Ngày 21/5, HLV Lee Tae-hoon cùng bác sĩ Choi Ju-young đến tận PVF để thăm Xuân Trường. Cầu thủ sinh năm 1995 ôm chầm bác sĩ Choi và kính cẩn cúi đầu chào HLV Hàn Quốc. Cuộc gặp gỡ của những người HAGL tạo ra khung cảnh khá trầm bởi thời điểm đó đội bóng phố núi đang thất thế ở V.League. Họ cần Xuân Trường trở lại, khi đó, anh đang ở giai đoạn cuối của quá trình hồi phục chấn thương.
Một tuần sau trận thua Nam Định ở Cúp quốc gia, HAGL đón Xuân Trường về đại bản doanh. Đúng một tháng sau, HLV Lee Tae-hoon mới cho anh thi đấu. Thành tích của đội bóng phố núi ít nhiều đi lên cùng sự xuất hiện của Xuân Trường. Trận thắng Quảng Nam ở vòng 10 vừa qua là trận bất bại thứ 4 liên tiếp của HAGL từ ngày số 6 trở lại V.League.
Xuân Trường đang dần tái xuất trên lộ trình nhào nặn của HLV Lee Tae-hoon. Ảnh: Duy Anh. |
Hành trang trước đó của Xuân Trường là vỏn vẹn 37 giây xuất hiện trên sân Lạch Tray trước CLB Hải Phòng, 15 phút thi đấu trước CLB Đà Nẵng khi HAGL đã thua toàn diện, 45 phút đầu trận gặp đội mới lên hạng Hà Tĩnh và 90 phút ở trận hòa 1-1 trước Bình Dương dù HAGL chơi áp đảo. Xa hơn nữa là chuỗi ngày tập chay tưởng chừng như có thể bóp nghẹt cảm giác chơi bóng của bất cứ cầu thủ chuyên nghiệp nào.
Xuân Trường không nằm trong số đó. Năm trận đấu có sự góp mặt của anh, HAGL thắng 2, hòa 2 và đều ghi bàn trước đối thủ. Xuân Trường là một phần trong thành tích khởi sắc đó. Tiền vệ sinh năm 1995 không cho thấy sự chậm chạp dù nghỉ thi đấu gần 9 tháng. Anh vẫn lên bóng nhịp nhàng, di chuyển nhanh nhẹn và giúp đội nhà luôn duy trì thế tấn công. Tuy nhiên, Xuân Trường chưa hoàn hảo. Anh chưa thể trở lại với phiên bản tốt nhất của chính mình.
Còn nhớ cách đây gần một năm, Nguyễn Tuấn Anh cũng gặp nhiều khó khăn khi mới tái xuất. Những trận đầu vào sân, anh được HLV Lee Tae-hoon chỉ đạo chơi điềm tĩnh, chắc chắn ở phần sân nhà, thay vì dâng cao để tạo ra những tình huống đột phá. Ông Lee không sai. Khu vực quanh 16,5 m là nơi nguy hiểm nhất đối với đôi chân của cậu học trò. Với Xuân Trường, lần này cũng vậy.
Lần đầu tái xuất ở trận gặp Đà Nẵng, tiền vệ sinh năm 1995 chưa tự tin tung ra những đường chuyền dài sở trường mà chủ yếu chuyền ở cự li ngắn, an toàn. Những tình huống phối hợp giữa anh và đồng đội chưa có tính sát thương cao, chưa kể điểm yếu tranh chấp và thể lực. Không thể đòi hỏi nhiều ở cầu thủ mới trở lại sau chấn thương, ông Lee Tae-hoon hiểu rằng Xuân Trường mới chỉ đang đi những bước đầu trên hành trình trở lại.
Tuấn Anh đã trình diện HLV Park Hang-seo dưới hình hài một cầu thủ chơi thiên về phòng ngự. Xuân Trường hoàn toàn có thể "tiến hóa" thành một phiên bản hoàn hảo hơn. Ảnh: Duy Anh. |
"Xuân Trường là tiền vệ rất quan trọng với HAGL, nhưng tôi không thể vội vàng với cậu ấy. Trường đã hồi phục rất tốt, nhưng cậu ấy cần thời gian để trở lại như xưa", HLV Lee Tae-hoon nói với Zing.
