Theo CNN, châu Âu đã đề xuất lệnh cấm đối với dầu mỏ của Nga. Nhưng khối này vẫn chưa sử dụng vũ khí mạnh nhất của họ. Đó là trừng phạt khí đốt tự nhiên của Nga.
Tháng trước, châu Âu lần đầu nhắm vào nguồn dự trữ năng lượng khổng lồ của Nga, khi tuyên bố sẽ loại bỏ dần lượng than nhập khẩu của Nga - trị giá khoảng 8 tỷ EUR (8,4 tỷ USD) mỗi năm - vào tháng 8.
Nhưng đến nay, các lệnh trừng phạt vẫn không ảnh hưởng đến khí đốt tự nhiên xuất khẩu của Nga. Theo Rystad Energy, loại hàng hóa này có thể đem về khoảng 80 tỷ USD doanh thu thuế cho Moscow trong năm nay.
Đó sẽ là thách thức lớn với châu Âu. Khối này nhập khẩu 45% lượng khí đốt tự nhiên từ Nga vào năm ngoái, lớn hơn nhiều so với dầu. Nhưng lệnh cấm vận khí đốt có thể giáng đòn mạnh vào nền kinh tế Nga và giảm đáng kể nguồn thu ngân sách của chính quyền Tổng thống Vladimir Putin.
Châu Âu vừa đề xuất lệnh cấm đối với dầu mỏ nhập khẩu từ Nga. Ảnh: Reuters. |
Đòn trừng phạt mạnh tay
Châu Âu là khách hàng mua nhiều khí đốt của Nga nhất, phần lớn được chuyển theo đường ống, vốn mất nhiều năm để xây dựng. Điều đó sẽ khiến Nga khó chuyển nguồn cung cấp sang các nước khác nếu EU dừng nhập khẩu.
"Đơn giản là Nga không có cơ sở hạ tầng để chuyển hướng sang châu Á", nhà phân tích Kateryna Filippenko tại Wood Mackenzie nói với CNN.
Tháng trước, Thủ tướng Litva Ingrida Šimonytė thông báo nước này sẽ là quốc gia đầu tiên cắt đứt quan hệ với khí "độc hại" của Nga.
Nhưng phần còn lại của châu Âu khó có thể làm theo, ít nhất là trong thời gian tới. Tuy nhiên, khối này đang cố gắng giảm lượng khí đốt tiêu thụ và dừng phụ thuộc vào năm 2027.
Nếu lệnh cấm vận hoàn toàn được đưa ra, chúng ta sẽ có nguy cơ đối mặt với cuộc suy thoái trong khu vực đồng EUR
Ông Holger Schmieding, nhà kinh tế trưởng tại Ngân hàng Berenberg
Ông Holger Schmieding - nhà kinh tế trưởng tại Ngân hàng Berenberg - nhận định những mục tiêu đó là "khó khăn nhưng có thể thực hiện được". Tuy nhiên, ông không cho rằng châu Âu sẽ sớm áp dụng các đòn trừng phạt đối với khí đốt.
"Nếu lệnh cấm vận hoàn toàn được đưa ra, chúng ta sẽ có nguy cơ đối mặt với cuộc suy thoái trong khu vực đồng EUR", ông cảnh báo.
Mức độ phụ thuộc vào khí đốt Nga của từng thành viên EU không giống nhau. Đức mua từ Nga tới 46% lượng khí đốt tự nhiên tiêu thụ trong năm 2020, còn tỷ lệ của Italy là 41%.
Do đó, các nhà phân tích tại S&P Global Commodity Insights cho rằng EU sẽ không đưa ra lệnh trừng phạt đối với khí đốt tự nhiên của Nga trong năm nay. Nhưng ở chiều ngược lại, Nga có thể dừng bán khí đốt cho châu Âu.
Hôm 27/4, hãng khí đốt quốc doanh Nga Gazprom tuyên bố dừng bán khí đốt tự nhiên cho Bulgaria và Ba Lan sau khi các nước này từ chối yêu cầu thanh toán bằng đồng RUB, thay vì EUR.
