Bản hợp đồng với tiền đạo Nguyễn Anh Đức của HAGL vừa quen, lại vừa lạ. Anh Đức từng thi đấu ăn ý với Nguyễn Văn Toàn, Lương Xuân Trường hay Nguyễn Phong Hồng Duy trong màu áo tuyển Việt Nam. Những bước chạy của cầu thủ HAGL, Anh Đức không còn lạ lẫm.
Tuy nhiên, HAGL không có thói quen mang về một chân sút luống tuổi. Công thức tấn công của HAGL trong 5 năm qua là nội binh “của nhà trồng được” kết hợp với ngoại binh. Thuyết phục Anh Đức về phố Núi, HAGL đã làm điều chưa từng có kể từ lứa Công Phượng hồi năm 2015.
Hàng công HAGL mới 1 lần ghi bàn sau phút 60 trong các trận đấu mùa giải này. Văn Toàn, Minh Vương (số 8) thường chơi rất xa hàng công nên kém hiệu quả trong khâu phá lưới đối thủ. Ảnh: Minh Chiến. |
Hàng công HAGL gặp vấn đề gì?
Với 9 bàn sau 9 vòng, HAGL chỉ ghi bàn nhiều hơn 4 đội khác ở V.League, nhưng đó không phải vấn đề chính. 4 bàn sau 4 trận sân nhà mang về cho HAGL 10 điểm, tức là cứ mỗi bàn thắng, thầy trò HLV Lee Tae-hoon lại có 2,5 điểm ở Pleiku. Đây là hàng công hiệu quả nhất trên sân nhà tính đến lúc này.
Vị trí thứ 6 trên bảng xếp hạng với 13 điểm cho thấy không cần ghi quá nhiều bàn, HAGL cũng có thể sở hữu thứ hạng tốt. Thống kê ở V.League 2019 đã chứng minh chỉ cần ghi trung bình 1,2 đến 1,5 bàn/trận, các đội có thể đứng ở nửa trên. Đây là vị trí đủ để gia nhập nhóm tranh ngôi vô địch lượt về.
Tuy nhiên, nói như vậy không có nghĩa rằng HAGL không có vấn đề.
Chỉ 3 trong 9 bàn của HAGL được ghi sau giờ nghỉ giữa hai hiệp, chiếm 33,3%. Đội bóng phố Núi cũng mới ghi 1 bàn sau phút 90, với pha lập công của Nguyễn Văn Anh ở trận hòa 3-3 trước CLB Viettel. 4 bàn gần nhất của HAGL đều được thực hiện trong hiệp một. Đây cũng là hiệp đấu mà Nguyễn Tuấn Anh cùng đồng đội thường dồn ép đối thủ. Sức tấn công của HAGL giống quả bóng bị thủng. Sang hiệp 2, hiệu quả và năng lực của các tiền đạo giảm dần đều.
Vấn đề của HAGL, bên cạnh khả năng dứt điểm thiếu nhạy bén của Chevaughn Walsh, còn là việc đội bóng của HLV Lee Tae-hoon lùi đội hình quá sâu, khiến những Minh Vương, Văn Toàn phải thi đấu xa khung thành. Bàn thắng vào lưới Bình Dương của Văn Toàn là ví dụ, khi tiền đạo gốc Hải Dương phải bứt tốc từ biên, độc diễn trong vòng cấm để lập công. Một bàn thắng đẹp, nhưng không phải lúc nào cũng thực hiện được.
Những cầu thủ nhạy bén như Minh Vương, Văn Toàn bị kéo ra xa khung thành đối phương, buộc phải di chuyển quãng đường rất dài để tiếp cận vòng cấm. HAGL trước và sau phút 60 thường là hai đội bóng... không liên quan gì đến nhau.
Ngoại binh Walsh (áo đỏ) của HAGL có xu hướng “tự làm, tự ăn”. Ảnh: Minh Chiến. |
Anh Đức sẽ mang lại điều gì?
Muốn tấn công hiệu quả, HAGL phải gây sức ép thường trực lên cầu môn đối thủ, điều gần như bất khả thi khi Văn Toàn, Minh Vương hay Walsh đều hoạt động rất rộng. HAGL không có mẫu tiền đạo đón lõng trong vòng cấm để neo trung vệ đối thủ ở lại phần sân nhà, tạo không gian cho các vệ tinh còn lại thoải mái di chuyển. Đó là tố chất Anh Đức có thừa.
