Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Bộ trưởng Giao thông Nguyễn Văn Thể trả lời chất vấn

Hàng loạt công trình giao thông đội vốn lớn, chậm tiến độ, chất lượng kém cũng như việc quản lý vận tải, xe hợp đồng điện tử... là những nội dung được chất vấn Bộ trưởng GTVT.

  • Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể trả lời chất vấn nhóm vấn đề về kết cấu hạ tầng giao thông, nhất là các công trình giao thông trọng điểm đội vốn lớn, chậm tiến độ, chất lượng kém…
  • Đại biểu Quốc hội cũng sẽ chất vấn Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể về quản lý hoạt động vận tải, chất lượng phương tiện, quản lý xe hợp đồng điện tử; đào tạo, sát hạch, cấp, thu hồi giấy phép lái xe cơ giới...
  • Cùng trả lời với Bộ trưởng Giao thông là bộ trưởng các bộ Tài nguyên và Môi trường, Tài chính, KH&ĐT, Tư pháp, Thanh tra Chính phủ, Tổng Kiểm toán Nhà nước… cùng phó thủ tướng phụ trách lĩnh vực.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể trả lời chất vấn trước Quốc hội Sáng 5/6, Bộ trưởng Giao thông Vận tải đăng đàn trả lời chất vấn trước Quốc hội về nhiều vấn đề nóng của ngành.
Chat van Bo truong Giao thong Nguyen Van The anh 1
Bộ trưởng Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể. Ảnh: Phạm Duy.
  • Khó thu xếp vốn cao tốc Hà Nội - Lạng Sơn

    Đại biểu Nguyễn Lâm Thành chia sẻ với Bộ trưởng về khó khăn trong thu xếp vốn liên quan tuyến cao tốc Hà Nội - Bắc Giang - Lạng Sơn - Cửa khẩu Hữu Nghị. Theo ông, nếu tuyến Bắc Giang hoàn thành trong 2019 thì mới đến điểm Chi Lăng cách TP lạng Sơn 30 km. Như vậy sẽ lơ lửng, hiệu quả công trình không cao.

    Nếu không kết nối được tuyến Chi Lăng - Hữu Nghị 43 km thì không có cơ sở triển khai tiếp dự án Hữu Nghị - Cao Bằng theo chỉ đạo của Chính phủ. Ông Thành cũng cho biết hiện công tác GPMB và chỉ đạo đầu tư đã được tỉnh triển khai ráo riết, nhà đầu tư đã ứng trước hơn 200 tỷ cho công tác này.

    Về phương án tài chính của tuyến cao tốc này, khi lựa chọn nhà đầu tư quyết định ở tuyến đường 1A giảm 1 trạm thu phí, vị đại biểu Lạng Sơn cho rằng điều này ảnh hưởng đến hiệu quả, tính toán chi phí của dự án công trình nên cần có biện pháp thúc đẩy kết nối, thực thi tuyến Chi Lăng - Hữu Nghị để đảm bảo kết nối toàn tuyến.

    Theo ông Thành, đây là vấn đề quan trọng, nếu không ngoài ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế xã hội còn ảnh hưởng đến tâm lý của nhà đầu tư.

    Trả lời, Bộ trưởng GTVT nhìn nhận cao tốc Hà Nội - Bắc Giang - Lạng Sơn - Hữu Nghị là trục cao tốc quan trọng. Vừa qua, nhà đầu tư cũng đã tính toán và đề xuất Nhà nước hỗ trợ một khoản kinh phí để có thể thực hiện đến Cửa khẩu Hữu Nghị.

    Theo ông Thể, nhu cầu là rất lớn nhưng về cân đối ngân sách quốc gia, phần dự phòng chưa đáp ứng được nên đến nay vẫn chưa được bố trí. Thời gian tới, Bộ sẽ làm việc với Lạng Sơn đưa ra giải pháp để tiếp tục dự án này.

  • Trách nhiệm của Bộ khi năng lực các nhà đầu tư yếu kém

    Ông Thể cho biết tất cả các dự án khi đấu thầu đều có hồ sơ mời thầu, nhà thầu dự thì có hồ sơ dự thầu. “Tất cả những hồ sơ này là cơ sở pháp lý. Trong quá trình xét thầu, tất cả chuyên gia đều xét vào các quy định pháp luật để chọn thầu. Các nhà thầu, tham dự thầu đều có quyền khởi kiện, khiếu nại nếu tổ chuyên gia làm không đúng”, ông Thể trả lời.

    Tuy nhiên, Bộ trưởng GTVT cho biết trong quá trình mời thầu, dự thầu, nhà thầu, nhà đầu tư chưa thực hiện đúng cam kết trong hồ sơ dự thầu. Đối với những nhà thầu yếu kém, Bộ có thể gửi biên bản cảnh cáo, hoặc có thể cắt hợp đồng với những nhà thầu này.

    Đối với một số dự án chỉ định thầu như các dự án BOT, đường cao tốc ở TP.HCM trong thời gian vừa qua thì cũng có hồ sơ như hồ sơ đấu thầu. Vì vậy chúng ta có thể xử lý các doanh nghiệp chậm tiến độ.

    “Ngoài ra, chúng tôi có hệ thống phân loại các nhà thầu từ loại tốt đến loại kém. Đối với những nhà thầu loại kém chúng ta có thể hạn chế trong việc mời thầu, xét thầu”, Bộ trưởng Thể trả lời.

