Năm 2004, dự án khu đô thị mới Bắc đại lộ Lê Lợi được UBND tỉnh Thanh Hóa chấp thuận chủ trương đầu tư cho Công ty TNHH Xây dựng và sản xuất vật liệu xây dựng Bình Minh đầu tư, theo hình thức đổi đất lấy hạ tầng.
Nhà dột nát không được sửa
Tổng diện tích quy hoạch của khu đô thị mới là hơn 47 ha, số hộ bị ảnh hưởng là 445 hộ (292 hộ đất nông nghiệp, 84 hộ có đất thổ cư, 69 hộ có mồ mả).
Từ khi được phê duyệt, đến nay, hàng chục hộ dân nằm trong vùng dự án vẫn chưa được di dời, đang phải sống trong cảnh tạm bợ trong những ngôi nhà xuống cấp.
86 hộ dân suốt 20 năm qua phải sống tạm bợ do dự án kéo dài. Ảnh: Lê Dương. |
Bà Nguyễn Thị Vị (SN 1944), ở số nhà 66/149 Nguyễn Tĩnh, phố Quang Trung, phường Đông Hương, cho biết nhà bà có tổng diện tích 750 m2 đất thổ cư, đã sinh sống qua nhiều thế hệ.
Chồng bà là ông Lê Trạc Thới (84 tuổi) đi chiến trường bị nhiễm chất độc da cam, hiện tại bị điếc. Con gái bà là Lê Thị Hà (SN 1976) cũng bị ảnh hưởng của chất độc da cam, thần kinh không ổn định.
Suốt 20 năm qua, khi có dự án khu đô thị mới Bắc đại lộ Lê Lợi cũng là lúc ngôi nhà cấp 4 của gia đình bà Vị ngày càng xuống cấp, xập xệ vì không được sửa chữa.
“Nhà tôi đã hư hỏng lắm rồi, cứ mưa xuống là phải lấy chậu, xoong, nồi ra hứng nước. Chưa kể sân, vườn nước ứ đọng như ao. Quanh nhà lúc nào cũng trong tình trạng ẩm ướt, hôi hám”, bà Vị chia sẻ.
Ngôi nhà của gia đình bà Vị ẩm thấp, xuống cấp. Ảnh: Lê Dương. |
Cũng theo bà Vị, con gái bà đang phải ở trong một căn phòng chừng 5 m2 ẩm thấp. Thương con, mới đây ông bà lên phường xin sửa chữa nhà nhưng không được.
Cách nhà bà Vị không xa là nhà ông Lê Công Thanh (65 tuổi). Ngôi nhà cũng bị dột nát, không thể ở được nên ông phải lợp lại bằng mái fibro xi măng, mùa hè nóng như đổ lửa.
“Sống giữa trung tâm khu đô thị sầm uất, hàng chục hộ dân chúng tôi bị lọt thỏm bên trong chẳng khác gì khu ổ chuột. Đường vào vẫn là đường đất, lắt léo, cỏ dại mọc um tùm.
Những ngôi nhà này đã xuống cấp nghiêm trọng nhưng không được tu sửa, khiến chúng tôi sống trong cảnh nơm nớp chỉ lo nhà sập. Chỉ mong sao dự án sớm di dời các hộ đến khu tái định cư để ổn định cuộc sống”, ông Thanh phản ánh.
Gia đình ông Thanh cùng chung cảnh như nhà bà Vị, nhà xuống cấp dột nát không được sửa chữa. Ảnh: Lê Dương. |
'Sống mòn' trên đất vàng dự án
Ngồi bần thần bên hiên nhà, bà Đỗ Thị Tơ (SN 1957) kể nhà bà có hơn 1.000 m2 đất, suốt 20 năm qua gia đình bà vẫn chưa được làm sổ đỏ hay di dời tái định cư, khiến cuộc sống rất khó khăn.
Nhà bà có 4 người con (3 trai, 1 gái), tất cả đều đã lập gia đình, ra ở riêng. Mỗi người được cắt một phần đất để ở. Do không được cấp sổ đỏ, các con của bà muốn cầm cố nhà đất vay ngân hàng để phát triển kinh tế cũng không thể.
“Trước đây, chúng tôi cũng chỉ được thông báo là nằm trong vùng dự án và phải di dời. Nhiều năm qua, chồng tôi đã nhiều lần lên phường hỏi về việc tái định cư nhưng không có câu trả lời. Nếu không tái định cư được thì phải làm sổ đỏ để chúng tôi ổn định cuộc sống, nhưng chờ mãi không được. Chồng tôi đã qua đời 2 năm, không biết bao giờ chúng tôi mới có nơi ở mới", bà Tơ nghẹn ngào.
Ông Nguyễn Xuân Hòa - Bí thư Chi bộ, Trưởng ban công tác mặt trận tổ dân phố Quang Trung, cho hay nhiều năm qua, trong số các hộ dân mòn mỏi chờ tái định cư, có 5 người do tuổi cao "đã không thể đợi tiếp".
“Có những ngôi nhà đã tồn tại từ khi tôi còn trẻ. Nhiều gia đình hoàn cảnh khó khăn, nhà cửa xuống cấp trầm trọng. Có những người đã đi gần hết cuộc đời ở đây, trong tay chưa từng một lần được cầm tờ giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Nguyện vọng của các hộ dân là sớm được di dời, tái định cư, nếu không thì phải làm sổ đỏ cho họ để ổn định cuộc sống”, ông Hòa kiến nghị.
Theo ông Lê Văn Lục, Chủ tịch UBND phường Đông Hương, với các hộ dân trong vùng quy hoạch, lãnh đạo phường cũng rất trăn trở. UBND tỉnh và TP Thanh Hóa đang chỉ đạo để sớm thực hiện dự án tái định cư cho các hộ dân.
Hầu hết nhà nằm trong khu dự án đều đã xuống cấp, hư hỏng. Ảnh: Lê Dương. |
“Về việc cấp sổ đỏ, theo quy định là không thể thực hiện do đang trong thời gian triển khai quy hoạch. Phường đang phối hợp với thành phố tập trung giải quyết cho người dân trong thời gian sớm nhất để họ ổn định cuộc sống”, ông Lục thông tin.
Lãnh đạo TP Thanh Hóa cho biết có 86 hộ dân đang sinh sống tại tổ dân phố Quang Trung, phường Đông Hương bị ảnh hưởng bởi dự án. Các hộ này là khu dân cư cũ, có nguồn gốc hình thành thửa đất từ những năm 1980.
“Hiện nhà ở và các công trình phục vụ đời sống nhân dân đã xuống cấp. Hệ thống thoát nước thải, nước mưa có cao độ thấp hơn so với các khu vực xung quanh đã đầu tư hạ tầng theo quy hoạch.
Việc kéo dài thời gian thực hiện dự án khu đô thị mới Bắc đại lộ Lê Lợi gây ảnh hưởng lớn đến đời sống, sinh hoạt của người dân. Thành phố đã báo cáo UBND tỉnh xem xét, chỉ đạo”, một lãnh đạo TP Thanh Hóa chia sẻ.