên quân Saudi Arabia phá hủy hệ thống cầu đường tại Yemen nhằm chặn nguồn cung lương thực cho nhóm vũ trang Houthi. Ảnh: NYT. |
Năm 2016, chính phủ Yemen được Saudi Arabia ủng hộ đã chuyển giao hoạt động của ngân hàng trung ương từ thủ đô Sana’a, nơi phiến quân Houthi chiếm đóng, tới thành phố Aden thuộc miền Nam nước này. Quan chức Yemen cho biết Saudi Arabia đã chỉ thị ngân hàng in một lượng tiền giấy khổng lồ, khoảng 600 tỷ riyal (hơn 2 tỷ USD), gây ra lạm phát chóng mặt.
Ngân hàng cũng ngừng trả lương cho công chức tại các khu vực do Houthi kiểm soát, nơi 80% người Yemen sinh sống. Hàng trăm nghìn gia đình trong chớp mắt không có thu nhập.
Năm ngoái, bác sĩ Huda Rajumi của bệnh viện Sabeen, thủ đô Sana’a, nhận được duy nhất một tháng lương. Chồng cô, một quân binh giải ngũ, không có lương hưu. Cô phải tiết kiệm từng đồng mới có thể chu cấp cho gia đình. “Mọi người giúp nhau sống qua ngày, nhưng tình hình đang dần tệ hơn nhiều”, cô trả lời phỏng vấn với New York Times.
“Phải chấm dứt cuộc chiến”
Trái ngược với cảnh tượng nghèo đói ở phía bắc, một bộ phận người dân Yemen lại đang giàu lên trông thấy. Các lãnh đạo giàu có của phiến quân Houthi và người di cư Yemen từ Saudi Arabia trở về đã thúc đẩy giá bất động sản ở thủ đô Sana’a bùng nổ. Nhiều binh lính Houthi xuất thân nghèo đói giờ đây có thể lái ôtô Lexus trên phố, mang theo vệ sĩ đến mua sắm quần áo và nước hoa tại các cửa hàng sang trọng.
Nhân viên cứu trợ nói rằng tại các khu vực do phiến quân Houthi chiếm đóng, binh lính thường thu thuế bất hợp pháp và chuyển hàng hóa cứu trợ cho người nhà. Ông Lowcock chỉ ra rằng nhân viên của Liên Hợp Quốc phải đối mặt với hàng loạt trở ngại tại Yemen, bao gồm trì hoãn cấp thị thực, rút giấy phép lao động và can thiệp vào hoạt động viện trợ.
Vào tháng 9, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã hỗ trợ xây dựng cầu nối nhân đạo cho phép những bệnh nhân Yemen nguy kịch có thể bay đến Ai Cập chữa trị. Tuy nhiên sau đó, hàng chục ca bệnh nặng không thể được cứu chữa kịp thời vì chính phủ Yemen hoãn thực thi thỏa thuận vô thời hạn.
Cuộc chiến khốc liệt với sự can dự của Saudi Arabia tại Yemen cần phải chấm dứt. Ảnh: Atlantic. |
Lise Grande, điều phối viên nhân đạo Liên Hợp Quốc tại Yemen, nói với New York Times: “Nạn đói xảy ra vì người dân không có thu nhập. Biện pháp ngăn chặn vấn đề này là phải đảm bảo họ có đủ tiền để mua được hàng hóa thiết yếu”. Bà Grande cho rằng lúc này cần ưu tiên bình ổn giá đồng riyal và để các thương nhân cũng như doanh nghiệp vận tải có thể nhập khẩu lương thực cần thiết. Bà nói thêm: “Trên hết, phải chấm dứt cuộc chiến”.
Một tia hy vọng cho Yemen là sự chú ý của cộng đồng quốc tế xoay quanh vụ ám sát nhà báo Jamal Khashoggi có thể giúp hạ bệ vị thế của Thái tử Saudi Arabia Mohmmed bin Salman, buộc nhân vật này phải làm dịu lại cuộc chiến.
Peter Salisbury, chuyên gia về Yemen tại viện nghiên cứu Chatham House, Vương quốc Anh, cho rằng không thể chắc chắn được điều này. “Tôi nghĩ phía Saudi Arabia đã nhận ra rằng họ có thể sẽ không bị trừng phạt vì Yemen, bởi phương Tây có thể khoan dung cho những hành vi này. Bài học duy nhất có thể rút ra từ vụ ám sát nhà báo Jamal Khashoggi là sự miễn cưỡng của các bên trong việc kiềm chế Saudi Arabia”, ông nói với New York Times.