Hồi đáp lại những câu hỏi của Zing.vn được gửi tới Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV), đơn vị này cho biết đã có bản tóm tắt các loại hình công nghệ dự kiến được triển khai tại sân bay Long Thành, nếu Tổng công ty hàng không được nắm quyền chủ đầu tư.
Theo nội dung báo cáo nghiên cứu khả thi mà ACV vừa trình Bộ GTVT, dự án sân bay Long Thành có tổng mức đầu tư 4,8 tỷ USD (gần 112.000 tỷ đồng), sẽ được áp dụng nhiều công nghệ lần đầu có tại Việt Nam.
Nhận diện hành khách bằng trí tuệ nhân tạo
Công nghệ nhận dạng và xác định danh tính của hành khách thông qua dữ liệu sinh trắc học là một công nghệ mới, dự kiến được dùng ở sân bay Long Thành để thay thế cho công tác nhận dạng khách hàng bằng phương pháp thủ công ở các cửa soi chiếu của an ninh sân bay.
Việc này sẽ giúp tăng độ chính xác, rút ngắn được thời gian làm thủ tục hàng không.
Minh họa về công nghệ nhận diện khuôn mặt tại một khu vực triển lãm tại Thâm Quyến (Trung Quốc) năm 2017. Ảnh: Reuters. |
Một công nghệ đáng chú ý khác là thiết bị kiểm thể tự động (Body Scanner) cũng sẽ được trang bị 100% bên trong nhà ga hành khách, thay cho việc kiểm tra an ninh bằng dụng cụ cầm tay như trước đây, nhằm tăng cường hiệu quả công việc, rút ngắn thời gian ở khâu kiểm tra an ninh.
Hành lý của khách sẽ được áp dụng quy trình soi chiếu kiểm soát an ninh và hải quan với 5 mức độ kiểm tra nghiêm ngặt cùng sự hỗ trợ của các thiết bị soi chiếu hiện đại đáp ứng tiêu chuẩn ECAC III của châu Âu (tương đương TSA của Mỹ).
Theo ACV, trí tuệ nhân tạo (AI) còn được áp dụng trong công tác an ninh thông qua hệ thống camera giám sát (CCTV) để đơn vị khai thác xây dựng chương trình kiểm soát an ninh an toàn, quản lý rủi ro.
Công nghệ dữ liệu lớn (Big Data) cũng sẽ được áp dụng tại Trung tâm dữ liệu của sân bay Long Thành để lưu trữ thông tin các hệ thống thiết bị kỹ thuật nhà ga, đài kiểm soát không lưu, thông tin dẫn đường, cất hạ cánh, xuất nhập cảnh, hải quan...
Internet kết nối vạn vật
Tất cả các hệ thống trang thiết bị kỹ thuật nhà ga, kỹ thuật phục vụ bay, các trang thiết bị thuộc cơ quan quản lý nhà nước và của các hãng hàng không hoạt động tại cảng sẽ được kết nối với nhau qua IoT (Internet kết nối vạn vật).
Phối cảnh nhà ga sân bay Long Thành. |
IoT giúp cho các trang thiết bị kỹ thuật này có thể được nhận dạng và điều khiển từ xa dựa trên nền tảng hạ tầng công nghệ không dây, công nghệ vi cơ điện tử và Internet.
Một trong những ứng dụng IoT nổi bật là công nghệ nhận dạng thông tin bằng tần số vô tuyến - RFID (Radio Frequency Identification) - là công nghệ kết nối để tự động xác định và theo dõi bằng các thẻ nhận dạng gắn vào vật thể như hành lý, thiết bị, đối tượng...
Ngoài ra, IoT cho phép phát triển các ứng dụng trên thiết bị di động phục vụ các tiện ích tại cảng hàng không như: bãi đậu xe thông minh, thông tin chuyến bay, sơ đồ nhà ga, thông tin mua sắm, thông tin khởi hành bay...
