Nhu cầu về dầu của Nga vẫn sẽ cao. Ảnh: Reuters. |
Tuy nhiên, hãng thông tấn Interfax đã dẫn lời Phó thủ tướng Nga Alexander Novak vào thứ 3, dự đoán sản lượng dầu của nước này sẽ giảm nhẹ sau các lệnh trừng phạt mới.
Các quốc gia thuộc Liên minh châu Âu là khách hàng chính mua dầu thô của Nga trong nhiều thập kỷ, nhưng đã quyết định ngừng mua dầu thô của nước này từ ngày 5/12 theo lệnh cấm vận do khối áp đặt. Nhóm G7, Australia và 27 quốc gia EU cũng đã đưa ra mức trần giá 60 USD/thùng đối với dầu của Nga.
Phát biểu với các phóng viên vào cuối ngày thứ 3, ông Novak cho biết dầu của Nga sẽ vẫn có nhu cầu cao sau lệnh trừng phạt.
"Tiêu dùng toàn cầu, tăng trưởng kinh tế trên thế giới phải được cung cấp các nguồn năng lượng. Hiện nay không có nhiều dầu trên thế giới và dầu của Nga luôn và sẽ vẫn có nhu cầu. Mặc dù chuỗi cung ứng sẽ thay đổi, nhưng Nga không thấy bất kỳ bi kịch nào trong chuyện này", Novak nói với Interfax.
Ông cũng nói rằng Nga có thể cắt giảm sản lượng dầu trong bối cảnh thị trường không chắc chắn trong tương lai.
"Tôi không nghĩ khối lượng giảm sẽ lớn. Tuy nhiên, không loại trừ khả năng này, mặc dù chúng tôi đang làm mọi cách để đảm bảo tình hình ổn định", hãng thông tấn TASS dẫn lời Novak.
Còn theo các nguồn tin của Reuters, sản lượng dầu của Nga có thể giảm từ 500.000 đến 1 triệu thùng/ngày vào đầu năm 2023 sau lệnh cấm của EU.
Theo tính toán của Reuters, sản lượng dầu khí của Nga từ tháng 1 đến tháng 11 đã đạt trung bình 10,91 triệu thùng/ngày.
Nhật báo Kommersant cũng cho biết sản lượng dầu tháng 11 của Nga đạt trung bình 1,486 triệu tấn, tương đương 10,89 triệu thùng/ngày, tăng 2% so với tháng 10.
Kommersant cho biết sản lượng dầu của Nga đã tăng lên nhờ việc nối lại sản xuất của dự án ngoài khơi Thái Bình Dương Sakhalin 1. Dự án trước đây do ExxonMobil đứng đầu, nhưng đã phải ngừng lại sau khi Moscow đưa quân vào Ukraine vào tháng 2.
Độc giả Zing có thể tìm đọc thêm các cuốn sách hay về kinh tế tại Tủ sách kiến thức kinh tế. Các cuốn sách cung cấp cho độc giả nhiều kiến thức về kinh tế vĩ mô, chứng khoán, bất động sản, lạm phát, các cuộc suy thoái từng xảy ra, kinh nghiệm quản lý chi tiêu...