  • Đổi mới công tác đào tạo, cấp GPLX

    Nữ đại biểu Hà Nam Hà Thị Minh Tâm dẫn báo cáo của Bộ GTVT về tình trạng xe đã hết niên hạn, xe quá hạn kiểm định, chất lượng đào tạo lái xe tại các trung tâm chưa đảm bảo yêu cầu. Nguyên nhân do công tác kiểm soát của ngành chưa hiệu quả. “Trách nhiệm của Bộ như thế nào. Giải pháp trong thời gian tới?”, bà chất vấn.

    Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể cho biết tình trạng xe hết niên hạn sử dụng, hàng năm, Cục Đăng kiểm đều có thông báo về các tỉnh, các sở GTVT địa phương số lượng xe hết niên hạn sử dụng, kể cả xe vận tải hành khách và xe vận chuyển hàng hoá. Ông khẳng định có thể tiến hành kiểm tra.

    Về công tác đào tạo lái xe, Bộ trưởng Thể cho biết đã cập nhật thông tin các nước có liên quan, tăng bộ đề thi lên 600 câu. Loại xe 4 bánh tăng lên 36 câu, xe tải tăng lên 40 câu, xe hạng F tăng lên 45 câu. Số lượng câu hỏi tăng lên. Trong 45 câu, chỉ 2-3 câu không đạt thì coi như không đạt lý thuyết. Cùng với đó còn có những tình huống, tập sa hình, tập trong buồng mô phỏng…

    “Sắp tới, sẽ có nhiều giải pháp để sao cho lái xe có thể tiếp cận các loại hình. Ví dụ như đang học ở đồng bằng, không có đồi núi thì dùng thiết bị mô phỏng để lái xe có thể chạy thử, nâng cao chất lượng”, ông Thể nói.

  • Phạt nguội người đi xe không chính chủ

    Về việc xử lý phạt nguội người đi xe không chính chủ, Bộ trưởng GTVT cho biết dù là xe chính chủ hay không chính chủ, người điều khiển phải có trách nhiệm nộp phạt.

    “Nếu người vi phạm cố tình không nộp, chúng ta có thể tạm giữ phương tiện, chứ cứ chạy theo chính chủ hay không chính chủ rất khó. Người mua bán phương tiện có trách nhiệm sang tên, đổi chủ, nếu họ không làm tức là họ vi phạm”, ông Thể nhấn mạnh.

    Người đứng đầu ngành giao thông cho biết Bộ đang tích cực vận động, nhắc nhở để người dân có thể thực hiện đúng quy định. Trước mắt, các giải pháp tạm thời cần được đưa ra như xử phạt dựa trên chứng minh nhân dân, giấy phép lái xe…

  • Toàn bộ việc thu phí BOT sẽ được báo cáo tự động

    Đại biểu Nguyễn Thị Phúc (Hưng Yên) cho biết mặc dù Bộ có nhiều công văn giải trình việc thu phí dự án BOT, cử tri vẫn lo lắng về tính minh bạch của các dự án này. Bà đề nghị bộ trưởng làm rõ cách tính định mức giá thu phí và đặc biệt là cách thức công khai lưu lượng xe đi lại qua các trạm BOT.

    “Việc công khai thông tin này được tiến hành ở đâu, bằng phương thức nào để người dân dễ tiếp cận, theo dõi và giám sát”, bà Phúc hỏi.

    Với các dự án BOT, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết có thể khẳng định 2 việc.

    Thứ nhất đầu vào (quyết toán dự án BOT) phải đảm bảo công khai minh bạch. Thời điểm này, 62 trạm BOT đã được quyết toán. Tồn tại còn lại thường liên quan đến GPMB của các địa phương.

    “Chúng tôi sẽ tiếp tục làm việc với các địa phương để làm rõ hơn chi phí GPMB. Riêng công tác xây dựng đã quyết toán, kiểm toán cơ bản. Chúng tôi có thể cung cấp cho các cơ quan chức năng xem xét công tác quyết toán từng dự án”, ông nói.

    Về vấn đề đầu ra là thu phí, ông Thể lưu ý cần giám sát chặt chẽ, để người dân nộp số tiền đúng như nhà đầu tư đã đầu tư. Việc này hiện kiểm tra thủ công.

    “Bộ GTVT đang giao Tổng cục đường bộ phối hợp với các cơ quan liên quan kiểm toán việc thu phí, xem xét, rà soát việc thu phí của trạm BOT. Cuối năm nay, tất cả các trạm thu phí không dừng đi vào hoạt động”, ông Thể cho biết.

    Khi đó, ông nói Bộ GTVT có 2 giải pháp giám sát thu phí khi từng trạm đều có phần mềm thu phí. Sắp tới, bộ sẽ kết nối số liệu này với các cơ quan chức năng của nhà nước để giám sát. Toàn bộ việc thu phí của trạm BOT sẽ được báo cáo tự động. Ngoài ra, mỗi trạm có 1-2 làn thu phí thủ công để phục vụ xe ưu tiên, xe nước ngoài vào VN. Như vậy sẽ phát sinh thêm một số lượng ít về doanh thu liên quan đến thu phí thủ công. Bộ trưởng Thể cho biết cuối năm nay, tất cả các trạm có hệ thống bố trí camera có thể tua lại, xem xét lưu lượng từng giờ, từng ngày.

