Ở mùa trước, V.League có CLB TP.HCM là đội duy nhất đủ sức ngáng đường CLB Hà Nội tới chức vô địch. HLV Chung Hae-seong cùng các học trò đã thách thức CLB Hà Nội tới tận giữa giai đoạn lượt về, nhưng việc thua thiệt về lực lượng khiến họ bị hụt hơi và để đối thủ bứt phá tự do trong phần còn lại của giải.
Công thức vô địch của CLB Hà Nội 2 mùa gần đây rất đơn giản. Họ tận dụng tối đa khả năng săn bàn của các ngoại binh nhờ lối chơi phối hợp nhuần nhuyễn của hàng tiền vệ, nơi có sự góp mặt của dàn tuyển thủ Việt Nam lừng lẫy. Bởi vậy nên ngay cả khi hàng thủ chơi không tốt, họ có hàng công bù đắp lại để đội vẫn có thể giành những chiến thắng quan trọng.
Công thức ấy của CLB Hà Nội nay đã không còn phù hợp ở V.League. Họ trung thành với lối đá tấn công trên thế kiểm soát bóng, trong khi cơn ác mộng chấn thương lấy đi của HLV Chu Đình Nghiêm gần như một đội hình từ hàng hậu vệ tới tiền vệ rồi tiền đạo.
Sự sa sút của CLB Hà Nội là điều dễ hiểu khi đội bóng thủ đô phụ thuộc quá nhiều vào Quang Hải. Ảnh: Việt Hùng. |
CLB Hà Nội sa sút
Nguyễn Quang Hải, người hùng từng nhiều lần tỏa sáng giúp CLB Hà Nội vượt khó ở mùa giải trước, đã có dấu hiệu quá tải. Sức khỏe không tốt khiến Quả bóng bạc Việt Nam 2019 không còn những khoảnh khắc lóe sáng làm nên bước ngoặt cho đội nhà dù anh góp mặt 7 trong 9 trận mùa này.
Khi người hâm mộ cần bàn thắng nhất, "vua phá lưới" Oseni cũng không còn ở đó để ghi bàn. Duy Mạnh, Đình Trọng chấn thương, những gương mặt trẻ chưa đủ kinh nghiệm để giúp CLB Hà Nội tránh khỏi những bàn thua không đáng có.
Hàng công không có “Tây” xịn để săn bàn liên tục, hàng thủ cũng không còn những trung vệ chắc chắn, CLB Hà Nội không thể chơi ở thế cửa trên với những đội bóng vốn thuộc tầm trung ở V.League. Trong 9 trận đã đấu, CLB Hà Nội có 6 trận không thể thắng trước các đội bóng: SLNA, Sài Gòn, Quảng Ninh, Hà Tĩnh, Viettel hay Đà Nẵng.
Những khán giả sân Hàng Đẫy không lạ lẫm gì khung cảnh bầu Hiển nhiều lần rời ghế VIP xuống tận cabin chỉ đạo để động viên HLV Chu Đình Nghiêm sau mỗi trận đấu. Không phải vấn đề tài chính, tư duy chiến thuật cũ từng làm nên thành công cho CLB Hà Nội mới là nguyên nhân khiến vị thế của họ đang bị thách thức trong thời kỳ mới ở V.League, nơi họ không lường trước bất ngờ mang tên CLB Sài Gòn.
Sự trỗi dậy của CLB TP.HCM và CLB Sài Gòn
Giai đoạn 1 của V.League 2020 đang tôn vinh những đội bóng phía nam trong lần giải đấu chuyên nghiệp cấp cao nhất của bóng đá Việt Nam đổi sang thể thức mới.
Những đại diện đó là CLB Sài Gòn, CLB TP.HCM và CLB Bình Dương. Họ là 3 trong 4 cái tên đang dẫn đầu bảng xếp hạng V.League sau 9 vòng đấu. Đó là những đội sở hữu hàng phòng ngự chắc chắn nhất (thua tối đa 11 bàn) bên cạnh hàng công mạnh nhất (ghi tối thiểu 12 bàn) sau 9 trận. CLB TP.HCM không còn đơn độc khi phía nam có nhiều hơn một đại diện sẵn sàng lật đổ tham vọng vô địch của CLB Hà Nội.
