Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Sau iPhone 16, Indonesia cấm điện thoại Google

Ngày 1/11, chính phủ Indonesia vừa ban hành lệnh cấm bán điện thoại Google Pixel. Lý do là tập đoàn mẹ Alphabet chưa đáp ứng các yêu cầu nội địa hoá của nước này.

Việc buôn bán Google Pixel ở Indonesia là bất hợp pháp. Ảnh: Bloomberg.

Báo nội địa Kontan dẫn lời phát ngôn viên Bộ Công nghiệp, ông Febri Hendri Antoni Arief, cho biết việc buôn bán dòng điện thoại Pixel của Google là "bất hợp pháp" ở Indonesia. Quyết định này được đưa ra ngay sau khi chính phủ cũng áp dụng lệnh cấm tương tự đối với iPhone 16 của Apple vì không thực hiện đầy đủ các cam kết đầu tư tại thị trường Đông Nam Á này.

Ông Arief cho biết Táo khuyết đã gửi thư đề nghị gặp Bộ trưởng Công nghiệp Agus Gumiwang Kartasasmita để thảo luận về lệnh cấm, mặc dù chưa ấn định ngày cụ thể.

Trên thực tế, tính từ đầu năm đến nay, đã có khoảng 22.000 chiếc Google Pixel được đưa vào Indonesia thông qua các kênh vận chuyển cá nhân hoặc qua hành lý xách tay.

Đối với chính phủ Indonesia, yêu cầu nội địa hóa là một phần quan trọng trong chiến lược thu hút đầu tư nước ngoài vào ngành công nghiệp quốc gia, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghệ và sản xuất.

Cụ thể, luật quy định các nhà sản xuất smartphone và tablet phải đáp ứng tỷ lệ nội địa hóa lên đến 40%, tùy thuộc vào quy mô hoạt động. Các công ty có thể đáp ứng yêu cầu này bằng cách sản xuất thiết bị tại địa phương, phát triển phần mềm hoặc đầu tư vào các dự án sáng tạo trong nước.

Mặc dù đã nỗ lực đầu tư vào Indonesia bằng cách thành lập các học viện đào tạo lập trình viên, Apple vẫn chưa đạt được mức cam kết đầu tư 1,7 nghìn tỷ rupiah (tương đương 109 triệu USD), chỉ mới đạt 1,5 nghìn tỷ rupiah (95 triệu USD) tính đến nay. Trong khi đó, các đối thủ cạnh tranh như Samsung và Xiaomi đã xây các nhà máy sản xuất tại Indonesia.

Theo Bloomberg, với nền kinh tế có quy mô 1.000 tỷ USD và dân số hơn 270 triệu người, Indonesia là thị trường tiềm năng cho các hãng công nghệ toàn cầu. Theo số liệu từ chính phủ, hiện có hơn 350 triệu thiết bị di động đang hoạt động, vượt xa số dân của quốc gia này.

Tuy nhiên, cả Google và Apple đều chưa lọt vào top 5 thương hiệu smartphone phổ biến nhất tại đây trong năm 2023.

Hai nhà sáng lập Google tự tay làm nên tất cả

Kể về câu chuyện của 25 doanh nhân của thế giới, sách "Họ đã làm gì để thay đổi thế giới?" vừa là một “kho” tư liệu về tinh thần doanh nhân vừa là nguồn cảm hứng cho những ai muốn tự mình sáng tạo nên những điều ý nghĩa.

Thúy Liên

Bạn có thể quan tâm