    Sắp tới sẽ lấy số liệu này, kiểm tra trong một ngày, một tuần để kiểm tra, đối chiếu doanh thu doanh nghiệp cung cấp. Việc thu phí, xác định hoàn vốn sẽ tốt hơn hiện nay rất nhiều.

  • Về vấn đề mở rộng quốc lộ 1A cũ và đường gom cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ và đường trên đê ở TP Hà Nội, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể thừa nhận đây là những vấn đề rất bức xúc ở địa phương. Tuy nhiên, ông cho rằng theo phân cấp địa bàn ở thủ đô thì TP Hà Nội sẽ chủ động trong triển khai đầu tư, xây dựng những dự án này.

    Về phía Bộ, ông Thể cho biết hoàn toàn đồng tình với TP trong triển khai những dự án này. Trong trường hợp TP không đủ ngân sách để triển khai thì Hà Nội có thể báo cáo trực tiếp Thủ tướng để xin hỗ trợ về ngân sách.

  • Đại biểu Trần Thị Quốc Khánh đề nghị Bộ GTVT làm rõ kế hoạch của Bộ, đến khi nào Bộ mới phối hợp với TP Hà Nội trong việc mở rộng đường 1A cũ, xây dựng tuyến đường giao thông trên tuyến đê Hữu Hồng, tuyến đường gom khi mở rộng cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ. Bà cho biết quốc lộ 1A cũ hiện giờ đang rất xuống cấp, chật hẹp, thường xuyên ùn tắc, gây mất trật tự, an toàn giao thông.

    Bà cũng hỏi thêm về việc trong trường hợp TP Hà Nội không đủ khả năng chi trả cho những dự án này thì Bộ có hỗ trợ, bố trí vốn, giúp đỡ không.

    Đại biểu Nguyễn Thị Phúc (Bình Thuận) chất vấn Bộ trưởng Thể về vấn đề xe không chính chủ bị phạt nguội. Bà hỏi Bộ GTVT khi chưa có quy định về vấn đề này, Bộ có giải pháp gì để xử lý những người bị phạt nguội mà không chịu nộp phạt?

    Đại biểu Nguyễn Hoàng Mai (Tiền Giang) cho rằng ở một số dự án giao thông trọng điểm thì năng lực nhà đầu tư còn yếu. Ông đặt câu hỏi cho Bộ trưởng Thể về việc xử lý trách nhiệm những người tham mưu và những nhà đầu tư yếu kém này. Nếu đã xử lý rồi thì đề nghị Bộ cho biết kết quả. 

    Vị đại biểu này cũng cho rằng hiện nay xuất hiện nhiều tình trạng chỉ định thầu ở một số dự án chứ không qua đấu thầu. Ông đề nghị Bộ GTVT làm rõ vấn đề này. Gửi câu hỏi đến Thủ tướng, đại biểu tỉnh Tiền Giang có câu hỏi về việc Chính phủ đã bao giờ nghĩ đến việc sử dụng quỹ bảo hiểm xã hội làm nguồn vốn cho các dự án giao thông chưa.

  • Đường sắt Cát Linh - Hà Đông phải chứng minh an toàn mới vận hành

    Đại biểu Quách Thế Tản (Hoà Bình) hỏi Bộ trưởng Giao thông khi nào dự án Cát Linh - Hà Đông đưa vào sử dụng và khai thác thương mại?

    Tư lệnh ngành giao thông Nguyễn Văn Thể cho biết rất mong muốn đưa dự án đi vào vận hành thương mại. “Đây là dự án đường sắt đô thị đầu tiên liên quan đến sinh mệnh của hành khách. Để vận hành thương mại, tư vấn phải chứng minh được an toàn hệ thống. Muốn vậy, phải được nghiệm thu, cung cấp đầy đủ thông tin liên quan”, ông Thể nói và cho biết hiện bộ đang làm việc với tư vấn về vấn đề này.

    Ông cho biết UBND Hà Nội đã chỉ đạo đào tạo 800 người vận hành, đảm bảo thuần thục thì mới vận hành thương mại. Hiện đang vận hành thử không tải.

    “Với trách nhiệm của mình, chúng tôi cố gắng phối hợp với UBND Hà Nội và cơ quan chức năng kết thúc việc nghiệm thu, chứng nhận an toàn hệ thống”, ông cam kết.

    Về thời gian, Bộ trưởng Giao thông nói đã yêu cầu tổng thầu thay đổi người quản lý, làm việc với Đại sứ quán Trung Quốc, các cơ quan chức năng để phía bạn cung cấp đầy đủ thông tin, quy trình vận hành để làm sao dự án đảm bảo an toàn tuyệt đối. Theo ông, còn nhiều dự án nữa nên nếu dự án này gặp vấn đề thì dự án khác sẽ khó khăn.

    “Nếu chúng tôi làm không hết trách nhiệm, Chính phủ, các cơ quan chức năng liên quan sẽ xử lý nghiêm minh theo pháp luật”, ông Thể nói.