Ít khả năng Moscow sẽ cắt giảm thêm. Nhưng động thái của nước này đã khiến những quốc gia phụ thuộc vào nguồn cung khí đốt từ Nga bối rối.
Theo ông Kaushal Ramesh - nhà phân tích cấp cao tại Rystad Energy, các lệnh trừng phạt nhắm vào khí đốt tự nhiên của Nga sẽ tạo ra "vết thương kinh tế mới cho thế giới". Nhưng ông cũng cảnh báo về khả năng Nga đơn phương chặn dòng chảy khí đốt.
"Tình trạng bất ổn sẽ kéo dài", ông nói thêm.
Nguy cơ suy thoái
Những cơ sở lưu trữ khí đốt của EU hiện chỉ được lấp đầy khoảng 32%, thấp hơn nhiều so với mục tiêu 80% mà khối đặt ra cho các nước thành viên vào tháng 11.
Châu Âu đang gấp rút đa dạng hóa các nguồn năng lượng nhằm ngăn chặn thảm họa. Theo Rystad Energy, nhập khẩu khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) đạt mức cao nhất trong 5 năm vào tháng 4 và dòng khí đốt từ Na Uy tăng 17% so với tuần trước.
Theo dữ liệu của Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA), Đức là khách hàng lớn nhất của khí đốt Nga. Nền kinh tế lớn nhất châu Âu đã giảm tỷ lệ nhập khẩu khí đốt từ Nga từ 55% trước xung đột xuống còn 40%. Nhưng Berlin cho biết vẫn cần tiếp tục mua từ Moscow trong vài tháng tới để tránh suy thoái.
"Chúng tôi hiểu rằng chúng tôi đang phụ thuộc vào khí đốt tự nhiên của Nga. Đó là một thực tế. Chúng tôi cần thời gian để giảm phụ thuộc", ông Christian Lindner - Bộ trưởng Tài chính Đức - nói với CNN.
Lệnh cấm vận khí đốt Nga sẽ gây ra tác hại nghiêm trọng cho ngành sản xuất sử dụng nhiều năng lượng của Đức. Theo phân tích của 5 viện kinh tế hàng đầu đất nước, khoảng 550.000 việc làm và 6,5% sản lượng kinh tế hàng năm có thể mất đi trong năm nay và năm sau.
Đức là khách hàng lớn nhất của khí đốt tự nhiên từ Nga. Ảnh: Reuters. |
Ngay cả việc loại bỏ dần khí đốt từ Nga cũng sẽ gây ra tác động không nhỏ. Kể từ khi Nga đổ quân vào Ukraine, lo ngại về nguồn cung khan hiếm đã khiến giá khí đốt tự nhiên tăng vọt, đẩy lạm phát giá sản xuất tại Đức lên hơn 30% trong tháng 3, mức cao nhất trong vòng 73 năm.
Giá sản xuất tăng cao cũng ảnh hưởng đến lạm phát giá tiêu dùng. Vào tháng 3, Bộ Kinh tế Đức cho biết đã tăng cường nhập khẩu LNG và đẩy nhanh xây dựng các bến cảng LNG.
Theo cơ quan này, cùng với những nỗ lực khác nhằm đa dạng hóa và tiết kiệm năng lượng, Đức có thể giảm tỷ lệ tiêu thụ khí đốt Nga xuống còn 10% vào năm 2024.
Theo EIA, Nga là nhà xuất khẩu khí đốt tự nhiên lớn nhất thế giới. 74% lượng hàng hóa được chuyển sang châu Âu.
Bất chấp việc các nước giảm nhập khẩu, giá năng lượng tăng vọt giúp Nga hưởng lợi. Theo báo cáo của Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng và Không khí sạch, EU đã nhập khẩu 44 tỷ EUR (tương đương 47 tỷ USD) nhiên liệu hóa thạch của Nga trong 2 tháng đầu tiên kể từ khi Nga đổ quân vào Ukraine, gấp 2 lần cùng kỳ năm ngoái.