HLV Lee đã thành công khi biến Tuấn Anh trở thành một phiên bản khác mang xu hướng phòng ngự nhiều hơn. Cho tới trước khi được HLV Park Hang-seo triệu tập lên tuyển dự King’s Cup 2019, Tuấn Anh đã là cầu thủ có chỉ số phòng ngự thuộc dạng tốt ở V.League. Để nhào nặn ra một Tuấn Anh mới mẻ, cứng cáp như thế, ông Lee cần thời gian để thử nghiệm. Ông đang làm điều đó với Xuân Trường bằng những yêu cầu đầu tiên về mặt chiến thuật.
Có tới 4 trong số 6 bàn thắng ghi được gần nhất của HAGL, Xuân Trường không dâng cao quá sát khu vực 16m50, thay vào đó, anh được yêu cầu lùi sâu về phần sân nhà, nhường đất tấn công cho Tuấn Anh và các đồng đội.
Ba lần đá chính cùng nhau, cặp Xuân Trường - Tuấn Anh đang gợi lại những hoài niệm tuyệt đẹp trong quá khứ. HAGL luôn có bằn thắng với công thức: Tuấn Anh dâng cao chơi phóng khoáng còn, Xuân Trường đá thấp hơn để điều tiết lối chơi và phát động tấn công bằng những đường chuyền dài.
90 phút trước đó ở trận đấu với Bình Dương chứng kiến ít nhất 6 tình huống chuyền dài chuẩn xác của Xuân Trường. Trong số đó có 4 lần tiền vệ sinh năm 1995 đặt đồng đội vào thế thuận lợi để ghi bàn. Nếu Chevaughn Walsh biến những cơ hội trong vòng cấm ấy thành những bàn thắng, Xuân Trường có thể đã được tôn vinh.
Có Xuân Trường trên sân, HAGL chơi đơn giản hơn nhiều. Thay vì ban bật rườm rà, họ triển khai lên bóng bằng những đường chuyền vượt tuyến từ phần sân nhà lên cho trung phong cắm.
Đá cùng Xuân Trường, Tuấn Anh như được giải phóng với những pha dâng cao gây sức ép lên khu vực phòng ngự của đối thủ. HLV Lee Tae-hoon cần Xuân Trường vì lẽ đó. Ông muốn tăng số phương án tiếp cận khung thành đối phương, đồng thời giảm thiểu nguy cơ mất bóng khi đội nhà triển khai từ sân nhà, vốn là yếu điểm của HAGL kể từ đầu mùa.
HLV Lee Tae-hoon cần Xuân Trường để giải phóng cho Tuấn Anh. Ảnh: Linh Hùng. |
Việc HAGL bổ sung tiền đạo Anh Đức phần nào cũng là để phục vụ cho chiến thuật đó. Ông Lee Tae-hoon không muốn đặt cược toàn bộ cơ hội ghi bàn cho một ngoại binh phong độ trồi sụt như Chevaughn Walsh. Có Anh Đức, các cầu thủ trẻ ở HAGL có một đầu tàu đủ tin cậy hơn để lĩnh xướng hàng công.
Nói như BLV Quang Huy, Anh Đức về là để giúp HAGL tối ưu vai trò của cặp Tuấn Anh - Xuân Trường. “Anh Đức vốn rất hiểu các cầu thủ HAGL do họ là đồng đội của nhau ở tuyển quốc gia. Anh Đức đá trung phong cắm trong sơ đồ 4-1-4-1 sẽ tối ưu cặp Tuấn Anh - Xuân Trường ở giữa sân, vì bên dưới họ luôn có một tiền vệ trụ chất lượng”.
Những chiến lược gia Hàn Quốc đang cho thấy họ rất có duyên trong công cuộc hồi sinh những thần tượng. HLV Chung Hae-seong đang làm rất tốt với Công Phượng và Tiến Dũng. HLV Lee Tae-hoon thành công với Tuấn Anh, ông hoàn toàn có thể làm điều tương tự với Xuân Trường.
Những hoài nghi về một Xuân Trường trong hình hài phiên bản mới, phần còn lại của V.League 2020 sẽ là câu trả lời.