  • Bộ GTVT chủ động chỉ đạo nhà đầu tư mời Kiểm toán Nhà nước vào ngay từ đầu mỗi dự án

  • Bộ trưởng nói về vấn đề tránh thất thu với loại hình xe công nghệ

  • Quy hoạch nhiều dự án cứu điểm nghẽn giao thông ĐBSCL

    Đại biểu Hồ Thanh Bình (An Giang) đề cập việc Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) có địa thế và điều kiện phù hợp để sản xuất, xuất khẩu nhiều sản phẩm. Dù được Trung ương và bộ, ngành quan tâm nhưng hạ tầng giao thông vẫn là điểm nghẽn.

    “Là tư lệnh ngành GTVT, Bộ trưởng suy nghĩ và có giải pháp gì”, đại biểu chất vấn.

    Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể cho biết ĐBSCL đang có nhiều tiềm năng như xuất khẩu gạo, trái cây, thuỷ sản với khối lượng lớn. Nhưng hàng hoá này đa số phải vận chuyển lên TP.HCM vì ở đây mới có tàu lớn. ĐBSCL có 21 cảng, nhưng cảng lớn nhất chỉ phục vụ cho tàu 20.000 tấn.

    Để phát triển khu vực này, theo ông, rất cần một cảng biển nước sâu đồng thời có hệ thống giao thông kết nối để đáp ứng yêu cầu.

    Trong kế hoạch của Bộ chuẩn bị trình Chính phủ, có quy hoạch cảng Trần Đề ở Sóc Trăng có thể đáp ứng tàu 100.000 tấn vào khai thác. Nhà đầu tư đề xuất làm cầu từ bờ ra khoảng 10 km rồi mới làm cảng ở ngoài đó. Chính phủ đồng ý sẽ huy động nguồn vốn. Một số tập đoàn trong nước đang rất quan tâm dự án này.

    “Khi có cảng này, công nghiệp khu vực này sẽ phát triển đột phá”, ông Thể nói.

    Cũng theo người đứng đầu Bộ GTVT, trong quy hoạch sẽ xây dựng cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng ra cảng Trần Đề, kết hợp với cao tốc TP.HCM - Cần Thơ có thể tạo thành hệ thống cao tốc liên hoàn để giúp cho ĐBSCL phát triển công nghiệp 2 bên đường cao tốc, giúp cảng đưa hàng hoá xuất nhập ra nước ngoài.

    “Chúng tôi nghĩ rằng dự án này rất khả thi, mong các đại biểu ủng hộ”, tư lệnh ngành giao thông nói.

  • Hàng loạt dự án tăng vốn nghìn tỷ

    Không hài lòng với câu trả lời của Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể, đại biểu Nguyễn Hữu Cầu (Nghệ An) yêu cầu Bộ trưởng phải trả lời rõ trách nhiệm của Bộ trong nhiều dự án đội vốn, chậm tiến độ.

    “Không phải chỉ có 5 dự án đường sắt như Bộ trưởng nói là đội vốn đâu. Trong tài liệu kiểm toán mà chúng tôi nghiên cứu thì có nhiều dự án đội vốn rất lớn, đề nghị Bộ trưởng phải xem lại”, ông Cầu nói và dẫn chứng dự án đường ven biển Dung Quất - Sa Huỳnh với 6 lần điều chỉnh, tăng mức đầu tư lên 3.956 tỷ; dự án thủy điện Tân Mỹ của Ninh Thuận điều chỉnh 3 lần tăng 2.687 tỷ đồng...

     Đại biểu tỉnh Nghệ An đề nghị trong vấn đề này cần phải quy trách nhiệm đến cùng những cá nhân nào để gây ra tình trạng thất thoát lãng phí này để xử lý nghiêm, răn đe cho những dự án sau.

  • Bộ trưởng cam kết xử lý nghiêm trung tâm đào tạo lái xe vi phạm

    Trước quan ngại về chất lượng công trình, tiến độ thi công vào mùa mưa của Bộ Giao thông Vận tải, ông Nguyễn Văn Thể khẳng định công tác xây dựng cơ bản phải thực hiện đúng trình tự, quy định và phù hợp với điều kiện thực tiễn.

    Về vấn đề cầu Đại Ngãi, Bộ trưởng báo cáo Quốc hội Bộ GTVT đã hoàn thành hồ sơ dự án cầu trình Chính phủ và Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tổ chức thẩm định để bố trí nguồn vốn. Theo đó, một tổ chức của Nhật Bản đang rất quan tâm đến dáng cầu.

    Về câu hỏi của đại biểu Bùi Thị Thủy (Thanh Hóa), Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nhìn nhận hiện nay có mâu thuẫn giữa lợi nhuận và chất lượng của các trung tâm đăng kiểm xe cơ giới. Bộ GTVT cho rằng để đảm bảo hài hòa Bộ đã kết nối các trung tâm kiểm định xe với Cục Đăng kiểm Việt Nam.

    Ông Thể cũng khẳng định có tình trạng người dân đi đến các trường thi xa hơn địa bàn của mình vì nghe rằng ở chỗ đó thi dễ hơn. Bộ trưởng Bộ GTVT cam kết sẽ tăng cường kiểm tra và xử lý nghiêm các trung tâm vi phạm quy định pháp luật.

  • Về ý kiến của đại biểu Nguyễn Ngọc Phương, ông Thể nói cao tốc Bắc - Nam phía Đông là một dự án lớn. Chúng ta có 8 dự án PPP, nhưng nguồn lực ngân sách cũng khó khăn, nhiều DN đã đầu tư BOT giai đoạn trước nên nay nguồn lực rất hạn chế, tín dụng ngân hàng đầu tư nhiều cho BOT nên DN trong nước khó khăn nhiều về nguồn vốn.

