Không khí ô nhiễm là một loại "thuốc lá mới", Guardian dẫn cảnh báo của Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus. Ông Adhanom cho rằng riêng việc hít thở cũng đủ để khiến hơn 7 triệu người tử vong mỗi năm và gây ảnh hưởng đến hàng triệu người khác trên toàn cầu.
Theo nghiên cứu của WHO, hơn 95% dân số thế giới đang sống trong bầu không khí ô nhiễm. Các báo cáo cho thấy tình trạng ngày càng tác động sâu sắc đến sức khỏe con người, đặc biệt là trẻ em.
"Thế giới đã vượt qua giai đoạn nguy hiểm nhất của căn bệnh thuốc lá. Giờ chúng ta cần làm điều tương tự với 'thuốc lá mới', thứ không khí độc hại mà hàng tỷ người hít thở mỗi ngày", tiến sĩ Tedros cho biết. "Không một ai, giàu hay nghèo, có thể thoát khỏi ô nhiễm không khí. Đây là một tình trạng khẩn cấp thầm lặng".
Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cảnh báo không khí ô nhiễm là một loại "thuốc lá mới". Ảnh: Getty. |
Tuần tới, WHO lần đầu tiên tổ chức hội nghị quốc tế về ô nhiễm không khí tại Geneva, Thụy Sĩ. Theo dự kiến, các nước và thành phố tham dự hội nghị sẽ đưa ra cam kết cắt giảm ô nhiễm không khí.
Bà Maria Neira, Giám đốc phụ trách Môi trường và Sức khỏe Công cộng của WHO, khẳng định trẻ em là đối tượng chịu nhiều tác động nhất từ không khí độc hại, với hơn 300 triệu trẻ đang sống tại các khu vực có không khí ô nhiễm gấp 6 lần mức trung bình của thế giới.
"Chúng ta cần đặt câu hỏi rằng chúng ta đã làm gì với con cái của chúng ta, và câu trả lời vô cùng rõ ràng: chúng ta đang làm ô nhiễm tương lai của các em, và điều này vô cùng đáng lo ngại", bà Neira cảnh báo các chuyên gia nhi khoa về mối liên hệ giữa không khí ô nhiễm và các bệnh về đường hô hấp, cũng như ung thư và trí tuệ kém phát triển.
Trong khi đó, báo cáo mới nhất từ Viện nghiên cứu Tác động Sức khỏe (HEI, trụ sở tại Mỹ) cho thấy ô nhiễm không khí đã tước đi sinh mạng của hơn 6,1 triệu người mỗi năm, trong đó hơn 1,7 triệu nạn nhân là trẻ em dưới 5 tuổi.
Số người chết vì ô nhiễm không khí hiện đã cao hơn chết vì thuốc lá. Ảnh: AFP. |
Trên toàn cầu, ô nhiễm không khí gây ra nhiều cái chết hơn thuốc lá, với tỷ lệ người hút thuốc đang suy giảm. Tuy nhiên, giới nghiên cứu cho rằng các hậu quả gây ra bởi ô nhiễm không khí được nhiều người biết đến, ví dụ bệnh về tim và phổi, chỉ là "phần nổi của tảng băng chìm".
Trong khi Trung Quốc phần nào thành công trong nỗ lực hạn chế ô nhiễm không khí, tình trạng này tại Ấn Độ, Pakistan và Bangladesh lại gia tăng chóng mặt từ năm 2010. Tại các quốc gia trên, tác nhân gây ô nhiễm không khí không chỉ đến từ khu công nghiệp mà còn từ việc đốt than củi để nấu ăn và sưởi ấm tại các hộ gia đình.