Trước phiên chất vấn, Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể đã ký báo cáo gửi Quốc hội về một số nội dung liên quan đến nhóm vấn đề chất vấn tại kỳ họp này.
Theo đó, Bộ Giao thông nêu danh nhóm 5 dự án đường sắt đô thị chậm tiến độ, tăng tổng mức đầu tư. Trong số này, 3 dự án do Hà Nội và TP.HCM làm chủ đầu tư, 2 dự án do Bộ Giao thông làm chủ đầu tư.
Một đoạn metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên. Ảnh: Lê Quân. |
5 dự án đường sắt đô thị chậm tiến độ, tăng vốn
Cụ thể, dự án đường sắt đô thị TP.HCM, tuyến số 1 Bến Thành - Suối Tiên theo kế hoạch hoàn thành trong năm 2020. Dự án đề xuất điều chỉnh tổng mức đầu tư lên 47.325 tỷ đồng, dự kiến tăng 29.937 tỷ đồng so với tổng mức đầu tư được phê duyệt ban đầu.
Dự án đường sắt đô thị TP.HCM, tuyến số 2 Bến Thành - Tham Lương theo kế hoạch hoàn thành ban đầu trong năm 2020. Dự án điều chỉnh tổng mức đầu tư lên 47.891 tỷ đồng, dự kiến tăng 21.775 tỷ đồng.
Dự án đường sắt đô thị Hà Nội tuyến số 3 Nhổn - Ga Hà Nội dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2018. Dự án đề xuất điều chỉnh tổng mức đầu tư lên 32.910 tỷ đồng, dự kiến tăng 14.502 tỷ đồng.
Dự án đường sắt đô thị Hà Nội tuyến Cát Linh - Hà Đông do Bộ GTVT làm chủ đầu tư hoàn thành ban đầu trong năm 2016. Dự án điều chỉnh tổng mức đầu tư lên 18.001 tỷ đồng, tăng 9.232 tỷ đồng.
Dự án đường sắt đô thị Hà Nội tuyến số 1 Yên Viên - Ngọc Hồi do Bộ Giao thông làm chủ đầu tư, giai đoạn 1 của dự án đã được điều chỉnh tiến độ, thực hiện từ 2017 đến 2024; giai đoạn 2 từ 2012 đến 2020 đang thực hiện các thủ tục để điều chỉnh tiến độ thực hiện. Dự án điều chỉnh tổng mức đầu tư lên 30.427 tỷ đồng, tăng 5.602 tỷ đồng.
Dự án đường sắt đô thị Hà Nội tuyến Cát Linh - Hà Đông tăng vốn hơn 9.000 tỷ đồng. Ảnh: Việt Linh. |
Ai chịu trách nhiệm?
Báo cáo Quốc hội, Bộ trưởng Giao thông Nguyễn Văn Thể nêu nhiều nguyên nhân khiến dự án chậm tiến độ, tăng tổng mức đầu tư. Ông cho rằng trước đây đa phần đều là các dự án lớn và công nghệ phức tạp lần đầu tiên được xây dựng tại Việt Nam, do đó chưa có kinh nghiệm quản lý thực hiện.
Năng lực và kinh nghiệm quản lý thực hiện của chủ đầu tư đối với các dự án lớn về lĩnh vực đường sắt đô thị rất mới và còn hạn chế. Do chưa có kinh nghiệm với loại hình công trình đường sắt đô thị nên cả chủ đầu tư và tư vấn lập dự án tính toán tổng mức đầu tư chưa xác thực với tình hình thực tế, phải điều chỉnh nhiều nội dung thiếu sót và chưa phù hợp trong thiết kế cơ bản ban đầu.
Ngoài ra, do vướng mắc, chậm kéo dài công tác giải phóng mặt bằng, di chuyển hạ tầng kỹ thuật ngầm, nổi, cây xanh, đặc biệt là công tác giải phóng mặt bằng các ga ngầm; công tác giải phóng mặt bằng kéo dài dẫn đến thời gian thực hiện kéo dài ảnh hưởng đến yếu tố trượt giá tăng.
Theo Bộ trưởng Thể, việc tiến độ dự án kéo dài cũng dẫn đến tổng mức đầu tư tăng do các yếu tố: Biến động giá của một số nguyên, nhiên vật liệu và tăng mức lương tối thiểu theo quy định.
Công tác đấu thầu, lựa chọn nhà thầu theo Bộ trưởng Giao thông cũng gặp nhiều vướng mắc, khó khăn do các ràng buộc phức tạp quy chế đấu thầu của các nhà tài trợ; hệ thống quy chuẩn còn nhiều bất cập.
Bên cạnh đó, việc cập nhật tỷ giá ngoại tệ, tỷ lệ tính toán các chi phí dự phòng, rủi ro trượt giá cũng được cập nhật theo quy định mới, ảnh hưởng chung đến việc tăng tổng mức đầu tư.
Trong báo cáo gửi Quốc hội, Bộ GTVT chỉ ra trách nhiệm của các bên liên quan.
“Về cơ bản, việc để chậm tiến độ, tăng tổng mức đầu tư các dự án, trách nhiệm trước tiên thuộc về các chủ đầu tư, tuy nhiên các yếu tố chủ quan khác cũng là nguyên nhân chính gây ra việc chậm tiến độ, tăng tổng mức đầu tư”, báo cáo nêu rõ.
Trong đó, nguyên nhân về chậm giải phóng mặt bằng, kéo dài công tác tái định cư là trách nhiệm thuộc địa phương, chủ đầu tư thực hiện công tác giải phóng mặt bằng.
Về vấn đề tăng tổng mức đầu tư dự án chủ yếu do chất lượng công tác lập, thẩm định dự án đầu tư. Trách nhiệm trong việc này thuộc về chủ đầu tư, tư vấn thực hiện dự án.
Liên quan đến bất cập trong cơ chế vốn ODA, Bộ Giao thông nhận định đây là khó khăn chung, có liên quan đến trách nhiệm của rất nhiều cấp, bộ, ngành và cần được nghiên cứu, điều chỉnh cho phù hợp.