    Tuy nhiên, đây là dự án trọng điểm nên cần thực hiện đúng các quy định, đặc biệt về đấu thầu. Bộ GTVT đã cho đấu thầu quốc tế, thuê 2 tư vấn nước ngoài cùng chúng ta lập hồ sơ mời thầu, các bộ có liên quan cho ý kiến để cố gắng thực hiện đấu thầu thu hút nguồn vốn nước ngoài.

    Để tạo điều kiện cho doanh nghiệp trong nước, Bộ trưởng Thể khuyến cáo DN trong nước có thể liên doanh để có tài chính của DN đảm bảo 20% theo đúng nghị quyết của Quốc hội, hay thu xếp nguồn vốn tín dụng thuận lợi hơn. DN trong nước có thể liên doanh với DN nước ngoài.

    “Chúng tôi nghĩ rằng với những dự án này nếu các DN liên doanh với nhau hoàn toàn có thể thực hiện được. Chúng tôi bán được 81 hồ sơ với 34 doanh nghiệp trong và ngoài nước. Chúng tôi sẽ cố gắng tháng 8 mở thầu để sơ tuyển và tháng 9 báo cáo Quốc hội việc đấu thầu”, ông Thể nói.

    Về ý kiến đại biểu Phương (Ninh Bình), tư lệnh ngành giao thông khẳng định luôn trân trọng sự giúp đỡ của Kiểm toán Nhà nước.

  • Bộ trưởng nhận trách nhiệm của Bộ GTVT việc tài xế sử dụng ma túy

    Bộ trưởng Thể trả lời câu hỏi của đại biểu Nguyễn Hữu Cầu về trách nhiệm của các dự án đội vốn. Ông nói dưới Bộ có chủ đầu tư, vừa qua, Thanh tra Bộ đã thanh tra tất cả dự án dư luận và báo chí phản ánh về chất lượng, cùng với Thanh tra Chính phủ, Kiểm toán Nhà nước, cơ quan điều tra Bộ Công an tiến hành xử lý.

    Với dự án chậm do yếu tố khách quan, như giải phóng mặt bằng, bố trí vốn không kịp thời, Bộ trưởng Thể cho rằng có thể kiểm điểm rút kinh nghiệm. Nhưng với trách nhiệm có nguyên nhân chủ quan từ phía chủ đầu tư hay DN thì sẽ xử lý nghiêm theo quy định, kể cả chuyển hồ sơ cho công an.

    Theo Bộ trưởng Giao thông, đa số các dự án đội vốn rơi vào các dự án đường sắt đô thị và đây là công nghệ mới, chủ yếu được phê duyệt trước giai đoạn 2008. Giai đoạn 2008-2009 là thời gian khủng hoảng nghiêm trọng, riêng năm 2009 trượt giá gần 20%. Theo thống kê từ 2009-2013 trượt giá đến 49%.

    “Như vậy có yếu tố công nghệ mới, có yếu tố trượt giá và thay đổi quy mô, chủ trương đầu tư nên có dự án đội vốn”, ông Thể giải thích.

    Ông cho biết các cơ quan chức năng sẽ vào cuộc kiểm tra các dự án đội vốn và xử lý nghiêm theo quy định. Các BQL dự án và đơn vị thi công cũng biết chúng ta thực hiện nghiêm quy định của pháp luật.

    Về trách nhiệm của Bộ, ông Thể cho biết đã điều chuyển một số giám đốc BQL dự án và kiểm điểm cuối năm khi xếp loại cán bộ đã xếp loại hoàn thành thay vì hoàn thành tốt.

    Về ý kiến liên quan lái xe nghiện ma túy, ông Thể thừa nhận có trách nhiệm của bộ trong quản lý DN đăng ký kinh doanh vận tải. Ông cho biết đang tăng cường kiểm tra, yêu cầu các sở GTVT chỉ đạo thanh tra sở tiến hành thanh tra các DN, các đơn vị sử dụng nhiều lái xe để quản lý phương tiện cũng như tình trạng sử dụng lao động của DN, đặc biệt tình trạng sức khỏe của lái xe.

    Về trách nhiệm của Bộ GTVT, ông cho biết bộ đã chỉ đạo Tổng cục đường bộ và phối hợp với các địa phương thanh tra một số đơn vị, bộ rất tập trung công tác này.

  • Bộ trưởng Thể nói về nhiều dự án đội vốn, chậm tiến độ

  • Dân có phải trả tiền oan cho 222 năm thu phí ở 61 dự án BOT không?

    Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương nêu nhiều doanh nghiệp trong nước khó tham gia các dự án giao thông. Dự án giao thông lớn cần mời gọi đầu tư nước ngoài, ông Phương đề nghị Bộ trưởng cho biết nhận thức vấn đề này thế nào? Làm sao tạo điều kiện cho các DN trong nước tham gia? Phải làm gì để DN nước ngoài đầu tư vào Việt Nam đúng thời hạn và không gây vướng mắc, cản trở?

    Đại biểu Bùi Văn Phương (Ninh Bình) cho biết sau khi kiểm toán 61 dự án BOT giao thông, Kiểm toán Nhà nước kiến nghị giảm 222 năm thu phí. Nhưng trước đó hai Bộ GTVT và KH&ĐT với nhiều lập luận cho rằng Kiểm toán Nhà nước không được kiểm toán dự án BOT giao thông do đây là dự án của nhà đầu tư tư nhân.

