Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Sân bay Long Thành chưa hoạt động, giao thông kết nối đã ùn tắc

Hệ thống giao thông kết nối giữa TP.HCM và các tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu đang hoạt động hết công suất trước khi dự án Sân bay Long Thành đưa vào khai thác.

Tại tọa đàm "Đột phá hạ tầng thúc đẩy vùng kinh tế TP.HCM - Đồng Nai - Bà Rịa Vũng Tàu" do Báo Giao Thông tổ chức diễn ra sáng 22/12, tiến sĩ Trần Du Lịch - Thành viên tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng - nhận định cao tốc 4 làn xe hiện nay sẽ không thể đáp ứng đủ nếu Sân bay Long Thành được xây dựng đúng tiến độ.

Quá tải giao thông giữa các tỉnh Đông Nam Bộ

Cụ thể, ông Lịch chỉ ra đoạn đường từ Quốc lộ 51, Đồng Nai về đến vòng xoay An Phú, TP.HCM nhiều lúc tắc nghẽn nặng. Mặc dù đã có quy hoạch phát triển giao thông liên vùng như các tuyến Vành đai 3, 4, cao tốc Biên Hoà - Vũng Tàu, cả chục năm qua vẫn nằm trên giấy.

Theo ông Lịch, nếu không có những tuyến kết nối mới giữa TP.HCM với các tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, sẽ tạo thêm một điểm tắc mới khi sân bay Long Thành đi vào hoạt động.

Ông Phan Công Bằng - Phó giám đốc Sở Giao thông Vận tải TP.HCM - cho biết tuyến Vành đai 3 là dự án TP.HCM và các tỉnh Đông Nam Bộ rất quan tâm và cố gắng giải quyết những vấn đề tồn đọng để sớm đưa tuyến đường này vào phục vụ người dân.

Ap luc giao thong khi San bay Long Thanh anh 1

Ông Phan Công Bằng, Phó giám đốc Sở Giao thông Vận tải TP.HCM cho biết tuyến cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây hiện nay có 4 làn nhưng đã quá tải. Ảnh: Hà Bùi.

Ông Phan Công Bằng nhấn mạnh tuyến Vành đai 3 có chiều dài 90 km trải trên địa phận 4 địa phương là TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai và Long An. Đây là một dự án rất cần thiết và là điểm đầu của tuyến cao tốc TP.HCM - Mộc Bài. Nếu không có tuyến Vành đai 3, dự án cao tốc TP.HCM - Mộc Bài cũng không khả thi. Tuyến cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây hiện nay có 4 làn nhưng đã quá tải, đến khi Sân bay Long Thành đi vào hoạt động tình hình sẽ rất cấp thiết. Cùng với đó, ông cũng nhấn mạnh tuyến Vành đai 4 có thể triển khai muộn hơn, khoảng sau 2026.

"Chúng tôi đã có rất nhiều buổi làm việc để giải quyết, tháo gỡ các vướng mắc. Hiện nay, vấn đề lớn nhất của dự án này là vốn đầu tư. TP.HCM đã nghiên cứu nhiều phương án cụ thể như đầu tư theo hình thức PPP, đầu tư công... Chúng tôi đánh giá đầu tư công là phương án có thể giải quyết nhanh chóng nhưng nguồn tiền rất hạn chế, đặc biệt là qua đợt dịch Covid-19 vừa qua", ông Phan Công Bằng giải thích.

Đối với nút giao An Phú, đại diện Sở GTVT TP.HCM cho biết HĐND TP.HCM đã phê duyệt phương án đầu tư công với tổng vốn 4.000 tỷ đồng và đang gửi lên Thủ tướng phê duyệt. TP kỳ vọng dự án sẽ được phê duyệt và khởi công trong năm 2022.

Động lực lớn để phát triển kinh tế vùng

Chia sẻ về vai trò của kết nối vùng với phát triển kinh tế địa phương, ông Dương Văn Đông - Phó giám đốc Sở Giao thông Vận tải tỉnh Đồng Nai - đánh giá hiện nay, tuyến cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu đang được tỉnh kỳ vọng sẽ sớm hoàn thiện.

"Tuyến cao tốc hình thành sẽ có tác động rất lớn đến vận chuyển hàng hóa từ các khu công nghiệp tại tỉnh Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu đến các cảng. Từ đó làm giảm chi phí logistic để xuất khẩu hàng hóa. Bên cạnh đó, dự án sẽ giúp tăng tính kết nối giữa Sân bay quốc tế Long Thành đến các cảng quốc tế. Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã đề xuất dùng vốn đầu tư công để đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án và chúng tôi rất ủng hộ phương án này", ông Dương Văn Đông nói thêm.

Ap luc giao thong khi San bay Long Thanh anh 2

Tình trạng kẹt xe kéo dài tại đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây. Ảnh: Quỳnh Danh.

Theo TS Trần Du Lịch, các tuyến đường giao thông đối ngoại của vùng là nhân tố quan trọng đóng vai trò kích thích sự phát triển của các trụ cột kinh tế địa phương.

Ông dẫn chứng tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu có mạng lưới giao thông đối nội rất tốt nhưng chỉ có Quốc lộ 51 phục vụ giao thông đối ngoại. Nếu có hệ thống kết nối tốt, 5 trụ cột kinh tế của tỉnh bao gồm logistic, du lịch, vai trò cửa ngõ kết nối vùng, ngư nghiệp và phát triển đô thị hóa sẽ được đẩy mạnh.

Chia sẻ ở góc độ nhà đầu tư, ông Đinh Hồng Hà, Tổng giám đốc Công ty CP Phát triển đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu (BVEC) và cũng là chủ đầu tư dự án mở rộng Quốc lộ 51 cho biết doanh nghiệp đã thực hiện khảo sát từ hơn 10 năm trước nhưng vẫn chưa được triển khai.

"Nếu chính quyền địa phương chuyển đổi dự án sang hình thức đầu tư công, cần lưu ý đặc biệt về vấn đề giải phóng mặt bằng. Trục QL 51 đều đã đô thị hóa với mật độ cư dân sinh sống cao, trong khi hệ thống giao thông tắc nghẽn và quá tải trầm trọng. Ở phía vốn vay, hiện nay các ngân hàng cũng rất khắt khe khi cho vay các dự án BOT giao thông", ông Đinh Hồng Hà nhấn mạnh.

Cửa ngõ cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây kẹt xe kéo dài hàng km

Sau kỳ nghỉ lễ 30/4 - 1/5, hàng nghìn ôtô đổ về TP.HCM gây kẹt xe kéo dài hàng km tại cửa ngõ cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, hướng vào trung tâm thành phố.

Sau 2 lần chậm tiến độ, cây cầu hơn 500 tỷ đồng ở TP.HCM được thông xe

Nhánh 1 của dự án cầu Bưng (quận Tân Phú, TP.HCM) được hoàn thành và đưa vào khai thác ngày 5/12, nhánh cầu còn lại dự kiến hoàn thành ngày 2/9/2022.

Hà Bùi

Bạn có thể quan tâm