Theo CNN, Liên minh châu Âu (EU) vừa đề xuất cấm hoàn toàn dầu nhập khẩu từ Nga vào cuối năm nay và loại bỏ ngân hàng lớn nhất đất nước - Sberbank - khỏi hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT.
Nhưng kế hoạch này đã vấp phải sự phản đối của các nước thành viên EU, bao gồm Hungary. Những quốc gia này muốn kéo dài thời gian để tìm nguồn cung thay thế trước khi cấm hoàn toàn dầu Nga.
"Chúng ta và các công ty dầu mỏ của chúng ta hiểu rõ rằng cần ít nhất 3-5 năm", ông Zoltan Kovacs - người phát ngôn của Thủ tướng Hungary Viktor Orban - nói với CNN.
Ủy ban châu Âu vừa đề xuất cấm hoàn toàn dầu nhập khẩu từ Nga vào cuối năm nay, bao gồm qua đường biển và ống dẫn, dầu thô và dầu tinh chế của Nga. Ảnh: Reuters. |
Cần nhiều thời gian hơn
Trong cuộc họp báo hôm 5/4, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen thừa nhận rằng việc loại bỏ dầu Nga "sẽ không dễ dàng". Các đề xuất vẫn còn phải chờ tất cả 27 nước thành viên thông qua.
"Một số quốc gia thành viên rất phụ thuộc vào dầu Nga. Nhưng chúng tôi vẫn phải nỗ lực giải quyết vấn đề này. Đây sẽ là lệnh cấm nhập khẩu hoàn toàn đối với mọi loại dầu mỏ của Nga", bà Ursula von der Leyen tuyên bố.
Thông tin về đề xuất cấm vận của EU đã đẩy giá dầu thế giới tăng mạnh. Theo dữ liệu của Trading Economics hôm 5/5 (theo giờ Việt Nam), giá dầu Brent tăng 1,05% so với 24 giờ trước đó lên 111,19 USD/thùng, còn giá dầu WTI tăng 0,67% đạt 108,570 USD/thùng.
Kể từ đầu năm đến nay, giá dầu tăng khoảng 40% do lo ngại rằng xung đột Nga - Ukraine sẽ gây ra cú sốc nguồn cung, thúc đẩy lạm phát và đè nặng lên các nền kinh tế châu Âu.
Các nước EU đồng ý loại bỏ dần lượng than nhập khẩu từ Nga, nhưng khối này vẫn khó đạt được đồng thuận về lệnh cấm vận dầu mỏ dù đã có nhiều tuần đàm phán.
Chúng ta và các công ty dầu mỏ của chúng ta hiểu rõ rằng cần ít nhất 3-5 năm (để loại bỏ hoàn toàn dầu nhập khẩu từ Nga)
Ông Zoltan Kovacs - người phát ngôn của Thủ tướng Hungary Viktor Orban
Hungary cho biết nước này không thể ủng hộ đề xuất ở thời điểm hiện tại vì vấn đề an ninh năng lượng quốc gia. Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), vào năm 2021, gần 60% lượng dầu nhập khẩu của Hungary đến từ Nga.
Theo Reuters, Slovakia - nước nhập khẩu 92% dầu từ Nga vào năm ngoái - và Cộng hòa Séc cũng muốn kéo dài thời gian hơn so với kế hoạch của EU. Còn Bulgaria cho rằng nếu Ủy ban châu Âu cân nhắc các trường hợp miễn trừ, nước này sẽ tận dụng điều đó.
Nga là nước xuất khẩu dầu thô lớn thứ 2 thế giới. Năm ngoái, nguồn cung từ Nga chiếm khoảng 27% lượng dầu nhập khẩu của EU. Mỹ, Canada, Anh và Australia đã cấm nhập khẩu dầu Nga.
Để giảm phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch của Nga, châu Âu gấp rút đẩy mạnh dòng khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) và tăng cường sản xuất từ các nguồn tái tạo vào năm 2030.
Nhưng theo giới quan sát, kế hoạch giảm phụ thuộc vào năng lượng Nga của châu Âu sẽ phải kéo dài và tốn kém. Bởi cuộc chiến ở Ukraine khiến các vật liệu như thép, đồng và nhôm trở nên khan hiếm, đắt đỏ.
Chặn nguồn thu từ dầu
Trên thực tế, những hạn chế nhắm vào các ngân hàng, tổ chức tài chính và giới nhà giàu Nga cũng tạo ra lệnh cấm ngầm đối với ngành công nghiệp năng lượng nước này. Theo dữ liệu của Bloomberg, lượng dầu thô được chuyển từ Nga tới Tây Bắc Âu mỗi ngày đã giảm mạnh, dù vẫn ở mức cao.
Một số nước châu Á tăng cường mua dầu Nga với giá rẻ. Nhưng khối lượng đó không đủ để bù đắp thiệt hại từ các khách hàng phương Tây.
Mới đây, IEA ước tính rằng nguồn cung dầu của Nga sẽ giảm 1,5 triệu thùng/ngày trong tháng 4 do nhu cầu sụt giảm. Mức giảm có thể lên tới 3 triệu thùng/ngày trong tháng này.
Nhưng giá dầu và khí đốt tự nhiên trên toàn cầu tăng cao đồng nghĩa với việc Moscow tiếp tục kiếm lời lớn từ xuất khẩu năng lượng. Rystad Energy ước tính Nga sẽ thu được hơn 180 tỷ USD tiền thuế năng lượng trong năm nay - tăng 45% so với năm 2021 - bất chấp việc cắt giảm sản lượng dầu.
Thu thuế năng lượng của Nga được dự báo đạt 180 tỷ USD trong năm nay - tăng 45% so với năm 2021. Ảnh: Reuters. |
Các nước phương Tây tiếp tục tìm những biện pháp khác để ngăn Tổng thống Nga Vladimir Putin bơm tiền cho cuộc chiến. Bà Von der Leyen cho biết EU đang đề xuất loại bỏ Sberbank và 2 nhà băng lớn khác của Nga khỏi hệ thống SWIFT.
Hiệp hội Viễn thông Tài chính Liên ngân hàng Toàn cầu (có trụ sở tại Bỉ) phải tuân theo các quy định của EU. Nga cũng không có giải pháp thay thế nào được chấp nhận trên toàn cầu.
"Chúng tôi nhắm vào những ngân hàng quan trọng về mặt hệ thống đối với hệ thống tài chính Nga, và khả năng châm ngòi hủy hoại của Putin", bà nói thêm.
3 đài truyền hình nhà nước lớn của Nga cũng sẽ bị cấm phát sóng trên sóng của châu Âu.