    "Vì sao 2 bộ không muốn kiểm toán các dự án BOT giao thông? Nếu Kiểm toán không kiên quyết thì dân có phải trả tiền oan cho 222 năm thu phí của 61 dự án BOT không? Và có lợi ích nhóm ở đây không?", đại biểu nêu hàng loạt câu hỏi.

    Chat van Bo truong Giao thong Nguyen Van The anh 2

  • Có trách nhiệm cá nhân không?

    Đại biểu Trương Minh Hoàng (Cà Mau) hỏi về nghị quyết 556 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội hầu hết các dự án được triển khai vào mùa mưa. “Bộ trưởng có cam kết việc thực hiện sẽ đảm bảo chất lượng công trình và tiến độ không”, đại biểu chất vấn.

    Câu hỏi thứ hai là cầu Đại Ngãi đã khởi động và dự kiến hoàn thành năm 2019, nhưng đến nay chưa khởi công, vậy dự án này có làm nữa hay không và khi nào hoàn thành.

    Câu hỏi thứ ba đại biểu Hoàng chất vấn về thu phí không dừng, vì sao đến nay vẫn khó đến vậy, mới chỉ đạt hơn 30%. Việc này do không cương quyết hay do nguyên nhân nào khác?

    Đại biểu Bùi Thị Thủy (Thanh Hóa) chất vấn về giải pháp mâu thuẫn giữa mục tiêu lợi nhuận của doanh nghiệp đăng kiểm và mục đích cao nhất trong hoạt động kiểm định cơ giới là đảm bảo an toàn cho con người, phương tiện. Theo Bộ trưởng, đây có phải là nguyên nhân chính của hạn chế kiểm soát chất lượng phương tiện.

    Nữ đại biểu cũng chất vấn về tình trạng người học lái xe di chuyển từ địa phương này sang địa phương khác để “thi dễ hơn”.

    Đại biểu Nguyễn Hữu Cầu (Nghệ An) gửi 2 câu hỏi. Một là hiện các dự án của ngành giao thông có nhiều tồn tại như chậm tiến độ, đội vốn. “Có trách nhiệm cá nhân không hay chỉ là trách nhiệm tập thể?”, ông hỏi và nói muốn xử lý đến cùng trách nhiệm cá nhân.

    Hai là tình trạng lái xe uống rượu bia và sử dụng ma túy gây TNGT nghiêm trọng thì trách nhiệm của Bộ GTVT thế nào? Giải pháp ra sao?

  • Tăng hình phạt với lái xe vi phạm

    Trả lời ĐB Phạm Huyền Ngọc, Bộ trưởng Thể nói: 

    Một số TNGT nghiêm trọng gây bất an xã hội có liên quan tới lái xe. Ngoài công tác đào tạo sát hạch còn công tác quản lý lái xe trong quá trình vận hành. Theo thống kê, tai nạn xảy ra thường với tài xế thâm niên 8-10 năm. Chứng tỏ không phải lái xe mới nhận bằng.

    Để xử lý, ngoài việc tăng cường đào tạo, cần kiểm tra giám sát hoạt động của doanh nghiệp, lái xe, nhất là việc sử dụng rượu bia. Chúng tôi sẽ nghiên cứu tăng mức hình phạt với lái xe vi phạm.

    Chat van Bo truong Giao thong Nguyen Van The anh 3

  • Trả lời đại biểu Ma Thị Thúy (Tuyên Quang) về vấn đề đường xuống cấp nhanh, Bộ trưởng Thể nói:

    Chúng tôi thấy việc quản lý xe quá khổ là trách nhiệm của toàn hệ thống chính trị, ở Bộ GTVT có Cục Đăng kiểm, khi đăng kiểm các xe đều phải đúng kích thước. Tuy nhiên thực tế sau khi đăng kiểm chủ phương tiện cơi nới thùng xe gây quá khổ quá tải, việc này xảy ra ở các địa phương, chúng tôi đã chỉ đạo thanh tra giao thông các cấp và các địa phương tăng cường kiểm tra xử lý nghiêm xe quá khổ quá tải.

    Hiện nay các phương tiện này tập chung chủ yếu ở đường tỉnh, huyện, các xe này không dám lưu thông trên quốc lộ. Chúng tôi sẽ phối hợp với chính quyền địa phương tăng cường giám sát để xử lý nghiêm hành vi này.

    Về công tác sát hạch lái xe, đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến tai nạn giao thông phức tạp. Chúng tôi chỉ đạo cục đăng kiểm, thanh tra bộ kiểm tra các cơ sở đào tạo sát hạch. Chúng tôi tham mưu cho Chính phủ cuối 2018 ban hành nghị định 165 về cơ sở đào tạo.

    Việc điều chỉnh Nghị định 46, Nghị định 86 đã lồng ghép các nội dung như tăng cường giờ học, thời gian học trên đường, tăng độ khó của đề thi, tăng tình huống có thể rớt ngay. Ví dụ xe vượt đèn đỏ đường sắt, vượt đường vực chúng tôi đề xuất cho rớt ngay. Với trách nhiệm của mình, chúng tôi sẽ cố gắng cải tiến hơn nữa công tác sát hạch lái xe.