Tự động hoá nhiều thủ tục hàng không
Giống như các cảng hàng không lớn trên thế giới như Incheon, Changi... sân bay Long Thành sẽ được áp dụng hệ thống hỗ trợ hành khách tự làm thủ tục hàng không, tự làm thủ tục ký gửi hành lý, tự động kiểm soát an ninh tại cổng ra vào, tự động làm thủ tục xuất nhập cảnh, hệ thống cửa ra tàu bay tự động...
Hệ thống vận chuyển hành lý ở sân bay London Heathrow, Anh có băng chuyền dài 48 km. Các đường hầm dài 4 km và vận chuyển khoảng 53 triệu hành lý mỗi năm. Ảnh: LHR Airport. |
Hệ thống vận chuyển và phân loại hành lý ký gửi bằng khay độc lập với tốc độ vận chuyển nhanh gấp 5 lần so với các hệ thống băng tải trước đây, tiết kiệm năng lượng, góp phần giúp việc phân loại và nhận dạng hành lý gần như tuyệt đối chính xác, giảm thiểu thất lạc hành lý.
Bên cạnh đó hành khách dễ dàng truy cập, kiểm tra thông tin lộ trình hành lý của mình qua điện thoại di động.
Việc áp dụng công nghệ lưu trữ và xử lý hành lý đến sớm EBS sẽ giúp hành khách linh hoạt chọn thời điểm đến sân bay phù hơp để tránh ách tắc giao thông vào giờ cao điểm, giảm tải khai thác tại nhà ga hành khách.
Tự động hóa công tác quản lý bay
Trong lĩnh vực bảo đảm hoạt động bay, các công nghệ hiện đại nhất được sử dụng bao gồm công nghệ định vị, dẫn đường bằng vệ tinh (Satellite Navigation) và dẫn đường theo tính năng (Performance - Based Navigation).
Các công nghệ kiểm soát không lưu mới tại Long Thành cũng đang được áp dụng từng bước tại sân bay Nội Bài. Ảnh minh họa: Quỳnh Trang. |
Một số công nghệ lần đầu được áp dụng tại Việt Nam như tự động hóa quản lý không lưu, tự động hóa điều khiển và dẫn dắt mặt đất mức độ 2+, tự động quản lý chuyến bay đi - đến.
Theo Tổng công ty Hàng không Việt Nam, các công nghệ mới sẽ tăng độ chính xác, giảm thời gian và giảm công việc của người điều hành bay trong bối cảnh nhân lực ngành này khó đáp ứng tốc độ phát triển nóng của các hãng hàng không.
Các công nghệ quản lý bay tại Long Thành chủ yếu sẽ được Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam (VATM) đầu tư hoặc tiếp quản để vận hành với nhân lực của đơn vị.
Bộ GTVT vừa trình Chính phủ 3 phương án đầu tư Cảng Hàng không quốc tế Long Thành (nằm tại tỉnh Đồng Nai). Các phương án đầu tư này do tư vấn lập báo cáo nghiên cứu khả thi dự án (FS) và ACV xây dựng, đề xuất.
Phương án 1: Đầu tư theo định hướng tại báo cáo nghiên cứu tiền khả thi. Theo đó, nhà đầu tư và đơn vị khai thác cảng cùng đầu tư, có sử dụng vốn vay ODA (cấp phát hoặc cho vay lại).
Phương án 2: Giao cho ACV là nhà đầu tư - khai thác Cảng HKQT Long Thành giai đoạn 1, không sử dụng vốn vay ODA, không sử dụng vốn NSNN. ACV đã chuẩn bị được 1,5 tỷ USD cho việc triển khai dự án.
Phương án 3: Đấu thầu lựa chọn Nhà đầu tư - khai thác Cảng HKQT Long Thành giai đoạn 1. Đầu tư bằng vốn của doanh nghiệp dự án, không sử dụng vốn vay ODA. Hình thức đầu tư là hình thức PPP, loại hợp đồng BOT.