Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

#FORMAT

Sắm món Tết ở khu ‘chợ Bắc’ trung tâm TP.HCM

Những ngày này, các gian hàng trên đường Chu Mạnh Trinh (quận 1) tấp nập hơn thường. Người dân đến khu "chợ" tuổi đời mấy chục năm để mua bánh chưng, giò chả bày cỗ Tết.

Những ngày này, bà Kim Phương (54 tuổi) vẫn bận rộn bày biện thêm nhiều món tại gian hàng chưa đầy 5 m2 trên đường Chu Mạnh Trinh (quận 1). Bà bán đặc sản Hà Nội và các tỉnh phía Bắc.

Người dân quen gọi khu bà Phương bán là “chợ Bắc”, dù cả con đường có vỏn vẹn 4-5 gian hàng. Những ngày cúng ông Táo đến cuối tháng chạp, mấy gian hàng này bán nhiều thứ hơn, chủ đạo là các món, nguyên liệu để làm cỗ Tết kiểu Bắc.

Mấy chục năm bán đặc sản miền Bắc

Bà Kim Phương định cư ở TP.HCM từ sau năm 1975. Nhận thấy nhu cầu thực phẩm của người Bắc ở thành phố không nhỏ, bà bắt tay vào buôn bán mặt hàng cho cộng đồng này, đến nay hơn 20 năm.

“Trước có một tiệm đồ Bắc ở đường Hai Bà Trưng (quận 1) bán đắt hàng. Mới vào đây, tôi quyết định làm theo để có kế sinh nhai. Các tiểu thương cạnh tôi cũng đều là người gốc Bắc và tập trung bán ở con đường này”, bà Phương kể.

Gian hàng của bà Kim Phương có đủ thứ nguyên liệu và món Bắc như bánh chưng, giò chả, xôi chè, bóng bì, miến dong, bánh khảo, trà… Những món tươi, mới làm, hạn sử dụng ngắn ngày đều được nhập từ ngoài Bắc vào bằng máy bay.

“Đồ ăn vùng nào thức nấy sẽ chuẩn vị hơn. Các món dùng nguyên liệu ngoài đó, tay nghề và cách chế biến của người ngoài đó sẽ mang đặc trưng hương vị Bắc hơn”, bà Phương nêu quan điểm, cũng là nguyên nhân bà chủ yếu nhập hàng.

Cách gian bà Kim Phương khoảng vài mét là hộ kinh doanh của bà Kim Liên (62 tuổi). Mỗi ngày, cả nhà bà Liên rục rịch nhóm lửa nấu xôi từ tờ mờ sáng. Cùng lúc, nồi bánh chưng đun từ hôm trước cũng gần nấu xong.

Bán hàng ở đường này khoảng 15 năm, bà Kim Liên chủ yếu tự chế biến đặc sản thay vì nhập đồ ngoài Bắc vào. Mặt hàng chủ yếu của nhà bà Liên là bánh chưng, giò chả, xôi, bánh cuốn, thịt đông, nem…

sam Tet o cho Bac o quan 1 anh 3

Ngày nào bánh chưng cũng có mặt ở gian hàng Kim Liên. Mấy ngày cận Tết, bà Liên nấu cả trăm cặp bánh chưng. Giá một chiếc bánh chưng ở các gian hàng năm nay dao động 50.000-100.000 đồng/cái. Ảnh: Ý Linh.

Hàng chục năm qua, TP.HCM là nơi an cư lạc nghiệp của nhiều người miền Bắc. Những người đã định cư lâu dài, hay chân ướt chân ráo đến đây sinh sống, đều khó có thể quên hương vị gốc gác trong những món ăn. Vì thế, những địa chỉ bán đặc sản miền ngoài có mặt ngày càng nhiều giữa thành phố.

Song, những gian hàng trên đường Chu Mạnh Trinh mang khung cảnh cũ kỹ với cách bày biện giản đơn như các chợ quê miền Bắc, nằm giữa các nhà cao tầng và kiến trúc hiện đại ở đây lại gây ấn tượng trong mắt nhiều người ở TP.HCM.

“Đầu đường Chu Mạnh Trinh có trạm xe đạp công cộng, tôi vô tình đạp xe đi chơi qua mấy gian hàng mà như thấy cả quê nhà. Nhìn những tấm bánh chưng xanh, những củ hành trắng nõn, tôi trực trào nước miếng và quyết định đặt vé về Bắc sớm hơn dự định”, một bạn trẻ (26 tuổi, người Hải Dương) đã cập nhật dòng tâm trạng của mình trên mạng xã hội hôm 24/1.

Nơi sắm Tết quen thuộc

Trên con đường Chu Mạnh Trinh không mấy đông đúc, “chợ Bắc” ở đây không có cảnh tấp nập như những khu chợ khác. Phần lớn khách đến đây đều quen thuộc những món hàng, quen chủ, quen giá, họ ghé mua một cách nhanh gọn rồi đi. Thỉnh thoảng có khách vãng lai đi chầm chậm nhìn vào xem rồi mới vào mua.