  • Tuyến tránh cũng quá tải

    Trả lời đại biểu Phú Yên Nguyễn Hồng Vân, Bộ trưởng Thể nói:

    Chúng tôi thấy việc mở rộng quốc lộ 1 là giải pháp rất tốt để đảm bảo ATGT. Khi triển khai do ngân sách rất hạn chế, chúng ta làm một số tuyến tránh qua các đô thị với mong muốn một phần xe đi trên tuyến tránh. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng xe rất nhanh, các tuyến tránh chỉ làm 2 làn xe dẫn đến quá tải, nguy cơ xảy ra tai nạn như ở Quảng Nam. Chúng tôi nhận thức được trách nhiệm của mình. 

    Để nâng cấp tuyến tránh rất cần thiết, nhưng cần nguồn lực. Trong nhiệm kỳ này chúng ta đã phân bổ nguồn lực từ đầu nhiệm kỳ, đến nay chỉ còn 10% dự phòng nên rất khó.

    Chat van Bo truong Giao thong Nguyen Van The anh 4

  • Giải pháp nào cho giao thông Đồng bằng sông Cửu Long

    Đại biểu Nguyễn Hồng Vân (Phú Yên) cho biết sau vụ tai nạn thảm khốc tại Quảng Nam vào tháng 7/2018 làm 13 người thương vong, các cơ quan chức năng đã khảo sát các tuyến tránh đi qua địa bàn tỉnh Phú Yên. Các tuyến tránh này vừa không đạt yêu cầu, vừa xuống cấp gây mất an toàn giao thông cao. Vị đại biểu đề nghị Bộ GTVT làm rõ chủ trương của bộ để khắc phục tình trạng trên.

    Đại biểu Ma Thị Thúy (Tuyên Quang) cho rằng hiện nay cơ quan chức năng vẫn đang khó khăn trong kiểm soát xe quá khổ, quá tải khiến hệ thống đường giao thông bị xuống cấp gây lãng phí cho Nhà nước và nguy hiểm cho người tham gia giao thông. Đại biểu yêu cầu Bộ trưởng GTVT làm rõ những nguyên nhân và giải pháp cho vấn đề này. Ngoài ra, nữ đại biểu tỉnh Tuyên Quang cũng đề cập đến công tác đào tạo sát hạch, người thực thi công vụ trong đào tạo lái xe còn nhiều bất cập, tiêu cực, hạn chế. Bà yêu cầu Bộ trưởng trả lời về vấn đề này và nêu giải pháp trong thời gian tới.

    Đại biểu Phạm Huyền Ngọc (Ninh Thuận) cho biết cử tri đang hết sức bức xúc với hàng loạt các vụ việc tai nạn nghiêm trọng, thương tâm trong thời gian vừa qua do các tài xế say rượu gây ra. Ông cho rằng một trong những nguyên nhân là chế tài xử phạt chưa đủ sức răn đe và đào tạo sát hạch, thi lái xe chưa đảm bảo quy củ, nghiêm túc. Ông đề nghị Bộ trưởng Thể trả lời về các giải pháp để nâng cao ý thức, đạo đức trách nhiệm người tham gia giao thông.

    Đại biểu Dương Tấn Quân (Bà Rịa - Vũng Tàu) đặt ra các vấn đề hệ thống giao thông ở các vùng như Đồng bằng sông Cửu Long, vùng Tây Bắc, miền núi còn nhiều khó khăn. Ông yêu cầu người đứng đầu ngành GTVT trả lời về trách nhiệm, giải pháp của Bộ để giải quyết khó khăn trên.

    Đại biểu Bạch Thị Hương Thủy (Hòa Bình) nêu ra một loạt các công trình giao thông trọng điểm của Nhà nước đang lâm vào tình trạng đội vốn lớn, chậm tiến độ. Trong đó có 69 dự án nợ đọng, bà yêu cầu Bộ trưởng trả lời làm rõ phương hướng giải quyết những dự án này.

  • 5 dự án đường sắt đô thị đội vốn hàng chục nghìn tỷ đồng, chậm tiến độ

    Liên quan đến danh sách những dự án giao thông đội vốn, chậm tiến độ, báo cáo của Bộ Giao thông nhắc đến dự án đường sắt đô thị, trong đó có 3 dự án do Hà Nội và TP.HCM làm chủ đầu tư, 2 dự án do Bộ Giao thông làm chủ đầu tư.

    Cụ thể, dự án đường sắt đô thị TP.HCM, tuyến số 1 Bến Thành - Suối Tiên theo kế hoạch hoàn thành trong năm 2020. Dự án đề xuất điều chỉnh tổng mức đầu tư lên 47.325 tỷ đồng, dự kiến tăng 29.937 tỷ đồng so với tổng mức đầu tư được phê duyệt ban đầu.

    Dự án đường sắt đô thị TP.HCM, tuyến số 2 Bến Thành - Tham Lương theo kế hoạch hoàn thành ban đầu trong năm 2020. Dự án điều chỉnh tổng mức đầu tư lên 47.891 tỷ đồng, dự kiến tăng 21.775 tỷ đồng.

    Dự án đường sắt đô thị Hà Nội tuyến số 3 Nhổn - Ga Hà Nội dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2018. Dự án đề xuất điều chỉnh tổng mức đầu tư lên 32.910 tỷ đồng, dự kiến tăng 14.502 tỷ đồng.

