Sau 9 vòng V.League, 4 đội đã quyết định thay “tướng” là CLB Sài Gòn, Nam Định, Thanh Hóa và Quảng Nam. Hầu hết trong số này đều đổi vận. Nhiều đội V.League thể hiện bộ mặt sáng sủa hơn hẳn sau khi thay HLV, nhưng đó có phải giải pháp hiệu quả lâu dài?
HLV Nguyễn Thành Công (áo trắng) giúp Thanh Hóa kiếm 10 điểm sau 4 trận, vươn một mạch lên vị trí giữa bảng trước khi thua liền 2 trận ở vòng 8 và 9. Ảnh: Minh Chiến. |
Thay tướng đổi vận
Vòng 2 V.League chứng kiến cú sốc đầu tiên trên băng ghế chỉ đạo. HLV Hoàng Văn Phúc bất ngờ từ chức HLV trưởng CLB Sài Gòn. Ở trận ra quân, CLB Sài Gòn hòa SLNA 0-0, tỷ số không tệ để ông phải chọn phương án ra đi. Xích mích giữa ông Phúc và ban lãnh đạo CLB Sài Gòn vẫn chưa được các bên làm rõ. Sau đó, Chủ tịch Vũ Tiến Thành ngồi vào “ghế nóng” và giúp CLB Sài Gòn thăng tiến ngoạn mục.
7 trận dưới thời ông Thành, CLB Sài Gòn thắng 4, hòa 3, đánh bại cả đương kim vô địch CLB Hà Nội và đương kim á quân CLB TP.HCM để xếp đầu bảng. 16 điểm sau 7 trận là thành tích ấn tượng, dù CLB Sài Gòn vẫn những con người đó, bản thân ông Thành cũng không có nhiều thời gian chuẩn bị về chuyên môn.
Sau CLB Sài Gòn, đến lượt Thanh Hóa chuyển đổi nhân sự trên ghế huấn luyện. HLV Fabio Lopez bị “trảm” sau chuỗi 3 trận toàn thua. HLV Nguyễn Thành Công về, giúp Thanh Hóa bất bại liền 4 trận. Cũng giống HLV Tiến Thành, HLV Thành Công không có thời gian chuẩn bị chuyên môn và lập tức tạo dấu ấn. Thanh Hóa đá với tinh thần hứng khởi, khác hẳn vẻ ủ rũ khi HLV Lopez còn nắm quyền.
Nam Định thắng đội nhì bảng SLNA khi trợ lý HLV Phạm Hồng Phú tiếp nhận vị trí HLV trưởng, còn Quảng Nam cũng vượt qua SLNA ở trận đầu ông Đào Quang Hùng ra mắt. Các HLV mới ở V.League đều ra mắt bằng một chiến thắng, hoặc ít nhất là không thua.
Trước đó, ở V.League 2016, Hà Nội T&T (tiền thân của CLB Hà Nội) xếp cuối bảng với 3 trận hòa, 1 trận thua đầu mùa. Khi ông Chu Đình Nghiêm thay thế HLV Phạm Minh Đức, đội bóng này thắng 16 trong 22 trận còn lại để vô địch ngoạn mục. HLV Lee Tae-hoon khi mới nhận đội thay ông Dương Minh Ninh cũng giúp HAGL bất bại 5 trận, vươn lên giữa bảng. HLV Nguyễn Hải Biên khi thế chỗ Lee Heung-sil đã đưa CLB Viettel lên giữa bảng.
Mùa trước, HLV Vũ Hồng Việt đưa Quảng Nam từ vị trí áp chót lên tới thứ ba, vào chung kết Cúp quốc gia 2019.
HLV Vũ Hồng Việt phải ra đi ở vòng 7 khi Quảng Nam xếp cuối bảng. Trợ lý Đào Quang Hùng lập tức giúp đội nhà có chiến thắng. Ảnh: Minh Chiến. |
Không phải giải pháp lâu dài
“Thay tướng đổi vận” là chuyện thường thấy ở nhiều nền bóng đá trên thế giới. Ngoại hạng Anh, giải đấu hấp dẫn nhất châu Âu, đã chứng kiến những người đóng thế đi vào lịch sử như Sam Allardyce hay Roberto di Matteo. Tuy nhiên, không phải cứ thay HLV là xử lý được mọi vấn đề của đội bóng.
Nhiều đội ở V.League đang lạm dụng việc thay tướng mỗi khi thành tích có vấn đề. Khi đội bóng bắt đầu đi chệch hướng, thay vì tạo điều kiện cho HLV hiện tại, các ông chủ thường có xu hướng hành động để mang về kết quả tức thời. Trong thời gian ngắn hạn sau đấy, các CLB thường đạt được thành công do tâm lý hưng phấn. Nhưng nếu việc thay tướng không giải quyết được những vấn đề căn bản ở đội bóng, khi sự mới mẻ qua đi, mọi thứ sẽ trở về điểm xuất phát.
Quảng Nam là một ví dụ. Sau khi HLV Hồng Việt giúp đội bóng xứ Quảng thăng hoa, họ đã phải sớm về với mặt đất, hiện nguyên hình là đội bóng trung bình yếu.
Trong khi đó, Thanh Hóa của HLV Thành Công vừa thua trận thứ 2 liên tiếp. Giữa trận, bầu Đệ một lần nữa chạy xuống sân bàn chuyện với ban huấn luyện CLB, hành động cho thấy ông đang mất kiên nhẫn.
Ông Chu Đình Nghiêm (phải) kế thừa tốt nền tảng do HLV Phan Thanh Hùng để lại cho CLB Hà Nội. Ảnh: Minh Chiến. |
Trao đổi với Zing, chuyên gia Vũ Mạnh Hải cho rằng: “Về chuyên môn, chưa chắc HLV mới đã hơn HLV cũ vì họ cũng mới về, quan trọng là sự thay đổi về tinh thần nơi cầu thủ. Chiến lược gia mới có động lực mới, giúp cầu thủ cố gắng hơn, chứ chuyên môn thì không nhiều. Chính các HLV mới nhưng làm lâu cũng có thể sa vào lối mòn, lặp đi lặp lại khiến cầu thủ không cải thiện trình độ, lối chơi không tốt lên nên bị đối phương bắt bài”.
Các đội bóng từng vô địch V.League đều phải có chiến lược gia giỏi và tạo điều kiện cho HLV thời gian xây dựng lối chơi. Nền tảng HLV Vũ Tiến Thành có ở CLB Sài Gòn được người tiền nhiệm Đức Thắng đắp móng trong 3 năm. HLV Chu Đình Nghiêm phát huy tốt lối chơi mà Phan Thanh Hùng để lại ở Hà Nội suốt chục năm qua. Đà Nẵng vô địch V.League với dấu ấn Lê Huỳnh Đức, người cũng có hơn chục năm gắn bó với sông Hàn.
Các HLV Huỳnh Đức, Thanh Hùng hay Đình Nghiêm đều đã có thời gian xây dựng “đế chế” riêng, thay vì chỉ xuất hiện với tư cách người chữa cháy.
Đội bóng thành công cần một HLV giỏi, nhưng họ còn cần cả thời gian nữa.