Sáng 29/1 (27 tháng chạp), chị Minh Huệ (ngụ đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, quận 1) đến gian hàng bà Kim Liên để sắm vài món. Sau khi đã chọn được mấy cặp bánh chưng cất lên ôtô, chị còn quay lại lựa thêm trái bưởi Diễn, hũ hành ngâm.

“Nói chung đồ ở đây tôi yên tâm đúng vị Bắc, giống với hương vị truyền thống thời bé, thời trẻ tôi được thưởng thức khi còn ở Hà Nội”, chị Huệ nhận xét.

Chị Minh Huệ vào sống ở TP.HCM khoảng 30 năm. Mỗi dịp Tết, chị đều mua món Bắc cho bữa cơm gia đình, từ lúc còn đi xe máy cho đến nay các con của chị đã lớn có thể lái ôtô chở mẹ.

sam Tet o cho Bac o quan 1 anh 4

Gian hàng không quá đông đúc, chị Minh Huệ có đủ không gian để cẩn thận lựa từng món hàng. Ảnh: Ý Linh.

“Tôi đã mua hàng ở phố này hơn chục năm. Đây cũng là địa chỉ quen mà họ hàng, người quen gốc Bắc của tôi hay đến. Mua hàng ở đây dễ hơn vì không phải gửi xe, không phải chen chúc trong chợ, tôi đỡ tốn thời gian chờ đợi và thoải mái lựa chọn”, vị khách nữ cho hay.

Còn bà Ánh Carthy (80 tuổi, ngụ đường Ngô Văn Năm, quận 1) cho biết ngày nào cũng đi bộ qua gian hàng Kim Phương, khi thì mua vài món, hoặc chỉ để nói chuyện phiếm với bà Phương. Hai ngày trước đêm giao thừa, bà Ánh mua cặp bánh chưng chay và bộ vàng mã để cúng.

Theo lời kể của bà Phương, bà Ánh người gốc miền Tây là Việt kiều Australia, về TP.HCM an hưởng tuổi già. Bà Ánh đón Tết đa dạng, năm thì bánh tét, năm thì bánh chưng, nhưng đều là món chay.

“Tôi không phân biệt món Nam, món Bắc trong ngày Tết, cứ là món truyền thống của người Việt và là đồ chay, tôi thấy ngon là ăn hoài”, bà Ánh Carthy niềm nở nói.

sam Tet o cho Bac o quan 1 anh 5

Chủ hàng Kim Phương cũng biết thói quen ăn uống của bà Ánh (bên trái) sau nhiều năm bán cho vị khách 80 tuổi này. Ảnh: Ý Linh.

Tết năm nay vãn khách hơn

Khoảng thời gian này những năm trước, bà Kim Phương phải luôn tay luôn chân đứng lên ngồi xuống bán hàng vì khách đông nườm nượp. Khoảng 1-2 tuần trước Tết năm nay, bà Phương thong dong hơn.

Bà Phương nghĩ lý do vắng khách và sức mua giảm năm nay là do nhiều người đã rời TP.HCM vì ảnh hưởng dịch, đồng thời thu nhập của người dân bị ảnh hưởng. “Có tiền người ta mới đi mua này mua nọ, không có thì họ sẽ tối giản chi tiêu, thay vì mua bánh chưng to thì mua chiếc nhỏ, mua mỗi món ít hơn mọi năm”, bà Phương nói.

Năm ngoái, Covid-19 đã khiến việc buôn bán Tết của bà Kim Liên có phần lao đao. Năm nay thậm chí bà bán ế hơn. Mấy món tự làm như bánh chưng, giò chả, xôi… bà Liên giảm số lượng xuống, vì nếu bán không hết trong 1-2 ngày phải bỏ đi phí phạm.

“Nhìn mấy chục tấm bánh chưng nguội dần trước mặt mà mãi không có khách mua, tôi cũng bứt rứt. Năm nay còn không có đêm 30, tôi thấy Tết này không như trước…”, người phụ nữ ngoài 60 tuổi trầm ngâm.

Bạn đọc ở TP.HCM có câu chuyện muốn chia sẻ hay vấn đề cần phản ánh có thể gửi thông tin về hộp mail Saigontalk@zing.vn.

Về quê ăn Tết, chủ nuôi ở TP.HCM tìm phương án đỡ tốn kém

Về quê ăn Tết gần chục ngày, chị Đào để mèo một mình ở nhà "tự thân vận động". Các chủ nuôi ở TP.HCM có những cách khác nhau mà không cần chi hàng triệu đồng để gửi thú cưng.

Người dân đi chợ Tết quê ở chung cư TP.HCM

Còn chưa đầy nửa tháng là đến Tết Nguyên đán, cư dân chung cư Vinhomes Central Park (quận Bình Thạnh) đã có dịp lòng vòng đi chợ Tết ngay tại sảnh công viên nội khu.

Người trẻ TP.HCM chăm chút quà Tết dành tặng gia đình

“Với tôi, quà tặng quan trọng là thể hiện được tình cảm và sự quan tâm của mình dành cho các thành viên trong gia đình”, anh Xuân Trường bày tỏ.


Ý Linh

Bạn có thể quan tâm