Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Sắp có app nhận biết số điện thoại, tài khoản ngân hàng lừa đảo

Phần mềm do Hiệp hội an ninh mạng quốc gia phát hành trên smartphone có thể phát hiện số điện thoại, địa chỉ website, tài khoản ngân hàng và mã QR có dấu hiệu lừa đảo.

Hình ảnh Phần mềm phòng chống lừa đảo cho người dân. Ảnh: Hiệp hội an ninh mạng quốc gia.

Tại Hội thảo Phòng chống lừa đảo trên không gian mạng diễn ra sáng 13/5, Ban Nghiên cứu, Tư vấn, Phát triển công nghệ và Hợp tác quốc tế đã giới thiệu Phần mềm phòng chống lừa đảo cho người dân.

App được phát hành miễn phí trên Android và iOS, kỳ vọng trở thành công cụ hữu ích nhằm phát hiện các dấu hiệu lừa đảo trên mạng, góp phần nâng cao kỹ năng an toàn cho người dùng.

Theo Hiệp hội an ninh mạng quốc gia, Phần mềm phòng chống lừa đảo cho người dân tích hợp 5 tính năng chính. Đầu tiên là kiểm tra số điện thoại, giúp phát hiện các số lừa đảo có trong cơ sở dữ liệu, cũng như số quảng cáo làm phiền (spam).

Bên cạnh cơ sở dữ liệu, người dùng có thể chủ động chặn số điện thoại không muốn liên lạc (danh sách đen) và tạo ngoại lệ cho các số thường xuyên trao đổi (danh sách trắng).

Phan mem chong lua dao anh 1

Tính năng phát hiện số tài khoản lừa đảo của phần mềm. Ảnh: Hiệp hội an ninh mạng quốc gia.

Tính năng kiểm tra địa chỉ web giúp phát hiện website lừa đảo, chứa mã độc hoặc trang giả mạo. Người dùng sẽ nhận khuyến cáo không nên truy cập các trang web để phòng tránh mất tài khoản. Ngoài ra, có thể quét mã QR trước khi giao dịch để phát hiện QR có dấu hiệu lừa đảo.

Với chức năng quét mã độc, người dùng sẽ được cảnh báo khi cài ứng dụng giả hoặc chứa mã độc. Tính năng này giúp phòng ngừa các tình huống mạo danh cơ quan, tổ chức để lừa cài app giả nhằm chiếm quyền điều khiển điện thoại rồi tự động chuyển tiền, kịch bản rất nhiều nạn nhân mắc bẫy.

Cuối cùng, phần mềm hỗ trợ kiểm tra số tài khoản trước khi giao dịch, giúp phát hiện số ngân hàng có nằm trong danh sách lừa đảo hay không.

Theo các chuyên gia, đây là tính năng cần thiết bởi mục đích cuối cùng của hầu hết thủ đoạn lừa đảo là chiếm đoạt tiền trong tài khoản ngân hàng.

Phần mềm phòng chống lừa đảo là dự án mang tính cộng đồng, phi lợi nhuận, không sử dụng ngân sách nhà nước, kinh phí huy động từ nguồn xã hội.

Ông Vũ Ngọc Sơn, Giám đốc công nghệ Công ty An ninh mạng NCS, kiến trúc sư trưởng phần mềm, cho biết 5 tính năng chính được xác định sau khi nghiên cứu 24 hình thức lừa đảo, cũng như tổ hợp biến thể mà đối tượng lừa đảo thường sử dụng.

Phan mem chong lua dao anh 2

5 tính năng của phần mềm được xây dựng dựa trên 24 hình thức lừa đảo tại Việt Nam. Ảnh: Hiệp hội an ninh mạng quốc gia.

Theo đội ngũ phát triển, cơ sở dữ liệu của phần mềm được kết nối, cập nhật từ các cơ quan như Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông, Ngân hàng Nhà nước và các bên liên quan khác.

Ngoài ra, hệ thống cũng sẽ kết nối với cơ sở dữ liệu các công ty an ninh mạng là thành viên Hiệp hội An ninh mạng quốc gia, các tổ chức chống lừa đảo quốc tế để phát huy sức mạnh tổng hợp.

Phần mềm cũng cho phép người dùng báo cáo số điện thoại, số tài khoản, đường link hay ứng dụng có dấu hiệu lừa đảo về máy chủ. Hệ thống sẽ kiểm tra và phát hiện bất thường, từ đó gửi thông tin cho quản trị viên nhằm xác nhận, cập nhật cơ sở dữ liệu.

Phần mềm phòng chống lừa đảo cho người dân dự kiến mở thử nghiệm diện hẹp trong tháng 6 và chính thức phát hành từ tháng 7.

Nhóm người săn lùng loại mã độc nguy hiểm nhất thế giới công nghệ

Trong quyển sách mới, Renee Dudley và Daniel Golden đưa độc giả đến gần hơn với cuộc chiến thầm lặng của những chuyên gia công nghệ toàn cầu, chống lại kẻ đứng sau ransomware.

Kẽ hở khiến camera giám sát 'trần như nhộng' dưới con mắt hacker

Thị trường camera giám sát Việt tồn tại nhiều kẽ hở bảo mật. Điều này dẫn đến việc những dữ liệu hình ảnh nhạy cảm của người dùng có thể rơi vào tay của các hacker.

Giả danh công an, chiếm đoạt 15 tỷ đồng

Chiêu trò mạo danh để lừa đảo không phải mới, song vẫn có người sập bẫy do thủ đoạn, kịch bản ngày càng tinh vi.

Mất hơn 200 triệu vì tin công an giả trên app hẹn hò

Một người phụ nữ tại Đồng Nai bị lừa hơn 200 triệu đồng do tin tưởng kẻ mạo danh công an trên tính năng hẹn hò của Facebook.

Phúc Thịnh

Bạn có thể quan tâm