Quân đội Myanmar hôm 5/2 yêu cầu các nhà cung cấp dịch vụ mạng di động và Internet nước này chặn truy cập vào Twitter và Instagram cho tới khi "có thông báo tiếp theo", Reuters đưa tin.
Trươc đó, chính quyền quân sự cũng chặn truy cập vào Facebook cho tới ngày 7/2. Nền tảng mạng xã hội này có hơn 28 triệu người Myanmar sử dụng.
Bộ Truyền thông và Công nghệ thông tin Myanmar cho biết nhà chức trách cấm Facebook để bảo đảm "ổn định" của đất nước.
Cảnh sát vũ trang chặn một tuyến đường ở thủ đô Naypyidaw. Ảnh: AFP. |
Người phát ngôn của Twitter và Facebook phản đối việc chính quyền quân sự chặn truy cập của người sử dụng đối với hai nền tảng mạng xã hội này.
Trong khi đó, công ty cung cấp dịch vụ mạng viễn thông Telenor hoạt động ở Myanmar cho biết "quan ngại sâu sắc" trước yêu cầu chặn các dịch vụ Internet.
Sau khi Facebook bị chặn hôm 4/2, hàng nghìn người Myanmar chuyển sang sử dụng Twitter và Instagram để thể hiện sự phản đối vụ chính biến do quân đội tiến hành hôm 1/2. Quân đội đã lật đổ chính quyền dân sự và bắt giữ bà Aung San Suu Kyi cùng nhiều lãnh đạo cao cấp đảng Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ (NLD).
Nhiều người sử dụng mạng xã hội kêu gọi biểu tình hòa bình cho tới khi quân đội tôn trọng kết quả cuộc bầu cử tháng 11/2020.
Quân đội Myanmar trước đó cáo buộc có gian lận trong cuộc tổng tuyển cử diễn ra vào tháng 11/2020 với kết quả chiến thắng áp đảo thuộc về đảng Liên minh Quốc gia vì Dân chủ (NLD) của bà Suu Kyi.
Tuy nhiên, Ủy ban bầu cử quốc gia nói cuộc bầu cử diễn ra công bằng, không có sự cố lớn có thể dẫn đến sai lệch kết quả bỏ phiếu.
Sau khi nắm quyền kiểm soát đất nước, chính quyền quân sự đã bổ nhiệm người vào các vị trí mới trong chính phủ; đồng thời cam kết sẽ tổ chức bầu cử lại vào năm 2022.