CLB TP.HCM mùa này hội tụ đủ những yếu tố để thành công. Họ có HLV giỏi, những cầu thủ có khả năng giải quyết trận đấu và chiến lược đúng đắn được hoạch định từ lâu. Ảnh: Quang Thịnh. |
Bình luận viên Vũ Quang Huy chia sẻ với Zing: "V.League 2020 đang hình thành 2 thái cực, một là các đội miền nam đang xếp ở nửa đầu, hai là nhiều đội miền bắc đang chật vật ở nửa sau. Kết quả này không có gì lạ bởi những đội bóng phía nam đã chuẩn bị và đầu tư bài bản trong một thời gian dài rồi. Sự trỗi dậy của các đội này khiến cho V.League trở nên vô cùng hấp dẫn".
Những đội đứng đầu bảng xếp hạng đang tôn vinh xu thế mới ở V.League, đó là phòng ngự. SLNA suýt thành công với ý đồ này khi liên tục bất bại trong 5 vòng đầu tiên.
HLV kiêm Chủ tịch Vũ Tiến Thành của CLB Sài Gòn bảo: “Sau trận thắng CLB Đà Nẵng từ vòng 2, tôi xác định đội bóng phải chơi phòng ngự. Với lịch thi đấu và thể thức khắc nghiệt như vậy, muốn có điểm thì phải phòng ngự. Chúng tôi đá thực dụng không có gì xấu. Đá đẹp mà thua, trong khi chơi thực dụng và có chiến thắng thì bạn nói tôi phải chọn cái nào?”.
Ông Thành không sai khi cho rằng bóng đá là môn khoa học. Những điểm số mà CLB Sài Gòn mang về đều dựa trên những tính toán bài bản, có chủ đích. Trong 5 chiến thắng, họ có 4 lần thắng trên sân khách và chỉ để thua 3 bàn.
Những chiến lược gia lão làng ở V.League bị thách thức bởi sự xuất hiện của những HLV quái chiêu như Vũ Tiến Thành của CLB Sài Gòn. Ảnh: Duy Anh. |
Xếp ngay sau CLB Sài Gòn về thành tích phòng ngự là TP.HCM. Thầy trò HLV Chung Hae-seong chỉ để thua 7 bàn (bằng Bình Dương), nhưng ghi 16 bàn, nhiều nhất V.League lúc này. Con số trên đây là hợp lý khi so với mùa trước, năng lực tấn công của CLB TP.HCM mùa này được nâng lên tầm cao mới nhờ sự bổ sung những trọng pháo mang tên Công Phượng, Xuân Nam và Huy Toàn.
Nếu tính cả tiền đạo ngoại Amido Balde, CLB TP.HCM có tới 8 cầu thủ khác nhau ghi bàn sau 9 vòng đấu. 8 cầu thủ đến từ 3 tuyến đóng góp vào 16 bàn thắng, đây là con số thống kê ấn tượng nhất trong 4 đội dẫn đầu bảng xếp hạng. Nếu như mùa giải trước, ông Chung không có đủ nhân sự phục vụ cho chiến thuật phòng ngự phản công thì lần này mọi chuyện đã khác.
Nói như chiến lược gia người Hàn Quốc, CLB TP.HCM luôn quyết tâm để đạt thứ hạng tốt nhất, điều mà họ từng thất bại ở mùa bóng 2019. Nhà vô địch 2 mùa trước đang suy yếu, trong khi V.League 2020 đang thức tỉnh những thế lực mới và những chiến lược gia tài ba mới. HLV Chu Đình Nghiêm không chỉ phải đấu trí với ông Chung Hae-seong mà còn phải so tài với HLV Vũ Tiến Thành. CLB Hà Nội gặp thách thức trong việc bảo vệ ngôi vương khỏi rơi vào tay không chỉ CLB TP.HCM mà còn là CLB Sài Gòn.
Lần này, CLB TP.HCM và HLV Chung Hae-seong không đơn độc trong hành trình lật đổ CLB Hà Nội.