    Dự án đường sắt đô thị Hà Nội tuyến Cát Linh - Hà Đông do Bộ GTVT làm chủ đầu tư hoàn thành ban đầu trong năm 2016. Dự án điều chỉnh tổng mức đầu tư lên 18.001 tỷ đồng, tăng 9.232 tỷ đồng.

    Dự án đường sắt đô thị Hà Nội tuyến số 1 Yên Viên - Ngọc Hồi do Bộ Giao thông làm chủ đầu tư, giai đoạn 1 của dự án đã được điều chỉnh tiến độ, thực hiện từ 2017 đến 2024; giai đoạn 2 từ 2012 đến 2020 đang thực hiện các thủ tục để điều chỉnh tiến độ thực hiện. Dự án điều chỉnh tổng mức đầu tư lên khoảng 30.427 tỷ đồng, tăng 5.602 tỷ đồng.

  • Cạnh tranh giữa taxi và xe công nghệ điện tử

    Trước đó, trong báo cáo gửi đến Quốc hội, Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể đã đề cập đến việc quản lý loại hình xe hợp đồng điện tử.

    Ông cho biết sau 2 năm thí điểm xe hợp đồng điện tử (Grab, Uber, Fastgo...) tại 4 tỉnh, thành phố đã có 14 đơn vị cung cấp phần mềm ứng dụng (13 doanh nghiệp Việt Nam và 1 nước ngoài), hơn 46.000 phương tiện tham gia ứng dụng hợp đồng điện tử.

    Tư lệnh ngành giao thông nhận định sự cạnh tranh giữa kinh doanh vận tải theo hợp đồng điện tử và taxi đã phát sinh nhiều kiến nghị từ các đơn vị kinh doanh taxi truyền thống. Trong khi đó cơ quan quản lý Nhà nước thiếu công cụ điều hành do chưa có quy định pháp lý về loại hình xe chạy theo hợp đồng điện tử.

    Xuất phát từ thực tế đó, Bộ GTVT đề xuất nên quản lý như taxi với tất cả xe chạy theo hợp đồng điện tử. Quy định này sẽ được nêu tại Nghị định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng ôtô, thay thế Nghị định 86/2014. Về lâu dài, Bộ sẽ đề xuất quy định loại hình kinh doanh vận tải này tại Luật Giao thông đường bộ sửa đổi, bổ sung Luật Giao thông đường bộ năm 2008.

  • Bộ trưởng cam kết trả lời tốt chất vấn của đại biểu

    Về lĩnh vực ATGT, theo Bộ trưởng Thể, đây là vấn đề cả nước quan tâm vì gắn liền với cuộc sống người dân, nhiều năm qua tình hình TNGT đang từng bước được kiểm soát tốt hơn nhưng hiện vẫn ở mức cao. “Đây là trách nhiệm lớn của ngành giao thông vận tải và cơ quan chức năng”, ông Thể nhìn nhận.

    Về công tác quản lý vận tải, Bộ bám sát Luật Giao thông đường bộ, các nghị định của Chính phủ, thông tư để điều hành nhưng thời gian gần đây xuất hiện loại hình xe công nghệ mà một số nước cũng đã gặp khó khăn. Ở Việt Nam, ông Thể cho biết đã có thí điểm và đã có sơ kết, Bộ GTVT cam kết sẽ đảm bảo hoạt động vận tải tốt nhất nên mong muốn nhận được ý kiến của đại biểu Quốc hội để thực hiện tốt hơn.

    Về thu phí tự động không dừng, ông Thể cho hay Bộ GTVT hiện tập trung hoàn thiện theo tiến độ Chính phủ chỉ đạo.

    “Thời gian qua, ngành GTVT đã cố gắng rất nhiều để đáp ứng yêu cầu về phát triển hạ tầng, quản lý vận tải và đảm bảo an toàn giao thông, nhưng chúng tôi biết nhu cầu rất lớn mà khả năng có hạn. Chúng tôi cảm ơn sự ủng hộ của Đảng, Nhà nước và nhân dân vì đây là cơ sở để chúng tôi hoàn thành tốt nhiệm vụ”, tư lệnh ngành giao thông nói và cam kết sẽ cố gắng trả lời tốt nhất chất vấn của các đại biểu.

  • Nhu cầu về giao thông rất lớn nhưng ngân sách còn hạn chế

    Ngay đầu phiên chất vấn Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân thông báo đã có 66 đại biểu đăng ký chất vấn.

    Báo cáo trước Quốc hội, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết thời gian qua Bộ GTVT đã nhận được nhiều ý kiến cử tri và đại biểu Quốc hội. Với trách nhiệm của mình, Bộ GTVT đã tiếp thu và làm tốt trách nhiệm.

    “GTVT là ngành kinh tế đặc biệt, là mạch máu của nền kinh tế, nhu cầu của xã hội rất lớn và cần có ngân sách, nhưng hiện nay ngân sách của ta còn hạn chế, vì thế hệ thống giao thông còn nhiều bất cập, đầu tư còn chưa đảm bảo được một số vùng miền”, ông Thể nói đồng thời nhấn mạnh với nguồn vốn được giao, Bộ cố gắng tham mưu Chính phủ thực hiện những dự án trọng điểm nhất, tốt nhất.



Nhóm phóng viên

Bạn có thể quan tâm