Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

'Sẵn sàng hoan nghênh đối thoại Trump - Kim Jong Un ở Việt Nam'

Phó thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh nói rằng Việt Nam hoan nghênh mọi động thái hòa giải Mỹ - Triều cũng như việc lãnh đạo 2 nước có thể gặp nhau ở Việt Nam.

Trả lời câu hỏi của đài SBS Australia về khả năng Việt Nam có thể được chọn là địa điểm cho cuộc gặp giữa nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un và Tổng thống Mỹ Donald Trump, Phó thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh cho biết Việt Nam sẵn sàng hoan nghênh khả năng này.

“Nếu họ chọn Hà Nội hay bất cứ nơi nào ở Việt Nam thì chúng tôi đều hoan nghênh. Chúng tôi có quan hệ ngoại giao với cả hai nước”, Phó thủ tướng nói trong cuộc phỏng vấn tại Sydney (Australia) hôm 18/3.

gap go Kim Jong Un - Trump anh 1
Cuộc gặp giữa ông Trump và ông Kim dự kiến diễn ra vào tháng 5 nhưng địa điểm vẫn chưa tiết lộ. Ảnh: AFP.

Ông cho biết Việt Nam hoan nghênh mọi động thái hòa giải giữa hai nước. “Chúng ta đều muốn hòa bình và ổn định ở bán đảo Triều Tiên. Bất cứ bước nào giúp điều đó chúng tôi đều hoan nghênh. Chúng tôi hoan nghênh đối thoại trực tiếp giữa lãnh đạo của Triều Tiên và Mỹ”.

Trong cuộc phỏng vấn, Phó thủ tướng cũng nêu rõ những tiến triển nhờ việc nâng cấp quan hệ đối tác chiến lược giữa Việt Nam và Australia, được coi là bước tiến lớn trong quan hệ hai nước.

Về vấn đề Biển Đông, Phó thủ tướng nêu rõ quan điểm “các nước cần tuân thủ luật pháp quốc tế trong đó có công ước Liên Hợp Quốc về luật biển”. “Mọi hành động mà làm biến đổi nguyên trạng ở Biển Đông thì sẽ đều bị lên án. Bởi vì nó đi ngược lại với tuyên bố của các bên về ứng xử ở Biển Đông (DOC)… Đây không chỉ là quan điểm của Việt Nam mà còn là quan điểm của ASEAN”.

Khi được hỏi về việc các nước trong khu vực đang đề xuất việc tuần tra chung trên biển, Phó thủ tướng nói: “Chúng tôi hoan nghênh tất cả các bên, các quan điểm mà tôn trọng luật pháp quốc tế, tôn trọng công ước luật biển, giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình ở khu vực”.

90s: Đối thoại hòa giải hay 'cái bẫy' của Triều Tiên Lãnh đạo Triều Tiên đề nghị gặp gỡ Tổng thống Mỹ Donald Trump để đàm phán về giải trừ vũ khí hạt nhân, một bước đi bất ngờ làm dấy lên nghi vấn về động cơ thực sự của Triều Tiên.

Australia: Người bạn đầu tiên của ASEAN

Năm 1974, Australia là quốc gia đầu tiên thiết lập quan hệ ngoại giao với khối ASEAN toàn diện trên cả ba phương diện: kinh tế, chính trị và hợp tác chuyên ngành.

ASEAN - Australia ký bản ghi nhớ về hợp tác chống khủng bố quốc tế

Ngày 17/3, lãnh đạo Australia và các nước ASEAN đã ký kết bản ghi nhớ cùng hợp tác để chống chủ nghĩa khủng bố quốc tế, cực đoan và bạo lực.


Thanh Tuấn (Từ Sydney)

Bạn có thể quan tâm