Ngày 5/6, nhiều vấn đề giao thông vùng Đồng bằng sông Cửu Long được đại biểu Quốc hội chất vấn Bộ trưởng Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể.
Báo cáo trước Quốc hội, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho rằng giao thông vận tải là ngành kinh tế đặc biệt. Nhu cầu của xã hội rất lớn nhưng vì nguồn ngân sách hạn chế nên hệ thống giao thông còn nhiều bất cập, đầu tư còn chưa đảm bảo được một số vùng miền.
Quy hoạch xây cao tốc nối Sài Gòn với miền Tây
Đại biểu Hồ Thanh Bình (An Giang) cho biết Đồng bằng sông Cửu Long có địa thế và điều kiện phù hợp để sản xuất, xuất khẩu nhiều sản phẩm. Song, dù được Trung ương và các bộ, ngành quan tâm, hạ tầng giao thông nơi đây vẫn là điểm nghẽn.
“Là tư lệnh ngành giao thông vận tải, Bộ trưởng suy nghĩ gì và giải pháp thế nào”, đại biểu Bình chất vấn.
Đại biểu Hồ Thanh Bình, An Giang. Ảnh: Minh Quân. |
Bộ trưởng Giao thông Nguyễn Văn Thể cho biết Đồng bằng sông Cửu Long đang có nhiều tiềm năng như xuất khẩu gạo, trái cây, thuỷ sản với khối lượng lớn. Nhưng hàng hoá này đa số phải vận chuyển lên TP.HCM vì ở đây mới có tàu lớn.
“Đồng bằng sông Cửu Long có 21 cảng, nhưng cảng lớn nhất chỉ phục vụ cho tàu 20.000 tấn”, ông Thể cho biết.
“Nhà đầu tư đề xuất làm cầu từ bờ ra khoảng 10 km rồi mới làm cảng ở ngoài đó. Chính phủ đồng ý sẽ huy động nguồn vốn. Một số tập đoàn trong nước đang rất quan tâm dự án này”, Bộ trưởng Giao thông nói và kỳ vọng có cảng này, công nghiệp khu vực này sẽ phát triển đột phá.
Bộ trưởng Giao thông Vận tải trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội. Ảnh: Minh Quân. |
Cũng theo người đứng đầu Bộ GTVT, trong quy hoạch sẽ xây dựng cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng ra cảng Trần Đề, kết hợp với cao tốc TP.HCM - Cần Thơ có thể tạo thành hệ thống cao tốc liên hoàn để giúp cho Đồng bằng sông Cửu Long phát triển công nghiệp 2 bên đường cao tốc, giúp cảng đưa hàng hoá xuất nhập ra nước ngoài.
Suất đầu tư cao nên chất lượng hạ tầng giao thông thấp
Đại biểu Dương Tấn Quân (Bà Rịa - Vũng Tàu) đặt ra các vấn đề hệ thống giao thông ở các vùng như Đồng bằng sông Cửu Long, vùng Tây Bắc, miền núi còn nhiều khó khăn. Ông yêu cầu người đứng đầu ngành GTVT trả lời về trách nhiệm, giải pháp của bộ để giải quyết khó khăn trên, phát triển đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông.
Trả lời, Bộ trưởng Thể cho biết dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông và sân bay Quốc tế Long thành là 2 dự án trọng điểm quốc gia mang tính đột phá, tạo điều kiện để phát triển vận tải cũng như phát triển kinh tế, xã hội cho cả nước.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Thể cũng thừa nhận vùng Đồng bằng sông Cửu Long và miền núi phía Bắc chất lượng hạ tầng giao thông kém.
Cầu Bến Lức (Long An) trở thành nút thắt cổ chai khiến kẹt xe kéo dài nhiều km, cảnh tượng thường thấy mỗi dịp lễ, Tết. Ảnh: Lê Quân. |
Theo ông, Đồng bằng sông Cửu Long được bố trí ngân sách tương đương các vùng khác tuy nhiên suất đầu tư ở đây rất cao. Tất cả vùng này là đất yếu, khi làm đường, làm cầu phải gia cố rất tốn kém, chi phí rất cao.
“Ở vùng này không có đá, không có vật liệu sắt thép, phải vận chuyển từ TP.HCM và các nơi khác đến. Do đó, về kinh phí tương đương vùng khác nhưng do suất đầu tư cao nên chất lượng hạ tầng giao thông ở vùng này đang thấp”, ông Thể giải thích.
Tương tự, ở vùng núi phía Bắc, vận chuyển vật liệu xa, khan hiếm, tốn chi phí do đó suất đầu tư cũng cao. Để khắc phục, tư lệnh ngành giao thông cho biết bộ sẽ tham mưu Chính phủ, cùng các bộ, ngành có giải pháp hữu hiệu. Đồng thời mong quốc hội quan tâm bố trí cho các vùng này kinh phí nhiều hơn, nếu không hạ tầng vùng này sẽ tiếp tục yếu kém.
Về phát triển giao thông đồng bộ, ông Thể thừa nhận hạ tầng còn nhiều hạn chế. Hiện có một số quốc lộ, đường giao thông không đồng bộ cầu và đường, như vậy là rất lãng phí, vì một tuyến đường chỉ cần một cây cầu yếu sẽ không phát huy hiệu quả của cả tuyến đường.
“Bộ Giao thông đang chỉ đạo thành lập 7 đề án ở các vùng miền, rà soát toàn bộ hạ tầng để đảm bảo hiệu quả khai thác tốt hơn”, Bộ trưởng Thể cung cấp thông tin.