Ở tuổi 35, Anh Đức vẫn là tiền đạo nội chất lượng, tỏa sáng ở đội tuyển nhờ lối chơi rất thông minh. Lão tướng của Bình Dương ít khi mất sức ở những pha đua tốc, va chạm. Anh Đức thường đứng sẵn trong hoặc ngoài rìa vòng cấm và kết thúc đường chuyền của đồng đội bằng một cú sút, hoặc nhả bóng cho đồng đội ở vị trí thuận lợi hơn.
Anh Đức cũng thuộc mẫu “mắc võng” trước khung thành đối thủ và rất nhạy bén ở khâu chọn vị trí dứt điểm. Tân binh của HAGL giống như thứ rượu vang đắt đỏ, càng ủ lâu càng ngon. Cách chơi dựa trên khả năng chớp thời cơ của Anh Đức cũng cần thời gian để tích lũy kinh nghiệm, nên càng cuối sự nghiệp, anh càng thi đấu hiệu quả.
Phẩm chất giá trị nhất của Anh Đức là khả năng làm tường. Nhiều năm qua, HAGL luôn thiếu những “chim mồi” trong vòng cấm để nhả bóng cho Văn Toàn hay Châu Ngọc Quang xử lý. Ngoại binh Walsh của HAGL hiện tại không tồi, nhưng tiền đạo này có xu hướng “tự làm tự ăn” hơn là phối hợp với các vệ tinh xung quanh. Nếu được dồn bóng, Walsh sẽ nguy hiểm, song HAGL không thể đá kiểu một người. Đội bóng của Lee Tae-hoon cần chất bôi trơn kết dính cả hệ thống rời rạc dù có nhiều chi tiết hay.
Ở phía bên kia sườn dốc sự nghiệp, Anh Đức vẫn rất giàu khát vọng. “Mỗi hành trình và hoàn cảnh đều khác nhau, nhưng có một điều trước giờ Đức luôn mang theo mình, đó là đừng bao giờ dừng lại khi mình vẫn có thể bước tiếp. Hàng ngày, như các bạn đã biết thì Đức vẫn kiên trì tập luyện bởi lẽ tình yêu dành cho trái bóng, dành cho sân cỏ nó đã ăn sâu vào máu mình rồi. Và mọi nỗ lực, cố gắng của Đức cũng đã giúp mình được trở lại sân cỏ. Một bến đỗ mới, một khởi đầu mới. Chưa bao giờ là muộn nếu như bản thân mình luôn biết cố gắng”, anh chia sẻ trên trang cá nhân.
Khoảnh khắc Anh Đức ăn mừng bàn thắng vào lưới Thái Lan sau đường chuyền của Xuân Trường ở King’s Cup 2019. Ảnh: Minh Chiến. |
Màn trình diễn tại AFF Cup hay ASIAD 2018 là minh chứng cho sự cầu thị của Anh Đức. Thi đấu với những đàn em kém hơn chục tuổi, Anh Đức vẫn thay đổi để hòa hợp. Đó là phẩm chất HLV Park Hang-seo trân quý nhất ở Anh Đức, để rồi lựa chọn đưa anh đi ASIAD với suất quá tuổi dù tiền đạo kỳ cựu này cũng mới trở lại tuyển Việt Nam sau nhiều năm.
Kể cả không đá chính, Anh Đức vẫn có thể sắm vai dự bị chiến lược, vào sân trong nửa đầu hoặc nửa sau trận đấu. Đang rất thiếu lựa chọn tấn công với băng ghế dự bị nghèo nàn, HLV Lee Tae-hoon sẽ rất vui vì có Anh Đức. Hình ảnh Xuân Trường treo bóng cho Anh Đức đánh đầu tung lưới Thái Lan ở King’s Cup 2019 vừa được cổ động viên nhắc đến khi cầu thủ này về HAGL. Đó là dấu hiệu của hy vọng.
Như “cây trường sinh” trẻ mãi không già, đẳng cấp và khát khao của Anh Đức sẽ là ngọn hải đăng soi đường chỉ lối cho những tài năng trẻ đang chật vật tìm lối đi sau nhiều năm trầy trật ở V.League.
“HAGL nhiều khả năng sẽ vẫn trung thành với sơ đồ một trung phong cắm. Tùy từng thời điểm, họ sẽ dùng Anh Đức hay Walsh. Khó có khả năng 2 tiền đạo này cùng xuất hiện trên sân. Chúng ta đều biết Xuân Trường mới trở lại, HLV trưởng có ý đồ dùng cả 2 tiền vệ này rất rõ ràng, nên ông ấy cần thêm một tiền vệ trụ. Bản thân Anh Đức tỏ ra lợi hại khi chơi với vai trò làm tường trong sơ đồ 4-5-1 hoặc 4-1-4-1”, BLV Quang Huy chia sẻ.