Ngày 12/5
Khởi động lại dự án nâng cấp con đường gập ghềnh Lương Định Của (TP Thủ Đức). Chiều qua, công nhân cùng các loại máy xúc, xe cẩu... tất bật thi công nền đường Lương Định Của (khu vực gần giao lộ Lưu Đình Lễ và Trần Não). Đoạn đường dài gần 100 m được rào chắn một bên phục vụ xây dựng, phần còn lại cho xe chạy. Dự án có vốn đầu tư hơn 800 tỷ đồng được thi công trở lại khi địa phương giao mặt bằng.
Nhiều lan can, hàng rào an toàn dọc kênh, sông bị hư hỏng, mất cắp. Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM cho biết đa phần các lan can dọc kênh bị mất do trộm lấy. Chân đế các lan can được cố định vào nền bê tông bằng ốc thép, nhiều đoạn ốc không được siết chặt hoặc chỉ có bu lông neo chân cột lan can, dễ bị mất trộm. Nhiều đoạn không còn thanh sắt chắn ngang, hở cả khoảng rộng bên bờ sông. Điều này tiềm ẩn nguy hiểm cho người dân, nhất là trẻ em.
100% dữ liệu tiêm chủng đang xác thực để cấp "hộ chiếu vaccine". Sở Y tế cho biết tính đến ngày 11/5, toàn bộ cơ sở y tế trong TP.HCM đã chuyển dữ liệu cần xác minh cho công an trong hoạt động "làm sạch" dữ liệu tiêm chủng. Toàn TP có 886.477 dữ liệu được ký duyệt chứng nhận tiêm chủng ngừa Covid-19 thông qua chữ ký số.
Nhà phố Tây 2.000 USD hạ xuống 8 triệu đồng vẫn không ai thuê. Khách sạn ở phố Bùi Viện (quận 1) biến thành ký túc xá cho sinh viên và dân văn phòng. Còn nhiều nhà hàng ở phố Nhật (Thái Văn Lung, quận 1) thì trả mặt bằng do làm ăn thua lỗ. Nguyên nhân do lượng khách ngoại quốc giảm hẳn sau dịch Covid-19.
Khu vực cảng Tân Thuận (quận 7) sẽ trở thành công viên ven sông. UBND TP.HCM vừa trình Bộ GTVT về quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam giai đoạn 2021-2030, trong đó cảng Tân Thuận sẽ được di dời để lấy mặt bằng thực hiện các dự án chỉnh trang đô thị. Việc di dời từng dự kiến thực hiện từ năm 2017, nhưng đến nay TP vẫn chưa chốt được thời điểm đưa cảng này ra khỏi nội đô.
Nhiều địa phương giải quyết thủ tục hành chính trong ngày. Từ ngày 15/5 đến 15/6, TP.HCM bước vào tháng hành động tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) trong ngày. Cơ quan chính quyền thực hiện phương án tiếp nhận, thẩm định, phê duyệt, đóng dấu và trả kết quả tại chỗ để đẩy nhanh tiến độ giải quyết hồ sơ; đồng thời đổi mới phong cách, thái độ phục vụ.
TP.HCM thuộc nhóm địa phương có chỉ số minh bạch thấp. Chỉ số thành phần công khai, minh bạch của TP gồm: tiếp cận thông tin 0,83; công khai danh sách hộ nghèo 1,59; công khai thu chi ngân sách 1,36; công khai kế hoạch sử dụng đất 1,09. Chỉ số này 5 năm qua (2017-2021) lần lượt thấp dần như sau: 5,93 - 5,23 - 5,49 - 5,38 - 4,99. Trong đó, chỉ số tiếp cận thông tin đất đai của người dân được đánh giá rất hạn chế.
Bạn đọc ở TP.HCM có câu chuyện muốn chia sẻ hay vấn đề cần phản ánh có thể gửi thông tin về hộp mail Saigontalk@zing.vn.